“Về Cần Ðước quê em mùa lúa chín, nắng hanh hanh chờ cơn gió mát lòng…”. Câu hát đó là nỗi niềm của người nhạc sĩ đã đôi lần đặt chân đến đây, đi xa rồi mà vẫn còn quyến luyến, nhớ nhung…
Câu hát ấy chắc hẳn bất chợt hiện ra trong suy nghĩ của không ít người một cánh đồng lúa trải vàng thơm hương lúa Nàng Thơm Chợ Ðào của Cần Ðước để từ đó, những chén cơm nấu từ gạo Nàng Thơm Chợ Ðào đã làm nhiều người cứ nhung nhớ về một miền quê.
Long An là vùng đã từng nổi tiếng là vựa lúa của đất Gia Ðịnh trong thế kỷ XIX. Ở đây có hàng mấy chục giống lúa khác nhau. Riêng các loại lúa bắt đầu bằng chữ “Nàng” cũng cả chục loại: Nàng Tri, Nàng Rừng, Nàng Chồ, Nàng Quất, Nàng Co, Nàng Minh, Nàng Hương… nhưng không có loại nào qua nổi Nàng Thơm và nhất là Nàng Thơm Chợ Ðào. Chợ Ðào là một chợ nhỏ nằm bên con kênh đào ăn thông với kinh Xóm Bồ chảy qua xã Mỹ Lệ, huyện Cần Ðước. Toàn xã Mỹ Lệ ngày nay có non 1.000 héc ta đất gieo trồng nhưng diện tích ruộng để trồng loại lúa quý này chỉ có 20 héc ta ở ấp Chùa Cầu và ấp Rạch Ðào. Phải là Nàng Thơm Chợ Ðào thì mới ngon, mới thơm, đến nỗi vét đến hột cơm cuối cùng mà vẫn còn nghe dư hương thoang thoảng từ cái chén. Dân gian cho rằng gạo nàng thơm Chợ Ðào là hạt ngọc quý mà ông Trời cho riêng người dân một nắng hai sương xứ này. Cũng bởi, cùng là giống gạo Nàng Thơm, nhưng nếu đem gieo trên cánh đồng khác thì gạo sẽ kém ngon, hương sẽ kém thơm và hạt lựu (một vệt nhỏ màu trắng đục nằm giữa hạt gạo) cũng sẽ rất khó giữ được”.
Từ Chợ Ðào, lớp người này, lớp người khác lớn lên, xa xứ. Dù già, dù trẻ, dù đi bất cứ đâu thì cũng vẫn nhớ về quê hương mình. Một bát cơm thơm cũng trở thành chiếc bến đầu tiên neo nỗi nhớ. Lớp trẻ đi học xa, được ba mẹ, bà con “cụm nụm” gửi cho một túi gạo đem lên Sài Gòn, để mỗi khi ăn một chén cơm gạo Nàng Thơm Chợ Ðào là chúng ăn thương, ăn nhớ, ăn hương, ăn hoa, ăn mà nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ chăm chỉ học hành. Người già sống yên ổn dưới quê, từng mùa nghe rì rào sóng lúa, vui hưởng chút nhàn nhã giữa bốn bề bình nguyên thanh thản. Tới mùa giỗ chạp, tết nhất, các ông cụ, bà cụ khi xới một bát cơm để lên bàn thờ, thắp một nén nhang cho cha mẹ là lòng lại ngùi ngùi xúc động. Xúc động vì bởi thấy mình còn mạnh khỏe để dâng cho người đi trước một chén cơm trên mảnh đất từng thấm đẫm mồ hôi của họ, chén cơm cúng đầy ơn, đầy nghĩa, đầy tình. Ðể rồi, sau đó nhìn con cháu quây quần bên mâm cơm gia đình đầy những “cây nhà, lá vườn”, ông bà lại cười vì thấy cửa nhà yên ấm. Ðối với người dân xứ này, chỉ cần một bát cơm gạo Nàng Thơm Chợ Ðào, ăn với một ít nước mắm kho quẹt cũng hơn ngồi vào một mâm đầy cao lương mỹ vị mà thiếu vắng hương gạo xứ mình.
Gạo Nàng Thơm nấu cháo cũng từng làm mát lòng, mát dạ bao người. Dưới bàn tay khéo léo của người dân Chợ Ðào, với một ít gạo Nàng Thơm bắc lên bếp với ít nước và lượng lửa vừa phải thì những hạt gạo sẽ từ từ nở tung như những đóa hoa nho nhỏ mềm mại và hấp dẫn. Tô cháo lót dạ buổi sáng, ấm lòng giữa khuya, để tiếp sức cho người bệnh không ăn cơm được. Nấu cháo gạo Nàng Thơm Chợ Ðào được ngon, được đẹp và thơm như người dân Chợ Ðào nấu cũng là cả một nghệ thuật…
Về Cần Ðước chẳng những được thưởng thức hương gạo Chợ Ðào, ta còn được ăn chiếc bánh tráng phồng nướng thơm mùi nếp mới, được mua xâu lạp xưởng tươi hồng tự nhiên ít mỡ vốn là đặc sản nổi tiếng… Ừ, chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đủ làm người đến, người đi đều dễ nhớ, khó quên…