Xã hội có hai kiểu luật: luật pháp và luật tục. Chúng đều do con người đặt ra, nhưng ai cũng miễn cưỡng tuân thủ. Chúng ta yêu tự do nhưng liệu chúng ta có đủ năng lực để sống sót trong một thế giới không còn sự che chở của luật lệ?
Luật pháp và luật tục
Nghĩa của “luật pháp” thì có lẽ không cần bàn, nên chúng ta nhắc tới “luật tục”. Luật tục là những quy ước bất thành văn về các chuẩn mực xã hội được các cá nhân trong cộng đồng cùng chấp thuận, tình nguyện tuân thủ. Chúng bao gồm các tiêu chí, tiêu chuẩn, chuẩn mực về hành vi, đạo đức, tiếng nói… và mang tính chất phong tục, tập quán. Hiểu một cách nôm na, luật tục chính là “lệ làng”.
Mỗi một tổ chức, xã hội, quốc gia, khu vực lại có một hệ thống luật tục khác nhau. Sự khác biệt giữa chúng hình thành nên đa dạng văn hóa. Con người có trách nhiệm tuân thủ luật pháp và nghĩa vụ làm theo luật tục. Nếu trái pháp luật thì sẽ bị xử phạt hành chính hoặc tù giam, còn trái luật tục thì bị cộng đồng khiển trách, từ bỏ.
Tất cả chúng ta đều được học luật tục từ thuở mới lọt lòng. Những câu hát ru luôn hàm chứa sự nhắc nhở, “À ơi… Con ơi muốn nên thân người/ Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Vừa bắt đầu ê a “học ăn, học nói” là tiện thể học luôn những điều được phép và không được phép. “Tiên học lễ”, tức là học “lễ nghi, lễ phép” – tất tần tật các quy tắc “đối nhân xử thế” trên đời.
Bước chân ra khỏi cổng là phải học luật giao thông. Cho dù mới “lên 3, lên 5” cũng phải biết đi bộ trên lề bên phải. Rồi thì một mớ các dấu hiệu, biển hiệu trên đường. Càng lớn càng phải tiếp thu, tuân thủ nhiều luật lệ. Mọi mối quan hệ, nơi chốn đều đầy rẫy các quy định chung và riêng. Các nguyên tắc nhiều đến nỗi đủ đan thành lưới, quấn quanh người như chiếc lồng mềm siêu chặt vô hình.
Mê cuồng tự do
Từ thuở hồng hoang, con người đã nỗ lực phá vỡ các luật lệ, vươn tới sự tự do hoàn hảo. Nhưng ở bất kỳ nơi đâu, thời đại nào, chúng ta cũng bị luật lệ quản chế. Trên phương diện lịch sử, luật tục có trước luật pháp. Nó còn có sớm đến mức xuất hiện luôn từ bình minh của loài người. Tổ tiên của con người là Vượn người (Australopithecus). Chúng xuất hiện vào khoảng 3 triệu năm trước, sở hữu bộ não với thể tích chỉ 400cm3. Trong tự nhiên, vượn người chưa phải là kẻ đứng đầu chuỗi thức ăn. Chúng thiếu cả nanh vuốt sắc nhọn lẫn sức lực, phải tụ tập thành đàn.
Sống chung là chiến lược sinh tồn an toàn nguy hiểm. Các thành viên cần nhau, song cũng phải dè chừng lẫn nhau. Chỉ có duy nhất một cách để giữ vững trật tự là đề ra và tuân thủ các nguyên tắc. Suốt chừng 2,8 triệu năm, Vượn người tích cực đầu tư phát triển bộ não, nâng cao nhận thức. Cuối cùng, cách đây khoảng 200.000 năm, chúng đã có được bộ não có khối lượng 1.300cm3 như nhân loại ngày nay. Vượn người bước lên lớp người, được gọi là Người tinh khôn (Homo sapiens).
Người tinh khôn chưa nhiều nguyên tắc xã hội. Họ chỉ mới đơn giản là đồng thuận làm chung, ăn chung, ở chung, giúp đỡ nhau trong mọi công việc. Nhưng cũng kể từ lúc này, luật tục sớm phát triển. Con người càng hiểu biết, giàu mạnh thì lại càng lắm luật tục. Kế đến là các nền văn minh lũ lượt mọc lên và vương quốc ra đời. Từ khi có khái niệm nhà nước thì cũng xuất hiện vương pháp, quốc pháp. Cái lồng luật tục được gia cố bằng luật pháp, càng thêm vững chắc và chật hẹp.
