Trên đây là lời tâm sự mang đầy tính khẳng định của nữ doanh nhân Trần Xuân Dzu – CEO ILA Việt Nam. Theo bà, đầu tư vào giáo dục được nhiều người cho rằng đó là lối đi nhỏ được trải bằng bông hồng, đẹp nhưng dễ chạm vào nhiều gai nhọn.
Nói một cách cụ thể hơn, dịch vụ giáo dục đào tạo không phải là một món hàng dễ dàng khai thác và sinh lợi theo ý muốn. Những người tham gia vào lĩnh vực này vừa phải có cái đầu tỉnh táo của doanh nhân và cũng cần một trái tim nóng, một cái tâm của người “thầy” đúng với thiên chức của từ này.
Câu chuyện giữa chúng tôi vào một chiều cuối tuần bắt đầu bằng chủ đề này đã “đảo chiều” phần nào với những chia sẻ tâm huyết của nữ doanh nhân này khi say mê nói về triết lý kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục, một hoạt động không chỉ cần cái tâm cái tầm mà còn ở khả năng “hiện thực hóa” những khao khát… Đó cũng chính là mục tiêu phấn đấu xuyên suốt của bản thân bà trong cương vị người lèo lái “con tàu” chuyên chở, chuyển giao ngôn ngữ, tri thức… mang tên ILA.
“Công nghệ đỉnh cao” của tôi đã được cụ thể hóa qua những gì “mắt thấy tai nghe” ở những quốc gia phát triển từ vài thập niên về trước. Hơn nữa, qua thực tế bùng nổ thông tin và những tác động mạnh mẽ của nó trong mọi lĩnh vực đời sống, thêm một lần nữa khiến tôi trở nên quyết tâm hơn trong mong muốn “chạm” tới công nghệ đỉnh cao này.
Chính những cảm nhận rất thật, rất hứng khởi khi được trải nghiệm những phương thức giáo dục đa phương tiện, hiện đại với sự hỗ trợ thì công nghệ thông tin đã luôn thôi thúc tôi thường xuyên chia sẻ sự trải nghiệm đó với giới trẻ, với học sinh tại Việt Nam.
Xin đưa ra thêm một vài dẫn chứng đã giúp tôi “vững tin hơn vào hướng đi mà mình đã chọn: Số liệu thống kê của các chuyên gia thế giới gần đây một lần nữa khẳng định xu hướng ứng dụng công nghệ đang phát triển cực kỳ mạnh mẽ tại Việt Nam.
Nếu năm 2000, số lượng truy cập của chúng ta mới dừng ở con số 200.000 lượt chiếm tỷ lệ 0,3% dân số (theo VNNIC – July/07) thì 10 năm sau, con số này đã tăng lên hơn 10 lần với 22.779.887 lượt (tỷ lệ 25,7%). Vào năm 2012 này, chúng ta đã đạt mức 30.802.752 lượt truy cập (chiếm tỷ lệ 34% dân số), đưa Việt Nam đã trở thành quốc gia nằm trong top 20 của nhóm “Internet countries”.
Điều này một lần nữa thể hiện khả năng nắm bắt nhanh nhạy của người Việt Nam nói chung và đặc biệt là giới trẻ trong nhu cầu ứng dụng công nghệ cao vào mọi mặt sinh hoạt đời sống, công việc, thư giãn, giải trí… Tất nhiên giáo dục, đào tạo cũng không nằm ngoài lề, nếu không muốn nói là đã chiếm vị thế cao trong nhóm nhu cầu chung.
Sáo ngữ “Tầm nhìn” hay “Công nghệ đỉnh cao…” xuất hiện trong dự án đầu tư nói chung và các dự án thuộc lĩnh vực giáo dục nói riêng, hiện đã khá “nhàm tai, quen mắt” với nhiều độc giả. Thế nhưng, với vị nữ tổng giám đốc này vẫn mang hơi hướm rất riêng, khi bà đưa ra những phân tích…
Bà có thể đề cập sâu và cụ thể hóa hơn những tác động của công nghệ thông tin đỉnh cao hiện nay vào giáo dục…?
Lùi về không gian sống của thế hệ chúng ta trước đây, một lớp học truyền thống sẽ được khuôn mẫu về sĩ số học sinh, không gian lớp học giới hạn trong bốn bức tường. Tương tự, tài liệu học tập và cả giáo viên cũng hữu hạn. Với lớp học truyền thống, học sinh phải đến trường để lĩnh hội kiến thức. Ra khỏi lớp học là chấm hết – xin hiểu theo nghĩa học sinh không còn cơ hội, công cụ để tiếp tục học như khi còn ngồi trong lớp.
Còn hiện nay, với thế hệ con cháu của chúng ta thì khác, bằng sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, người học có thể học ở mọi nơi, mọi lúc, thậm chí học ngay trong quán cà phê. Thậm chí, với những trang thiết bị đỉnh cao thì học sinh có thể giao tiếp với giáo viên, với nhiều bạn học khác ở những nơi rất xa và trải nghiệm ở nhiều không gian lớp học khác nhau…
Một ví dụ gần gũi dễ hiểu hơn về tiện ích của công nghệ cao đó là với lớp học truyền thống, học sinh phải mang, xách tài liệu rất nặng nề đến lớp (nhiều đến nỗi báo chí đã ví von là học sinh “cõng” tập đi học). Nhưng với lớp học hiện đại thì tài liệu có thể gói gọn trong một cái USB (một hình thức ổ đĩa lưu trữ dữ liệu lưu động) mà với dung lượng 4GB có thể chứa đến hai triệu trang sách, điều này còn tiết kiệm được chi phí khi không phải mua sách.
