Thị trường chứng khoán tháng 3 đã có sự khởi đầu khá thành công. Cột mốc 570 được VN-Index vượt qua từ những ngày đầu tháng và vẫn đang duy trì khá tốt đà tăng trưởng. HNX-Index cũng vậy, kể từ đầu tháng 2 đến nay đã có những bước tiến vững chắc, lần lượt đạt những mốc điểm quan trọng và đã đến điểm số 80 sau khi tháng 3 mới trôi qua một nửa. Sự đi lên của các chỉ số diễn ra đồng thời với đà tăng của thanh khoản và đó mới thực sự là một dấu hiệu tích cực. Thực vậy, khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HSX đạt 133 triệu đơn vị/phiên, tăng 6,7% so với tuần trước đó, còn trên sàn HNX cũng đạt gần 44,7 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 6,5%.
Nhóm cổ phiếu gây ấn tượng nhất kể từ đầu tháng là cổ phiếu của các doanh nghiệp liên quan đến dầu khí và trở thành cột trụ cho thị trường giai đoạn vừa qua. Chính sự bứt phá trong nhiều phiên liên tiếp của dòng cổ phiếu này đã hỗ trợ đà tăng của VN-Index cũng như HNX-Index trong các phiên tăng điểm, đồng thời giảm bớt đà đi xuống của hai chỉ số trong những phiên thị trường điều chỉnh. Nhóm này liên tiếp tăng giá kể từ đầu tháng 3, cùng với đà hồi phục mạnh của giá dầu thế giới, nổi bật phải kể đến GAS, đã lên 48.000-49.000 đồng/cổ phiếu, tăng tới hơn 60% so với vùng giá đáy 30.000 đồng/cổ phiếu (ngày 21-1). Các cổ phiếu khác như PVD, PVC, PVS… cũng có mức tăng mạnh mẽ. Như chúng ta đã biết, giá dầu thế giới tăng là nhờ sự sụt giảm nguồn cung do sản lượng dầu đá phiến ở Mỹ giảm mạnh, việc Nga và Ả Rập Saudi đạt được thỏa thuận đóng băng sản lượng dầu mỏ và thị trường kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu ở Trung Quốc sẽ hồi phục nhờ các động thái kích thích kinh tế cùng với sự nới lỏng tiền tệ của nước này. Tất cả đã được phản ánh vào diễn biến giá dầu. Tuy nhiên, khi tiếp cận vùng cản kỹ thuật quanh mức 40 USD/thùng như hiện nay, giá dầu thế giới rất khó để vượt qua. Một kịch bản dễ gặp hơn là giá dầu thế giới sẽ vào nhịp điều chỉnh, theo sau đó là đa số các cổ phiếu dòng dầu khí nước ta cũng chịu ảnh hưởng và rơi vào một nhịp điều chỉnh ngắn hạn trước khi có thể tiếp tục xu hướng hồi phục.
Khối ngoại trong tuần thứ hai của tháng 3 tiếp tục mua bán khá tích cực, dù không còn mua ròng mạnh như một tuần trước đó và chủ yếu là hoạt động giao dịch thỏa thuận. Cụ thể, khối này chỉ mua ròng hơn 65 tỉ đồng trên cả hai sàn. Dù vậy, đà mua ròng của khối ngoại có lẽ chưa gián đoạn do hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ. Theo đó, trong nửa cuối tháng 3, quỹ V.N.M ETF thêm SBT vào danh mục và loại ra PPC, còn quỹ FTSE Vietnam Index thêm vào danh mục năm mã (HHS, PGD, HNG, ASM và HQC). Có mua vào ắt phải có bán ra, vì vậy một số cổ phiếu vốn hóa lớn có ảnh hưởng đến chỉ số và đang ở trong danh mục của FTSE Vietnam Index như VCB, VIC, MSN,… có thể bị bán ra để đảm bảo tổng tỷ trọng danh mục không vượt quá ngưỡng cho phép. Động thái này tuy không ảnh hưởng nhiều đến hai chỉ số nhưng lại giúp cho các nhà đầu tư cá nhân hưởng lợi nếu muốn canh mua rẻ các mã bị giảm tỷ trọng này. Ngoài ra, hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ cũng sẽ giúp thanh khoản thị trường tăng vọt. Điều đó đồng nghĩa với thanh khoản của thị trường vẫn duy trì ở mức cao và là tiền đề cho sự bứt phá của chỉ số trong thời gian tới.
Để có được sự bứt phá này, trước hết các chỉ số phải vượt qua được áp lực điều chỉnh trong ngắn hạn, khi mà thị trường đang thiếu thông tin hỗ trợ, và hoạt động chốt lời nhằm bảo vệ thành quả của một số nhà đầu tư lướt sóng đang tỏ ra chiếm ưu thế.
Ngọc Khang (DNSGCT)