Các cư dân tại thành phố Sydney của Úc vừa trải qua một ngày nóng nhất trong 79 năm qua khi nhiệt độ tại đây lên tới 47,3 độ C. Trong khi đó, hiện tại Mỹ có nơi nhiệt độ xuống âm 70 độ.
Theo đài ABC (Úc), tại khu Penrith ở phía tây thành phố Sydney, mức nhiệt 47,3 độ C được ghi nhận vào khoảng 15g00 chiều 7-1.
Cục khí tượng của tiểu bang New South Wales (thành phố Sydney là thủ phủ của bang này) xác nhận mức nhiệt kỷ lục trong 79 năm qua tại đây. Năm 1939 nhiệt độ ở đây là 47,8 độ C.
Trên toàn thành phố Sydney, nhiều cảnh báo phòng ngừa hỏa họa đã phát đi.
Tổ chức nhân đạo Mission Australia đã giúp đưa những người vô gia cư vào các khu vực tránh nóng và một số người tới việN điều trị vì sốc nhiệt.
Báo Sydney Morning Herald cho biết do thời tiết quá nóng, khoảng 7.000 ngôi nhà trên toàn bang New South Wales đã không có điện sinh hoạt.
Cũng vì thời tiết, ban tổ chức giải đấu tennis quốc tế tại Sydney đã buộc các thành viên tham dự phải rời sân lúc 10g00 địa phương ngày 7-1 khi nhiệt độ trên sân vượt quá 40 độ C.
Trong ngày 7-1 lệnh cấm đốt lửa được ban hành rộng rãi tại Sydney để giảm nguy cơ cháy rừng, một chuyện vốn rất hay xảy ra trong các mùa hè khô nóng của nước Úc.
Tuy nhiên trong ngày 6-1 trước đó đã ghi nhận nhiều đám cháy xảy ra tại các bang Victoria và South Australia.
Từ tháng 9-2017 người dân Úc đã được cảnh báo về nguy cơ đối mặt với một mùa cháy rừng nguy hiểm sau khi quốc gia này trải qua một mùa đông hanh khô nhất.
Theo đài BBC, trong thời gian từ tháng 12-2016 đến tháng 2-2017, hơn 200 kỷ lục về thời tiết như nhiệt độ, lũ lụt, cháy rừng đã bị phá trên toàn nước Úc.
Các chuyên gia cảnh báo mức nhiệt trên đất liền và trên biển đã bị tác động vì tình trạng biến đổi khí hậu, dẫn tới những điều kiện thời tiết cực đoan.
Trong khi đó, miền Đông nước Mỹ và Canada tiếp tục trải qua thời tiết giá lạnh khắc nghiệt khi nhiệt độ trong ngày 7-1 (theo giờ Việt Nam) đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Tại Mỹ, vùng Núi Washington ở bang New Hamsphire là khu vực được xem là lạnh nhất thế giới với nhiệt độ trong không khí xuống mức -40oC, có lúc lên đến -70o C, với sức gió di chuyển lên tới 144km/h, ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 100 triệu người.