Bạn có hội đủ những phẩm chất để bước lên những vị trí đứng đầu trong một tổ chức? Bạn có được những kỹ năng quản lý mà các nhà tuyển dụng đang tìm kiếm? Tài năng của bạn thích hợp với vai trò là một thành viên của nhóm hay chính là một nhà lãnh đạo? Bài trắc nghiệm dưới đây sẽ giúp bạn tìm thấy câu trả lời.
Địa vị có quan trọng đối với bạn không?
a. Rất quan trọng. Tôi thích cái cảm giác đang ở trên nấc thang cao nhất.
b. Khá quan trọng, vì tôi muốn trở thành nhân vật trung tâm trong một đám đông.
c. Chất lượng của các quan hệ quan trọng hơn là chuyện mỗi người chúng ta đang ở đâu trong các mối quan hệ đó.
d. Không quan trọng lắm. Tôi chỉ muốn có một công việc bình thường.
Thời thơ ấu, bạn đánh giá ai là người có vị trí cao nhất trong một tập thể?
a. Nhà lãnh đạo, vì ai cũng sợ người này.
b. Người khôi hài, vì người ấy thường được mọi người yêu mến.
c. Người có suy nghĩ, vì ai cũng lắng nghe ý kiến của người ấy.
d. Người tham lam, vì ai cũng chú ý đến kẻ này.
Ở nơi làm việc, bạn có thường đưa ra những ý tưởng và đề xuất mới không?
a. Luôn luôn để mọi người biết được những điều mới mẻ mà mình đang suy nghĩ.
b. Khá thường xuyên, nếu điều đó không làm ai lo lắng.
c. Thường xuyên, nhưng cũng ngại va chạm với ý kiến khác.
d. Hiếm hoi, vì lỡ nêu ra một ý kiến sai.
Nếu một đồng nghiệp vừa bị phê bình vì viết một bản báo cáo quá tệ, bạn sẽ:
a. Nói với anh ta tại sao anh ta nên làm tốt hơn.
b. Mời anh ta nói chuyện riêng sau giờ làm việc.
c. Đề nghị lần sau đọc bài báo cáo của anh ta trước để xem có giúp cải thiện được gì không.
d. Tránh né anh ta vì đã có quá nhiều thứ phải lo rồi.
Nhận được một phản hồi tiêu cực, bạn sẽ phản ứng ra sao?
a. Tỏ ra giận dữ và lo tự vệ.
b. Lắng nghe kỹ nhưng bỏ đi với cảm giác thất vọng.
c. Suy nghĩ xem có thể thay đổi điều gì để cải thiện.
d. Thở ra và nghĩ rằng tôi là người như vậy.
Chỉ số của trí tuệ xúc cảm (EQ) có quan trọng đối với bạn không?
a. Chẳng có ý nghĩa gì, vì đó là một khái niệm mang tính “thời trang” trong quản lý và nó sẽ nhanh chóng bị mai một mà thôi.
b. Đó là chuyện có thể đem ra giải trí vào lúc rảnh rỗi.
c. Đó là một cách để bày tỏ sự đồng cảm với đồng nghiệp khác.
d. Cần phải biết về khái niệm này để tìm hiểu tâm trạng của sếp.
Đứng trước một vấn đề cần giải quyết, bạn sẽ làm gì?
a. Đưa ra một giải pháp và tin rằng đó là giải pháp đúng nhất.
b. Đưa ra một số giải pháp và tham khảo suy nghĩ của những người khác.
c. Cùng suy nghĩ với vài đồng nghiệp.
d. Tìm lời khuyên của sếp.
Nếu sếp yêu cầu bạn làm một việc ngoài khả năng của mình, bạn sẽ:
a. Nhiệt tình thực hiện ngay.
b. Cố gắng hết sức để làm điều đó và nói với sếp bỏ qua nếu mọi chuyện diễn ra không như mong đợi.
c. Đồng ý thực hiện, nhưng yêu cầu sếp hướng dẫn và hỗ trợ thêm.
d. Từ chối vì thú nhận rằng không thể làm điều đó.
Bạn xem sự giao việc là:
a. Chỉ mất thời gian, tốt nhất là tự làm.
b. Một cách đơn giản để chia sẻ gánh nặng công việc.
c. Một cách hiệu quả để tạo ra các cơ hội học hỏi cho những người khác.
d. Điều mà luôn phải nhận chứ chẳng bao giờ giao được cho ai.
Sự thay đổi đối với bạn là:
a. Điều có thể kiểm soát được.
b. Cơ hội mà bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra.
c. Cơ hội để tiến bộ.
d. Điều mà ta phải đi theo.
Đánh giá kết quả:
• Nếu có nhiều câu trả lời a: Bạn là người có thiên hướng làm lãnh đạo từ khi mới sinh ra và chỉ chờ cho cơ hội đến. Bạn là người mạnh mẽ, quyết đoán và độc tài. Bạn tin rằng mọi người xung quanh tôn trọng bạn, nhưng thực tế có thể khác. Bạn có thể bị xem là một nhà lãnh đạo lỗi thời với phong cách kiêu ngạo, thừa tự tin và độc đoán. Bạn nên rộng lượng hơn với những người không có cùng quan điểm với mình và cởi mở hơn với những người có năng lực xung quanh.
• Nếu có nhiều câu trả lời b: Bạn rất có triển vọng để trở thành nhà lãnh đạo. Bạn ủng hộ và lắng nghe người khác, nhìn vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau. Bạn luôn đi đầu trong các đề xuất, nhưng chỉ có thể giữ vững vai trò lãnh đạo nếu khắc phục được một sai lầm có thể giết chết sự nghiệp của một nhà lãnh đạo là muốn được tất cả mọi người yêu mến. Nên thẳng thắn đối diện những xung đột với sự nhạy cảm và chân thành, bạn sẽ được mọi người tôn trọng.
• Nếu có nhiều câu trả lời c: Bạn thật sự có khả năng để leo lên những nấc thang cao trong tổ chức vì là người sáng tạo, tự tin và luôn đồng cảm với người khác. Bạn dễ dàng tập hợp sức mạnh của nhóm và lấy việc thúc đẩy tất cả cùng tiến làm niềm vui. Điều quan trọng hơn là bạn có thể giúp các cá nhân phát huy hơn khả năng mà bản thân họ nhận thức được. Đây là những kỹ năng quản lý hiện đại được đa số các doanh nghiệp tìm kiếm.
• Nếu có nhiều câu trả lời d: Chắc hẳn, bạn đã có đủ thông minh để nhận ra một vị trí làm việc phù hợp với mình, chứ không làm lãnh đạo. Bạn thích lắng nghe các ý tưởng hơn là đưa ra các đề xuất, thích thực hiện các quyết định hơn là ra quyết định. Đây không hẳn là một điều xấu. Một tổ chức sẽ không thể phát triển bền vững nếu ai cũng muốn là người lãnh đạo cả. Bạn luôn là một thành viên trung thành và đáng tin cậy của nhóm. Chỉ khuyên bạn nên nhớ rằng không phải lúc nào làm theo người khác cũng hoàn toàn đúng. Đôi lúc, bạn cũng cần phải lên tiếng và theo theo cách của mình.