– A! Mẹ. Ba… Ba!
Trái banh nhựa trên tay Nga hẫng đi, lao quàng xiên vào những cạnh rổ đủ màu rồi dội lại, văng xuống đất. Luýnh quýnh nhét trả hộp banh còn ba bốn trái chưa ném, Nga quay khỏi gian trò chơi ném banh rổ, lấp xấp chạy theo con.
Len ra được khỏi khu lều bạt lùm xùm, Nga đưa mắt tìm quanh quất. Cà Na kia rồi, cái áo đỏ nổi lên như một đốm lửa be bé chùng chình neo một bên dãy ghế nhựa loe hoe mấy người ngồi. Cổ nhỏng lên, bàn tay nhỏ vịn phía trước một lưng ghế run run, mắt con bé chăm chăm hướng về phía trước. Nơi một sân khấu cao nhòng được dựng lên giữa khoảng trống lều phều gió. Vài cơn gió hanh hao đầu mùa không làm bay nổi vạt áo người đang nhảy nhót, để đám người bên dưới cứ thắc thỏm ngóc cổ chờ, rồi thắc thỏm tiếc.
Nhạc ùng ùng giã từ cặp loa thùng dựng chóc ngóc mép sân khấu làm Nga lùng bùng đầu óc. Kéo tay đứa con gái kiên quyết giữ rịt cái lưng ghế không đi, thở hắt ra, Nga tuyên bố đầu hàng:
– Thôi được… Không về thì mình ra kia!
Gần như cắp con gái ngang hông, Nga le te thẳng ra đám bàn gỗ con con sát mấy xe nước mía. Ấn con xuống cái ghế quay lưng lại với dáng người tưng bừng nhảy nhót, Nga vẫn thấy mình bất lực. Con bé cứ đôi ba chập lại nhấp nhổm, quậy quọ rồi ngoẹo hẳn đầu ra sau để tiếp tục đăm đắm ngó.
Chán nản, Nga cố quấy muỗng lanh canh vào thành ly nước mía đầy ụ đá, lấy âm thanh con gái thích nhất để dụ con. Cà Na quay lại thật. Vớt một cục đá lên khỏi đám nước sóng sánh lợt phèo, con bé lóc cóc nhai. Không lạo xạo thích thú, chỉ thảng hoặc ba tiếng lóc cóc ngắt quãng, buồn thắt thẻo.
Nga bắt gặp hoài nét buồn không đáng có ấy ở con (một đứa trẻ cỡ đó thì biết gì mà buồn). Lúc đứng đợi mẹ đón bên cổng trường. Lúc coi tivi chương trình thế giới động vật thấy gấu mẹ, gấu cha cõng gấu con. Cả lúc ngồi đợi mẹ dọn đồ về, ngó chim yến bay rợp giữa ráng chiều đỏ lựng.
“Mẹ nghe chuyện nhà yến chưa? Chuyện vầy nè. Có con yến con kia không vâng lời thích bay kiếm ăn thật xa. Nó bay mãi, bay mãi cuối cùng quên mất luôn đường về. Yến cha, yến mẹ ngày ngày bay khắp nơi kêu vang để tìm con. Yến con nghe được, nhưng mệt và đói lả làm nó không cất nổi cánh bay đến. Nó chỉ đủ sức nằm một chỗ và khẽ kêu lên. Thế mà từ tít trên cao, yến cha cũng nghe thấy, liền bay ngay đến. Ba nói ba cũng như yến cha vậy. Tai ba nghe tiếng con hay lắm. Con mà kêu lên một tiếng là ba nghe được liền. Nên mai mốt gặp ba ở đâu mẹ để con kêu cho nghe…”.
Một cục đá nhỏ trượt khỏi đà đưa lên của cái muỗng rơi xuống mặt bàn. Nga cúi xuống. Thấy cục đá nhỏ đành hanh nói với đứa con gái ỉu xìu: “Đó! Múc đá ăn múc cũng không xong. Dởẹc. Hèn chi kêu ba ba hoài mà ba có nghe mày đâu a”. Vành môi trên Cà Na bắt đầu bậu lại, khẽ run run. Nga gạt tay, cục đá nhỏ bay vèo xuống đất mà con bé vẫn òa lên. Cái miệng ứ hự đá không mở được thành những âm thanh nức nở. Nên trong tiếng nhạc vẫn dập thùng thùng, Nga chỉ nghe được chuỗi hức hức ậm à ậm ạch. Chỉ có nước là tuôn ầng ậc, thốc tháo, ướt mèm gương mặt nhỏ méo xệch. Ướt mèm luôn ba gói khăn giấy mà nhỏ bán nước mía lật đật đưa qua.
