Vừa qua, lần đầu tiên một người Việt được bổ nhiệm vào vị trí giám đốc tại Việt Nam và Lào của Visa – công ty công nghệ thanh toán hàng đầu thế giới.
Đảm nhiệm vai trò quan trọng trong thời điểm bước ngoặt của ngành thanh toán công nghệ số Việt Nam là bà Đặng Tuyết Dung – một nữ doanh nhân có bề dày kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực ngân hàng doanh nghiệp và ngân hàng bán lẻ.
Visa cũng vừa công bố kết quả cuộc khảo sát về hành vi thanh toán của người tiêu dùng trong nước. Nhân đó, bà Đặng Tuyết Dung đã chia sẻ với DNSGCT về tầm nhìn và chiến lược của Visa góp phần đưa Việt Nam phát triển nền kinh tế số.
____
Ngành thanh toán công nghệ số tại Việt Nam được đánh giá là sắp bước vào thời kỳ bùng nổ. Bà và đội ngũ ở Visa đã chuẩn bị cho điều đó như thế nào?
Tuy Việt Nam vẫn có tỷ trọng dùng tiền mặt cao, những động thái từ người tiêu dùng, doanh nghiệp và Chính phủ cùng hướng tới thanh toán điện tử hiện đang diễn biến tích cực.
Visa hoàn toàn ủng hộ lộ trình thanh toán không dùng tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tới năm 2020 và cam kết thúc đẩy việc chấp nhận thanh toán điện tử – mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ với công nghệ tiên tiến nhất về bảo mật, nâng cao trải nghiệm dịch vụ của người tiêu dùng, từ đó đảm bảo việc chuyển đổi sang nền kinh tế không dùng tiền mặt của thị trường thật hiệu quả.
____
Sau khảo sát về hành vi thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam, Visa sẽ có hướng đi cụ thể ra sao?
Nghiên cứu gần đây của Visa về hành vi người tiêu dùng đã chỉ ra rằng thói quen sử dụng các công nghệ thanh toán mới đang trở nên phổ biến, với 44% số người được khảo sát cho biết họ đang sử dụng hình thức thanh toán qua các ứng dụng, trong khi đó có 32% đang sử dụng các công nghệ thanh toán không chạm (contactless payment), cho phép người tiêu dùng chỉ cần chạm thẻ vào thiết bị để thanh toán. Ngoài ra, 19% số người dùng đã sử dụng hình thức thanh toán bằng mã QR để thanh toán dịch vụ, hàng hóa.
Kết quả khảo sát này cho thấy người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng ưa chuộng phương thức thanh toán kỹ thuật số.
Việc chú trọng vào phát triển các công nghệ bảo mật thanh toán, gia tăng lòng tin của người tiêu dùng và phát triển công nghệ góp phần nâng cao trải nghiệm của khách hàng, hướng tới sự đơn giản, thuận tiện, nhiều lợi ích.
Đây là những yếu tố quan trọng tác động đến việc đẩy nhanh xu hướng thanh toán kỹ thuật số trong cộng đồng người tiêu dùng. Vì vậy, Visa hợp tác với Chính phủ, NHNN, khách hàng để cùng xây dựng và phát triển mạnh mẽ xu thế này.
Visa đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, hỗ trợ thị trường và các khách hàng tại Việt Nam trong lĩnh vực an ninh thanh toán, các ứng dụng công nghệ số để gia tăng trải nghiệm an toàn, thuận lợi cho người tiêu dùng, doanh nghiệp, lĩnh vực phổ cập tài chính cũng như các lĩnh vực liên quan đến thanh toán chính phủ ứng dụng công nghệ số.
Cụ thể sắp tới, Visa đang và sẽ liên tục phối hợp với NHNN, hỗ trợ các ngân hàng và tổ chức tài chính trong việc nghiên cứu, áp dụng các công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại.
Có thể kể đến mã phản hồi nhanh (QR code), mã hóa thông tin thẻ (tokenization), thanh toán di động (mobile payment), thanh toán phi tiếp xúc (contactless) đồng thời hỗ trợ các ngân hàng mở rộng mạng lưới thanh toán chấp nhận thẻ, ứng dụng công nghệ mới để đem lại lợi ích và trải nghiệm tốt nhất cho người tiêu dùng.
Lộ trình triển khai các giải pháp an ninh, an toàn thanh toán giai đoạn từ 2019-2021 cũng đang được Visa chính thức triển khai tại thị trường.
____
Theo bà, trong các số liệu liên quan đến hành vi người tiêu dùng mà Visa đã khảo sát trong năm 2018 thì đâu là điểm đáng chú ý nhất, và các con số này nói lên điều gì?