Hoặc một tiện ích khác mà người học ngày nay rất chuộng đó là kho kiến thức chung, vô hạn của nhân loại đã được “định dạng” ở “người thầy Google”. Nhờ vậy, chỉ cần chạm, gõ nhẹ những yêu cầu, ta gần như lập tức nhận được phản hồi với hàng tỉ thông tin tham khảo…
Nói chung, tất cả những ứng dụng đỉnh cao của CNTT hiện nay tuy đòi hỏi sự chủ động của người học nhiều hơn nhưng lại giúp ta vô số lợi ích khác ở mọi lúc, mọi nơi và phù hợp với mọi nhu cầu của người học.
Một điều quan trọng hơn nữa, tôi muốn nhấn mạnh đó là cùng với sự phát triển của xã hội, tâm sinh lý người học đặc biệt là giới trẻ cũng có những thay đổi. Theo đó, môi trường học cũng cần phải thay đổi phù hợp để đạt hiệu quả cao hơn…
Bà vừa đề cập đến sự thay đổi tâm lý của người học với những đòi hỏi khác biệt hơn. Vậy, mô hình trường lớp phù hợp ở tương lai sẽ thế nào, thưa bà?
Sẽ có một vài mô hình trường lớp tồn tại song song để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học. Theo đó, “mô hình trường lớp online thuần túy” – tạm gọi như thế – sẽ đáp ứng cho nhu cầu học mọi lúc mọi nơi của người học ở mọi độ tuổi. Tất nhiên, với mô hình trường lớp này bắt buộc phải có sự hỗ trợ của công nghệ đỉnh cao như đường truyền, máy vi tính… và mọi giao tiếp sẽ mang yếu tố “ảo” (thông qua màn hình) là chủ yếu.
Thực tế tại Mỹ, khởi đầu chương trình này được thiết kế cho các gia đình quân nhân do đặc thù nghề nghiệp phải di chuyển nhiều đến những vùng miền khác nhau nhưng con cái cũng cần được trang bị kiến thức… Tuy nhiên, sau khi áp dụng thực tế, mô hình trường lớp này đặc biệt thành công, hiện có 350 ngàn người Mỹ đang theo học chương trình này và được công nhận kết quả tại tất cả các bang.
Phương pháp học thứ hai là kết hợp giữa lớp truyền thống và lớp online. Thông qua sự hỗ trợ của công nghệ thông tin (dữ liệu, tài liệu học trên mạng), người học sẽ được cung cấp chương trình học trước. Sau đó sẽ tự chuẩn bị ở nhà và đến trường để thảo luận, tương tác thật với bạn học và thầy cô trong một không gian mở, rộng hơn, ở đó còn có những bạn học, thầy cô từ các không gian khác (nước khác, vùng miền khác) cùng online tương tác… Phương pháp này vượt trội hơn vì có cả tương tác thật lẫn ảo, khiến người học ít bị nhàm chán trong một không gian rộng mở hơn.
Tuy nhiên, bằng nhận định chủ quan, tôi cho rằng phương pháp học gần như tất yếu trong tương lai đó là phương pháp học “Game based learning”. Phương pháp này tương tự như cách học thứ hai nhưng cấp độ cao hơn để đạt hiệu quả tối ưu hơn. Đó là yếu tố giáo trình được thiết kế hấp dẫn và phù hợp.
Để xác định được chương trình học này, rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đã phải cùng ngồi lại và cùng nhau phân tích: Vì sao với việc chơi game dù thua bao nhiêu lần, người chơi vẫn vui vẻ chấp nhận chơi lại và hầu hết chỉ chấp nhận dừng cuộc chơi khi đã chiến thắng. Trong khi đó, nếu việc học (ngay cả với sự hỗ trợ công nghệ thông tin ở trường lớp online), nếu rớt (thua) chỉ một – hai lần là người học đã thấy chán, không thể chấp nhận.
Đi tìm câu trả lời cho thắc mắc này, các chuyên gia giáo dục đã thiết kế nên chương trình học mới, trong đó kiến thức được thể hiện dần thông qua các cấp bậc của trò chơi điện tử.
Nhờ vậy, khi đến với các lớp học online, thông qua các giáo trình điện tử và bảng tương tác, người học luôn có cảm giác hứng thú, sẵn sàng để tiếp thu kiến thức, trao đổi thông tin… nhắm đến mục tiêu cuối cùng là hiệu quả cao trong việc học. Đây là phương pháp đang được ILA Việt Nam triển khai để tiếp cận người học trong một ngày gần đây.
Ông bà ta có câu “trăm nghe không bằng một thấy”, giờ đây tôi xin thêm “trăm thấy không bằng một lần trải nghiệm”. Các bạn có thể đến với chúng tôi để có những trải nghiệm thật, lý thú với ILA.
Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện với những thông tin thú vị.