– Nó đòi coi nữa thì chị cho đi. Hát hò um xùm gì con nít nó khoái. Lát nữa còn nghe hô lô tô.
– Ừa… Nín… nín đi con! Nín dò lô tô với mẹ nghen – Nga chụp lấy câu cuối của nhỏ Nước Mía như chụp một cái phao. Thằng nhóc đeo lủng lẳng cái giỏ đen trước bụng đang đảo qua đảo lại, phe phẩy mấy tấm giấy dò lô tô mỏng lét, thì lại chộp được câu cuối của Nga, nên lập tức tấp vô, cười trắng lóa gương mặt đen thùi:
– Ba vé luôn hé cô! Ba ngàn một vé. Ba vé chín ngàn. Trúng bạc trúng vàng. Mua may bán mắn.
- Xem thêm: Biển đêm
Nga phì cười, định chọc vàng đây là vàng khè đó phải hông, thì ông nhóc đã nhảy chân sáo đem câu chào dẻo quẹo qua cái bàn mới có người vào. Bộ vừa đi vừa nhảy liến láu sao mà hệt thằng nhỏ Nga gặp hồi đi quán lần đầu với Thanh. Ngồi chưa nóng chỗ, còn lớ quớ trước ánh nhìn xa vắng của Thanh ra phía mặt sông thì ông nhóc bỗng từ đâu chui ra chìa một mớ hoa hồng:
– Mua một bông tặng cho cổ vui đi chú, chú im im nên cổ buồn quá trời kìa!
Nhờ cái miệng lạ lanh quá trời lanh mà bữa đó Nga được người chằm chằm theo hỏi: “Nga buồn hả? Thanh làm gì Nga buồn hả, phải không?”. Lúc về còn có người lôi giùm ra cái bình, miệng chăng mạng nhện dưới ở gầm bàn, cắm vào đó mấy thân hoa tươi rói. Ai vô nhà thấy bình hoa chưng thật oách giữa bàn cũng tấm tắc cười cười:
– Cha! Giờ mới biết mẹ Cà Na cũng khoái chưng hoa nữa hả ta?
Lúc đó thì họ cũng quen rồi hình ảnh người cứ trưa trưa là bị lớn bị nhỏ trên xe tới cho Nga lui cui dưới bếp. Chạng vạng chiều lại thấy đến, ẵm Cà Na lúc đi tới đi lui lúc dỗ nín, lúc giơ lên cao hạ xuống thấp reo: “Đi máy bay nhen!”. Làm cái thân hình nhỏ tí thích búng búng như con tôm khoái chí im re.
Người ta quen đến nỗi ngày Thanh về ở hẳn với mẹ con Nga chẳng ai lạ lùng gì. Ông hàng xóm sớm dậy tưới cây ngó qua gặp Thanh quần đùi ngồi ghế đá pha cà phê cười khềnh khệch quở đúng một câu:
– Cha! Vầy là giờ sang sáng tui có mối rủ cà phê nước trà. Mừng ghê ta!
Con bạn thân đem mấy cái áo lại sửa cũng nói mừng. Dí mũi vào cặp má núng nính của Cà Na, nó híp mắt đả đớt:
– Khỏi thèm ông ba bạc bẽo của con luôn héng, Cà Na! Ba mới còn thương Cà Na gấp trăm lần. Mai mốt Cà Na còn có em chơi chung nữa héng…
Cái võng dưới nhà biết có nghe thấy gì không mà đưa nhanh hơn, tiếng kèn kẹt nghiến vào hai thân cột đến là buồn.
Đêm nào nằm nghe tiếng võng là Nga muốn khóc. Dù Cà Na có co thân mình bé nhỏ quắp tay mẹ như muốn bảo vệ chở che. Dù mùi tóc tơ và hơi thở thơm mùi sữa của con quấn vào thiên chức người mẹ trong Nga cảm giác hạnh phúc ngọt ngào. Thì tiếng võng vẫn làm nước mắt Nga ứa ra, rớt xuống. Tựa hồ mỗi nhát âm thanh cắt vào màn đêm tĩnh mịch cũng là một vết cứa vào Nga. Không đau đớn mà ngậm ngùi, xa xót. Thứ xa xót cứ khiến giấc ngủ của Nga chờn vờn đâu đó bên ngoài mùng, trên ba cánh máy quạt quay quay, trên kèo nhà. Kiên quyết không đáp xuống.
