Ngày Tết vẫn luôn giữ vị trí quan trọng nhất trong văn hoá tinh thần của người Việt. Đây là thời điểm đánh dấu một khởi đầu mới, mở ra những kỳ vọng mới cho cả năm. Vì vậy ai cũng mong muốn chia sẻ phút giây đặc biệt này bên những người thân yêu, gần gũi nhất. Ý nghĩa tinh thần vẫn còn đó, nhưng cách “ăn Tết’ theo thời gian đã có nhiều sự thay đổi.
Đơn cử, ẩm thực vẫn luôn là một yếu tố quan trọng tạo nên hương vị ngày Tết cổ truyền. Nếu thế hệ 70s, 80s mong ngóng đến Tết để được thưởng thức thoả thê món bánh chưng củ kiệu chỉ một lần trong năm, thì mọi thức hàng Tết hiện nay đều dễ dàng mua được ở mọi thời điểm và giao tận nơi. Ngay cả việc quây quần chuẩn bị, nấu nướng đã được tinh gọn đi nhiều, Tết hiện đại càng ngày càng hướng tới sự nhanh gọn, tiện lợi.
Nếu Tết xưa trong trí nhớ là những đêm ngồi canh bánh chưng, những sáng mồng một, mồng hai mặc đẹp quây quần chúc Tết ông bà, là cả họ hàng tụ họp đông đúc thì Tết nay gia đình trẻ hướng tới việc du lịch, ăn Tết xa, nghỉ ngơi và thư giãn nhiều hơn. Cuộc bàn luận “Tết đi xa hay Tết về nhà” vẫn chưa có một câu trả lời nhất định.
Dù ở thế hệ nào, có lẽ chúng ta vẫn luôn hướng về gia đình theo một lẽ tất yếu của người Á Đông, không ngừng tìm kiếm cách dung hoà giữa truyền thống và hiện đại. Ngày nay sự kết nối giữa người thân, bạn bè trở nên dễ dàng và tức thời nhờ công nghệ, tình hình của mọi thành viên trong nhà đều được cập nhật mọi lúc, mọi nơi chứ không riêng gì dịp Tết. Nhưng có lẽ chính chúng ta cũng đã nhận ra những cuộc gọi hay tin nhắn mỗi ngày cũng không thể thay thế được cái ôm ấm áp khi gặp mặt và bữa cơm ngày Tết đầm ấm.
Những hoạt động ngày Tết như nấu nướng, dọn dẹp cùng nhau, du xuân, mua sắm hay trang hoàng nhà cửa là những lúc các thành viên trong nhà có cơ hội trò chuyện, gắn kết để hiểu và yêu thương nhau hơn. Khi dành trọn sự quan tâm cho từng câu chuyện, từng bữa cơm gia đình, có lẽ ta sẽ nhận ra tầm quan trọng của việc “có mặt” tại nhà, và không gì thay thế được những mối quan hệ thật.