Sau năm 2015 với những con số đặt hàng khổng lồ từ các hãng hàng không, trong nửa đầu năm 2016, có vẻ sự cạnh tranh giữa hai đối thủ truyền kiếp trên sàn đấu chế tạo máy bay bắt đầu bớt căng thẳng. Lượng đơn đặt hàng của cả Airbus và Boeing bị sụt giảm trong bối cảnh ngành vận chuyển hàng không đang tăng trưởng nhanh được đánh giá là có nguồn gốc từ nguồn cung tăng quá mạnh trong vài năm trước và giá xăng dầu giảm liên tục trong thời gian qua.
Giá xăng dầu giảm – kẻ thù của những dòng máy bay thế hệ mới
Vận chuyển hàng không được xem là ngành kinh doanh đòi hỏi vốn đầu tư lớn, chi phí cao mà lợi nhuận thấp.Vì vậy, các hãng hàng không luôn phải cố gắng cắt giảm chi phí, trong đó có chi phí nhiên liệu.Những dòng máy bay thế hệ mới như A320NEO hay B 737MAX nhờ hệ thống khí động lực học hiện đại và động cơ turbin hai viền khí cao có khả năng giảm mức tiêu hao nhiên liệu nhưng giá bán lại khá cao.
Trong khi mẫu máy bay thế hệ mới nhất của Boeing là B 737MAX 7 có giá bán 90 triệu USD và mẫu B 777-9X dẫn đầu trên dòng thân rộng của Boeing được bán với giá những 400 triệu USD thì giá của các mẫu tương đương do Airbus cung cấp còn nhỉnh hơn: chiếc rẻ tiền nhất A319neo cũng lên tới 98 triệu USD, còn giá của chiếc A350-1000 hai lối đi thì đến 355,7 triệu USD. Dù vẫn có ưu đãi giảm giá mạnh cho những đơn hàng số lượng lớn nhưng số tiền mà các hãng hàng không dành cho việc mua sắm máy bay mới có thể lên đến hàng tỉ USD.
Xem ra, điều đó có thể vẫn không ảnh hưởng đến doanh số của các nhà chế tạo máy bay nếu giá xăng dầu trên thế giới trong thời gian qua không liên tục sụt giảm. Trong khi thế mạnh của hầu hết các mẫu máy bay vận chuyển thế hệ mới là khả năng tiết kiệm nhiên liệu (giảm đến 20% so với các mẫu cùng dòng ở thế hệ trước) thì số tiền mà các hãng hàng không tiết kiệm được nhờ vào sự sụt giảm giá nhiên liệu trong thời gian qua lên đến 40 – 50%.
Tình thế này đưa đến kết quả là thay vì chọn mua những dòng máy bay thế hệ mới giá cao, các hãng hàng không chọn những mẫu tuy có tốn nhiên liệu hơn một chút nhưng đem lại hiệu quả cao về vận chuyển mà giá lại rẻ hơn nhiều, điển hình là các mẫu Boeing 737NG và Airbus A330. Trong sáu tháng đầu năm nay, mặc dù mẫu thế hệ mới A320neo được khách hàng quan tâm hơn so với A320ceo nhưng A321ceo vẫn có sức tiêu thụ mạnh hơn (52 chiếc so với 21 chiếc A321neo).
Tương tự, nếu mẫu A330ceo bán được 24 chiếc thì A330neo thế hệ mới chỉ tiêu thụ được 14 chiếc. Rõ ràng, sự sụt giảm về giá nhiên liệu dường như đang là rào cản không nhỏ đối với tốc độ tăng trưởng của ngành sản xuất máy bay trên thế giới khi lợi nhuận vẫn là mục tiêu theo đuổi chính của hầu hết các hãng hàng không.
Sau khi lên đỉnh ắt phải xuống dốc
Cả Airbus lẫn Boeing đều là nạn nhân của chính mình sau sự thành công bùng nổ về doanh số.Trong nhiều năm liên tục, doanh số bán hàng của cả hai hãng này đều đạt mức kỷ lục. Nếu số máy bay Airbus phải sản xuất theo đơn đặt hàng tính đến thời điểm này là 6.716 chiếc thì Boeing cũng không kém cạnh với 5.693 chiếc. Trong năm 2015, cả Boeing và Airbus đều đạt doanh số bán hàng kỷ lục, lần lượt là 762 chiếc và 635 chiếc, nhưng các khách hàng còn phải chờ khá lâu mới có thể nhận được những chiếc phi cơ mới.
Theo tính toán của các chuyên gia, nếu dựa trên khả năng xuất xưởng trong năm 2015, để có thể hoàn tất tất cả các đơn đặt hàng tính đến thời điểm này, Airbus phải mất hơn mười năm sản xuất liên tục, còn Boeing cũng cần tới bảy năm rưỡi. Do đã đạt đỉnh cao về doanh số, các nhà sản xuất cũng không mong muốn nhận thêm nhiều đơn hàng nữa. Thời gian giao hàng quá lâu sẽ bị tác động bởi rất nhiều nguy cơ rủi ro khác của thị trường và sự thay đổi nhu cầu từ các hãng vận chuyển hàng không.
Cả Boeing và Airbus đều đang tập trung vào việc đầu tư xây dựng và nâng cấp các nhà máy sản xuất. Airbus tập trung sản xuất mẫu A321 tại nhà máy có trị giá 600 triệu USD tại Mobile (bang Alabama, Mỹ) với vai trò nắm giữ các chiến lược và cạnh tranh trực tiếp với Boeing ngay trên đất Mỹ. Trong khi Airbus đưa ra kế hoạch đến năm 2019 đạt được sản lượng A320 toàn cầu khoảng 60 chiếc/tháng thì Boeing cũng có kế hoạch nâng sản lượng đối với dòng 737 lên 57 chiếc/tháng, tăng 15 chiếc so với hiện nay.
Boeing còn tập trung sản xuất tất cả các bộ phận của chiếc 737 tại một nhà máy ở Renton (bang Washington).Airbus đang tiến tới mục tiêu chiếm lĩnh 50% thị phần phân khúc máy bay một lối đi tại Mỹ. Hiện tại, xét theo lượng đặt hàng, nhà sản xuất máy bay châu Âu đã chiếm 40% thị phần và có khả năng tăng thêm 20% trong thời gian tới, khi các mẫu máy bay thế hệ mới nhất được công bố.