Nga đếm những con cừu. Nga gắn tai phôn bật toàn mấy bản nhạc mùi mùi. Vô ích. Tiếng võng vẫn đâu đó vọng vào kéo cơn buồn ngủ đi biền biệt. Chịu hết xiết, Nga ra lắc đầu võng, giận hờn:
– Thanh tính làm mồi cho muỗi đến bao giờ? Vô trong mà ngủ. Để Cà Na ở giữa là được chứ gì!
Nhờ giọng khìn khịt mũi hờn hờn ấy, Nga được ngủ yên tới sáng với một cánh tay khẽ choàng qua. Một cánh tay ủi an cho đêm đầu tiên lạnh ngắt và sẽ còn cho cả nhiều đêm sau, sau nữa. Nga biết.
Nhưng Nga không bắt mình dừng lại được khi đã trót đi một bước dài. Bước đi manh nha hôm xe đoàn Kim Vân thả khói chạy tuốt luốt qua đầu cầu, mà giọng ca trẻ Hồng Đăng Quang vẫn ngồi trong quán cà phê cóc ngay cửa rạp hát, đầu cui cúi lom lom vào mấy giọt cà phê đang chảy như chưa bao giờ thấy chúng lần nào. Ngồi đạp máy may bên này đường nhìn qua Nga thắc mắc với Cà Na (lúc đó tất nhiên còn nằm trong bụng): “Ông ca sĩ bữa hát cái bài hay ác liệt kìa con! Sao đoàn về mà ổng còn ở lại chi ta?”.
Nghe hỏi một câu đơn giản vậy thôi mà con gái trả lời Nga bằng mấy cú quẫy đạp quá chừng. Quẫy từ sáng đến trưa thì Nga nghe một thứ gì đó bục ra. Vội ngoắc xe ôm, không kịp dọn hàng, không kịp về xách giỏ đồ chuẩn bị sẵn.
Cà Na nuôi trong lồng kính như con mèo hen ướt nhèo. Vỡ ối sớm nhưng Nga mau lại sức hơn mấy sản phụ chung phòng. Dòm tới dòm lui không thấy bác sĩ liền ôm bầu vú căng sữa lẻn ra đứng ngoài tấm kính ngắm con. Một lần lơ ngơ sao lộn thang máy lên tầng trên, chưa kịp xuống lại thì thấy Hồng Đăng Quang hớt hải chạy theo sau một băng ca. Áo biểu diễn bắt đèn lấp là lấp lánh mà mặt mày xanh mét, nhợt nhạt hơn cả người đang được đẩy đi.
“Thằng đó đánh đờn. Nhậu nhẹt sao về bữa xe tung dưới quảng trường mày không nghe ha? Nặng lắm… Nên đoàn về, thằng này phải ở lại nuôi. Tụi nó… Nghe đâu bồ bịch. Dân nghệ sĩ mà… Lung tung lắm, mày ơi!” – Bà chị Cà Phê Cóc vào bệnh viện thăm, nghe Nga kể, xuống cái giọng lí nhí nghe mệt cả lỗ tai.
Ngạc nhiên một thoáng, nhưng rồi Nga nghĩ ôi thôi, thây kệ người ta. Trái tim ai bắt được nó chỉ thẳng băng hướng về một chiều đường. Đàn ông với đàn ông mà họ tình nghĩa, họ thương nhau, kệ sống kệ chết. Người ráng bấu víu sợi chỉ sống mong manh. Người (như lời kể) ráng nối dài ra thêm sợi chỉấy bằng những chạy vạy, những buổi hát khàn tiếng rã họng hết đám cưới nọ sang đám nhậu kia. Vậy còn không hơn cái phận Nga. Cũng đàng hoàng một tấm chồng, cũng áo cưới, cũng xe hoa, cũng ai nấy vỗ tay chúc tụng, mà giờ vượt cạn lại một mình, thui thủi.
Thành thử ngày ôm con về, đụng Hồng Đăng Quang bước ra từ tiệm quan tài đầu đường. Nga mui mủi lòng, còn ưa ứa mắt thương dáng người thất tha thất thểu. Tưởng là nghĩ mình, cám cảnh người, thương vay khóc mướn vậy thôi. Nào ngờ duyên số kéo ngủng ngoẳng hai đầu dây, kết hai con người tưởng chừng chẳng can hệ gì vào vòng tròn lẩn quẩn.
- Xem thêm: Sau cột đèn đường, có ánh mắt…
Cũng chỉ có thể đổ thừa duyên số. Nếu duyên số không xui khiến bốn tháng sau địu con đi chợ, ngang qua góc vẫn ngồi nhận sửa đồ, Nga không ngoái nhìn. Nếu duyên số cản giùm bước chân Nga ngược lại, để ngập ngừng trước bàn máy may mới toanh cặm cụi một mái đầu. Và duyên số cứ kéo tuột đi giùm Nga theo những vòng quay máy may dăm lời thăm hỏi, ba câu chuyện vu vơ. Để chẳng có gì lắng đọng, chẳng có gì cứ thế nhân lên.
