Qua chín tháng của năm nay, Chính phủ nhìn nhận các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng hợp lý đã đạt được những kết quả quan trọng.
Về ổn định kinh tế vĩ mô: Nếu so tốc độ tăng GDP sản xuất (cung) với GDP tiêu dùng cuối cùng (cầu) thì trạng thái cầu vẫn thấp hơn cung (5,12% so với 5,62%). Trong quan hệ thương mại với nước ngoài, Việt Nam đang có thặng dư thương mại. Mặt khác, lượng ngoại tệ đổ về từ các nguồn đạt khá nên dự trữ ngoại hối tăng cao, đạt kỷ lục mới (35 tỉ USD), giúp tăng được khả năng thanh khoản, an toàn tài chính, ổn định tỷ giá… Tính đến ngày 15-9, thực hiện dự toán cả năm của tổng thu ngân sách cao hơn của tổng chi ngân sách (76,3% so với 71,7%) nên tỷ lệ bội chi thấp hơn (hiện ở mức 4,9%), cả năm có thể đạt thấp hơn dự toán.
Lạm phát được kiềm chế: Chỉ số CPI qua chín tháng tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong 11 năm qua. Đó là tín hiệu khả quan để cả năm chỉ tăng khoảng 4%, thấp hơn mục tiêu do Quốc hội đề ra (7%), thậm chí có thể tăng thấp nhất so với các năm từ 2004 đến nay.
Tăng trưởng GDP: Chín tháng đầu năm đạt 5,62%, riêng ba nhóm ngành nông, lâm, thủy sản có xu hướng còn tăng nữa. Nếu giữ được tốc độ này, GDP cả năm sẽ tăng với tốc độ cao hơn hai năm trước (năm 2012 tăng 2,68%, năm 2013 tăng 2,67%). Dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất cũng cao hơn tốc độ tăng chung (5,99%). Năng suất lao động của nhóm ngành này cao gấp gần 1,4 lần năng suất lao động chung và cao gấp gần 3,5 lần năng suất lao động của nhóm ngành nông, lâm, thủy sản.
Có thể thấy so với cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng cao hơn đạt được trong điều kiện lạm phát được kiềm chế thấp hơn là một điều ít thấy do cặp chỉ tiêu này thường có chiều hướng biến động ngược nhau. Kết quả trên càng có ý nghĩa khi đạt được trong điều kiện tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tính trên GDP tuy có cao hơn năm trước và cao hơn kế hoạch nhưng vẫn còn thấp xa so với thời kỳ 2006-2010. Thực hiện giảm tỷ lệ vốn đầu tư phát triển tính trên GDP là việc làm phù hợp với chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chỗ chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, tăng số lượng lao động sang dựa vào nâng cao hiệu quả đầu tư và năng suất lao động.
Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta vẫn còn những hạn chế, bất cập và đứng trước nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ. Cụ thể hơn, các cân đối kinh tế vĩ mô được ổn định còn ở mức thấp và chưa vững chắc. Dù quan hệ cung – cầu được cải thiện, xuất siêu, lạm phát thấp nhưng kết quả đó không hoàn toàn do cung tăng cao, cũng không phải do hiệu quả đầu tư cao hay năng suất lao động tăng, mà một phần quan trọng là do tổng cầu vẫn bị co lại, tăng trưởng tín dụng quá thấp… Xuất khẩu vẫn còn mang nặng tính gia công, lắp ráp và xuất siêu chủ yếu nhờ mức tăng cao ở khu vực FDI, trong khi đó khu vực kinh tế trong nước vẫn nhập siêu lớn. Hai vấn đề lớn mà Chính phủ sẽ tập trung sức trong quý cuối cùng của năm để đề ra các biện pháp giải quyết có hiệu quả hơn là xử lý nợ xấu, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng và thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Nguyễn Thắng