Có thể chia ngày giao dịch 8-1 thành hai phần. Nửa đầu khá u ám với đường biểu diễn VN-Index màu đỏ nằm dưới mốc tham chiếu. Nửa sau (từ 11g10 trở đi) là màu xanh tươi sáng với sự đi lên khá mạnh mẽ.
Tất nhiên, để VN-Index có thể làm một cú lội ngược dòng như vậy cần có sự đồng thuận tăng giá từ đa số cổ phiếu, đặc biệt là các cổ phiếu vốn hóa lớn. Không có gì lạ khi số mã tăng trong nhóm VN-30 chiếm áp đảo (22 mã tăng, 7 mã giảm và 1 đứng giá), trong đó có nhiều mã tăng khá, như HPG, MSN, GMD…
Độ mở của thị trường cũng khá tốt, khi trên HSX có đến 160 mã tăng giá so với 137 mã giảm giá. Không chỉ nhóm vốn hóa lớn và trung bình tăng giá, nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ vẫn duy trì được sự tích cực trong những phiên gần đây, JVC, NVT, SMA,… tăng trần. Dù vậy, việc VN-Index tăng đến 10,25 điểm (+1,01%), lên 1.022,90 điểm có công rất lớn của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Thông tin về lợi nhuận (năm 2017) của nhiều ngân hàng tăng đột biến, chia cổ tức “khủng”… đã hỗ trợ tích cực cho nhóm này. Có thể nói, ngày 8-1, VN-Index đã bay cao cùng cổ phiếu ngân hàng.
Cụ thể, chỉ BAB giảm điểm trong ngày 8-1, còn tất cả cổ phiếu ngân hàng trên cả ba sàn giao dịch (HSX, HNX và UpCOM) đều tăng và tăng mạnh. EIB và STB tăng trần, VIB tăng 1.600 đồng/cổ phiếu (6,72%), MBB tăng 1.300 đồng/cổ phiếu (4,97%), VPB tăng 2.050 đồng/cổ phiếu (4,61%), SHB tăng 400 đồng/cổ phiếu (4,16%), ACB tăng 1.300 đồng/cổ phiếu (3,35%), VCB tăng 1.400 đồng/cổ phiếu (2,59%), CTG tăng 600 đồng/cổ phiếu (2,39%), BID tăng 450 đồng/cổ phiếu (1,64%),…
Dòng tiền đổ mạnh vào nhóm ngân hàng giúp cho giao dịch diễn ra rất sôi động, với số cổ phiếu trao tay lên đến hàng triệu cho mỗi mã (cao nhất là STB với 33.849.130 cổ phiếu được giao dịch), góp phần lớn vào thanh khoản chung ấn tượng (hơn 7.000 tỉ đồng) trên HSX. Chính xác là đã có 268.788.910 cổ phiếu được giao dịch, trị giá 7.284,443 tỉ đồng. Có vẻ như VN-Index không muốn dừng quá lâu, mà tìm cách “bay” để chinh phục các cột mốc cao hơn.