Trong báo cáo, ý kiến của người tiêu dùng đối với các hình thức thanh toán khác nhau được nghiên cứu chi tiết. Kết quả cho thấy rằng người Việt Nam mang ít tiền mặt hơn, và một nửa số người được khảo sát sử dụng phương thức thanh toán bằng thẻ và di động ít nhất 2-3 lần một tuần.
73% số người được khảo sát trả lời rằng họ đang sử dụng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, trong khi đó 82% số người tiêu dùng đã thực hiện giao dịch trên điện thoại di động. Những con số này thật sự là tín hiệu tích cực trong nỗ lực phát triển kinh tế số tại Việt Nam.
Gần đây, chúng tôi và Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam (CCVSA) khởi động chương trình “Kỹ năng quản lý tài chính” lần thứ 8, mở rộng phạm vi với các chủ đề mới nhằm giúp giới trẻ giải quyết thách thức về kinh tế và tài chính của bản thân.
Ngày nay càng có nhiều bạn trẻ chọn cách mua sắm trực tuyến, nên chúng tôi đưa một số chủ đề mới vào chương trình, như việc đảm bảo an ninh bảo mật khi mua sắm trực tuyến hay các điểm cần lưu ý khi ký kết hợp đồng.
Việc trang bị kỹ năng quản lý tài chính và chi tiêu trở nên hết sức cần thiết trong bối cảnh thương mại Việt Nam ngày càng phát triển đa dạng.
____
Bà có thể chia sẻ mức độ tăng trưởng, kế hoạch, chiến lược cũng như những cam kết của Visa trong quá trình phát triển thị trường thanh toán ở Việt Nam năm 2019, cũng như cả giai đoạn sắp tới?
Mục tiêu phát triển nền kinh tế số của Chính phủ Việt Nam là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của phát triển kinh tế.
Tại Việt Nam, trong suốt hơn 14 năm hoạt động, Visa đặt nhiệm vụ phối hợp, đồng hành, đóng góp cùng Chính phủ Việt Nam cũng như Ngân hàng NHNN trong việc xây dựng và nâng cao hạ tầng thanh toán tại Việt Nam là nhiệm vụ chiến lược.
Do đó, Visa luôn tiên phong trong việc đưa các ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến nhất về thanh toán điện tử và công nghệ số vào thị trường Việt Nam.
Nỗ lực này giúp đảm bảo an toàn bảo mật cho thanh toán thẻ tại Việt Nam, giúp các tổ chức tài chính, doanh nghiệp có thêm hạ tầng công nghệ sáng tạo và an toàn để tăng cường tiện ích và trải nghiệm ngày càng tốt hơn cho người tiêu dùng.
Cuối tháng 3-2019 vừa qua, Visa cũng chính thức khởi động giới thiệu các công nghệ và giải pháp bảo mật thanh toán và thẻ mới đến thị trường Việt Nam trong lộ trình 2019-2021.
Ngoài các công nghệ bảo mật nâng cao cho hạ tầng quản lý và thanh toán của các tổ chức thanh toán, phát hành thẻ, người tiêu dùng cũng có thể được trao quyền để có thể chủ động quản lý các giao dịch chi tiêu của mình một cách hợp lý và an toàn hơn.
Dữ liệu là huyết mạch của nền kinh tế số. Visa cũng đang tích cực hỗ trợ các tổ chức thanh toán, phát hành thẻ, các doanh nghiệp tham gia trong hệ sinh thái nâng cao năng lực phân tích dữ liệu để hiểu rõ hơn danh mục sản phẩm, danh mục khách hàng, hành vi, xu hướng hành vi tiêu dùng, thanh toán của khách hàng.
Trên cơ sở đó, Visa có thể xây dựng các định vị giá trị tốt hơn, phù hợp hơn cho các sản phẩm, giải pháp dịch vụ của mình, phục vụ khách hàng một cách hiệu quả hơn, thuận tiện hơn, đem lại cho khách hàng nhiều lợi ích hơn.
Trong thời gian tới chúng tôi rất mong muốn được đồng hành, tham gia nhiều hơn với Chính phủ Việt Nam trong các công tác xây dựng nâng cao hạ tầng thanh toán thông minh, an toàn tại Việt Nam, cũng như nâng cấp hạ tầng dịch vụ thanh toán số trong nhiều hoạt động khác của cộng đồng, góp phần vào mục tiêu xây dựng thị trường thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển kinh tế số của Chính phủ.
____
Cảm ơn bà đã chia sẻ!