Ca sĩ Hồng Đăng Quang của đoàn ca nhạc Kim Vân làm anh thợ sửa quần áo Thanh cũng tỉ mẩn, cũng khéo như ai. Bóp cái thân áo này vào hai phân, lên ống quần nọ thêm lai rưỡi. Rồi cắt tay, thu cổ, kết lại nút, đạp chỉ xổ. Không thấy một Hồng Đăng Quang cầm micro say sưa sân khấu đâu. Chân đạp, tay canh vải, mắt canh đường chỉ. Tiếng máy may rào rào tuyên bố: ở đây có mỗi ông sửa quần áo tên Thanh này thôi nhen, giao đồ gì thì để đó đừng có hỏi lôi thôi.
Bởi vậy, hai tháng trời, Nga mới biết ở quê nhà Thanh có bốn tiệm may toàn chuyên âu phục với áo dài, mấy anh chị em không ai không biết đạp máy, cắt ráp. Thêm ba tháng nữa, Nga hay thêm Thanh bỏ nhà đi hát vì bị ép thi thiết kế thời trang thay vì thanh nhạc. Rồi ba tháng hơn nữa, cho bữa ẵm theo Cà Na đi quán làm sinh nhật cho Thanh, bữa nghe hỏi:
– Đem con nhỏ đi chợ cực không? Ăn gì nhắn tin, trưa về tôi tạt chợ mua đem qua cho.
Tới chừng người ta thấy cái rạp hát xây từ trước giải phóng thênh thang vậy, mà giờ dùng làm kho đạo cụ với chỗ cho tạm trú đoàn ca múa nhạc tỉnh xa lâu lâu tới thì phí quá, đem bán làm nhà nuôi yến, mất luôn góc ở ké cùng ông bảo vệ tốt bụng của Thanh, thì cũng đủ thông cảm, đủ vấn vương, đủ đưa đẩy để Nga bặm môi nói cái câu trao trợn đỏ dừ mặt mũi:
– Vậy… dọn qua đây ở cho rồi!
Đợt đó, trùng hợp làm sao, Cà Na cũng mới bập bẹ được “ba… ba…”. Đi theo rạp hát cũ, còn có chị Cà Phê Cóc (ông chủ nhà yến người Mã Lai không cổ động lắm loại hình buôn bán vỉa hè). Cả người, cả quán dời đi đâu mất biệt mà câu để lại lâu lâu trở tới trở lui như muốn hỏi thăm Nga: “Sao giờ đã hối hận chưa?”. Đời nào! Kiếm cha cho Cà Na, chứ tính kiếm chồng cho mình đâu mà hối hận trời. Nga thản nhiên, hệt từng thản nhiên trước ánh mắt chị cà phê lo lắng: “Được không? Tao thấy nhiều rồi… Trước sau gì nó cũng đi. Rồi mày coi!”.
Thản nhiên mà thắc thỏm nhìn qua hồi cái góc quen thuộc. Hồ như người rõ ràng lù lù bên bàn máy kia, chỉ cần một sẩy mắt thôi là theo con nắng cuối chiều đang mỏng dần mất biệt. Thản nhiên mà sâm sẫm trời lại tay cắp, tay dắt, xua Cà Na ra đu tòng teng một cần cổ: “Con tới đón ba nè!”. Để cái miệng lách chách hay hỏi làm rối một ý nghĩ, một ánh mắt xao xác theo chiếc xe dán đầy băng rôn sôi nổi quảng cáo một chương trình ca nhạc hay cố tình rầm rĩ lượn qua, xới bụi. Xới luôn cả những điều không nên xới.
Vậy đó, mà càng ngày ánh nhìn đàn yến tự do lượn rợp trời của Thanh càng mông lung, da diết hơn. Những tối dỗ Cà Na ngủ, Thanh hát nhiều hơn. Dù trong trí nhớ Nga còn nguyên tiếng thở ra dứt dạc: “Tôi bỏ rồi. Ròng rã hơn chục năm, tay trắng hoàn tay trắng. Gia đình không. Tiếng tăm không. Giờ cũng không còn người gần gũi nhất (hay người yêu nhất?). Nghề bạc với tôi vậy, tôi tiếp tục làm gì?”. Lúc đó Nga chắc mình đã lầm giữa tiếng thở ra dứt dạc và một tiếng thở dài nhiều tiếc nuối.