Chẳng có ai lại muốn bị nhốt trong lồng. Suốt chiều dài lịch sử, con người liên tục đấu tranh để giành giật tự do, quyền tự chủ. Từ những luật lệ trên mảng ngôn từ đến luật lệ trong đời sống đều bị đạp đổ. Dẫu là đạo Nho, đạo Khổng – nền móng hầu hết các triều đại phong kiến ở phương Đông đều không tránh khỏi bị xé toang.
Trên khắp thế giới, con người vùng dậy, nhân danh tự do phá bỏ các quy tắc. Mưu cầu tự do nhiều vô kể: tự do dân chủ, tự do tôn giáo, tự do hôn nhân, tự do ngôn luận… Cứ có cấm đoán hay hạn chế cái gì thì có đòi tự do cái đó. Một số yêu sách tự do còn quá trớn đến mức, đòi tự do… khỏa thân, phân biệt chủng tộc, kỳ thị giới tính, vứt bỏ trách nhiệm-nghĩa vụ làm người.
Siêu cần luật lệ
Tự do là có quyền lựa chọn và hành động theo mong muốn của mình. Tuy nhiên, tự do không đồng nghĩa với tự tiện – thích làm gì thì làm. Cá nhân sống giữa tập thể, tự do bắt buộc phải đi đôi với tự chịu trách nhiệm.
Dù biết vậy, con người vẫn khát khao được làm cánh chim hay con cá tự do. Chẳng mấy ai chịu để ý thấy cả chim lẫn cá đều phải sống trong quy tắc. Tự nhiên cũng có quy luật của tự nhiên. Bất kể là cây cối hay động vật đều không ngoài quy luật sinh tồn. Chúng nỗ lực chép quy luật vào gien, truyền cho thế hệ sau. Mỗi lần thành công bước lên một nấc thang tiến hóa, chúng lại nối ngay bài học thích nghi vào đoạn mã ADN. Cứ thế, con chim của ngày hôm nay vẫn hót điệu hót của tổ tiên hàng trăm triệu năm trước và nhảy điệu múa tán tỉnh bạn tình của cha ông mới cách chừng vài trăm ngàn năm.
Con người lựa chọn đầu tư cho khả năng nhận thức thay vì bản năng tự nhiên. Sự nhận thức thì không thể được lưu truyền bằng cách “copy-paste” vào gien, mà phải dựa vào giáo dục. “Học, học nữa, học mãi”, chúng ta chẳng bao giờ có thể ngừng học. Tư duy là nền tảng của sự phát triển.
Luật lệ là một trong các sản phẩm của tư duy, được đặt ra vì mục đích duy trì trật tự xã hội. Xã hội là tập thể con người có chung quy định luật pháp và luật tục. Cả luật pháp lẫn luật tục đều được xây dựng trên cơ sở sự đồng thuận của số đông. Đóng vai trò là cá nhân của xã hội nào thì phải tuân thủ hệ thống luật lệ của xã hội đó. Vì luật lệ gò ép tự do nên tất yếu xuất hiện sự phản kháng. Các quy tắc cũ bức bách bị phá vỡ. Nhưng ngay khi luật lệ cũ vừa bị phá vỡ, luật lệ mới cũng nảy sinh, thậm chí còn nâng cao và mở rộng hơn. Con người cứ vừa thoát ra khỏi cái lồng này, thì lại tự giác bước vào cái lồng khác.
- Xem thêm: Những ngăn kéo cuộc đời
Lý do rất đơn giản: chúng ta cần sự bảo vệ của luật lệ. Hãy thử tưởng tượng một thế giới không có bất cứ chuẩn mực nào, bạn đủ khả năng để sống sót trong nó sao? Chỉ đơn giản với tự do giao thông đường bộ, chúng ta đã chết thảm hàng loạt vì tai nạn. Ghét nhưng lại cần luật lệ là điều mâu thuẫn không thể hóa giải. Con người luôn kháng cự luật lệ, muốn bứt phá, xổ lồng. Song đồng thời, họ cũng lập thêm vô số các lớp lồng mới. “Con người chỉ là những con khỉ bị nhốt trong cái lồng mang tên trái đất”, Hideaki Sorachi của Nhật Bản nhận định. Khoa học công nghệ bây giờ đã thành công mang nhân loại ra khỏi phạm vi trọng lực của địa cầu. Có điều, bên ngoài địa cầu thì vẫn trong lớp nan vô hình của cái lồng vũ trụ.
Dẫu vậy, điều này không có nghĩa đấu tranh cho tự do là vô ích. Nhờ liên tục mưu cầu và sẵn sàng trả giá vì tự do, nhân loại mới sáng tạo, tiến lên. Luật lệ liên tục bị ép phải thay đổi, cải thiện, ngày càng hợp tình hợp lý. Cứ việc yên ổn trong cái lồng luật lệ, nhưng đừng quen với cảm giác chật chội. Diện tích của cái lồng mới thế nào cũng rộng rãi hơn.