Bởi vậy chiều đón Cà Na từ trường mẫu giáo về, thấy tờ giấy kẹp giữa hai cánh cửa khép, Nga có khóc tí nào đâu. Mình lầm thì mình chịu chứ trách gì ai. Chỉ Cà Na thút thít mãi: “Mai mốt gặp ba ở đâu mẹ để con kêu cho nghe…”.
Con yến đã tiếp tục sải cánh trên đường bay mình chọn. Dù kiệt sức, dù đói lả cũng không cất dù một tiếng rên khẽ để lọt đến tai cha mẹ. Thì có đáp lại không tiếng kêu nhỏ bé mà trói buộc của con gái Nga.
Mấy lời đó Nga chỉ biết cay đắng hỏi chính mình hoặc hỏi tấm bia đá lạnh ngắt có ảnh người đàn ông tóc dài xa lạ. Người đàn ông neo giùm một cánh chim lại đoạn đường hiu hắt gió của mẹ con Nga. Người đàn ông Nga ghen vật ghen vờ vì cứở mãi trong một trái tim. Người đàn ông giờ cũng bị bỏ lại bởi người yêu thương nhất, khác gì đâu với mẹ con Nga.
– Trời, vô hết mấy con số rồi kìa! Sao hai mẹ con hổng giơ lên! – Nhỏ Nước Mía vỗ bộp xuống bàn làm cả Nga, cả Cà Na giật thót.
Bốn con số vạch phấn trắng làm thành hàng ngang hồi nào Nga cũng không biết không hay. Trúng lô tô. Chuyện lạ với người chưa bao giờ nhặt được dù một ngàn đồng lẻ như Nga.
– Chị! Trúng mà. Cầm tờ giấy lên lãnh nhanh lên! Hổng ấy em nhỏ lên thay mẹ đi nè. Đi em!
Không nhúc nhích, Cà Na đáp lại nhỏ Nước Mía hào hứng vẫn bằng cái gằm mặt, nín thít. Rồi thình lình (như sợ Nga sẽ nói gì), cái đầu trên thắt hai bím tóc chợt ngước lên, tức tưởi bật ra cùng cặp mắt to lại bắt đầu nhoèn nhoẹt nước:
– Con… con không đi. Ba trên đó. Ba không nghe con… con kêu. Ba còn mặc đồ con… con gái… Thấy mà kỳ.
– Trời! Con nhỏ xớn xác này. Ba nào ở trển! Tầm bậy tầm bạ nhen. Nói bậy mẹ kêu cô đó xuống bắt dẫn theo cổ luôn bây giờ – Nga la con, cười lớ phớ – Tại ở nhà ba nó cũng hay hát cái bài mới nãy.
Nhỏ Nước Mía cũng cười:
– Phụ tùng tùm lum mà để con nít cũng biết đàn ông. Thiệt dở quá heng! Bữa có đoàn lô tô kia về nhen, “bà” nào “bà” nấy đẹp nức nở”.
Nga ờờ, gật gật. Rồi như sực ra, phắt dậy, vội vội vàng vàng:
– Chết thiệt. Đi mà quên tắt bếp ga. Nhanh, con! Cháy nhà dì Tám mày mất! Em. Lãnh giùm mấy lốc nước ngọt nhen. Chị ghé lấy sau. Cảm ơn nhiều héng!
Nhỏ Nước Mía ớ ra, nhìn lại, thì Nga đã vừa kéo vừa lôi được Cà Na ra đến cổng khu hội chợ lèo tèo gắn mấy tấm quảng cáo lật phật khuơ theo gió.
Dừng lại sau ụ đèn bu đặc đám thiêu thân, một tay vẫn nắm chặt con gái lòng thòng nước mắt nước mũi, một tay Nga chặn lên ngang ngực. Đời này cũng có mấy chuyện người giống nhau phát mệt dữ vầy ha.
Cà Na học lớp ba rồi. Cánh chim kia chắc vẫy vùng tận nơi nảo nơi nào rồi. Không thành phố thênh thang, thì cũng thị xã sáng ánh đèn. Tội gì rũ cánh bay đi rồi lội ngược lại cả một quãng dài, lẩn quà lẩn quẩn. Để Nga xuống tuốt luốt chốn quê heo hút này thăm bà con mà cũng gặp. Hay là lại duyên số cắc cớ cố tình chơi xấu thêm lần này.
Để hả hê với cảnh người nhìn xuống, kẻ trông lên, người ngoảnh mặt, kẻ quay đi, mà ánh mắt nào rớt vào đêm cũng đắng đót, cũng khắc khà khắc khoải.