Cuộc đua giành thị phần giữa hai hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới luôn đầy kịch tính trên từng phân khúc thị trường. Airbus và Boeing liên tục cạnh tranh nhau từng chút một bằng những phiên bản máy bay mới có khả năng đáp ứng nhu cầu toàn diện hơn cho các hãng hàng không. Sau cuộc chiến trên phân khúc máy bay tầm trung dành cho thị trường hàng không giá rẻ, một cuộc cạnh tranh mới đang được khơi mào trên phân khúc đường bay dài, không quá cảnh của các hãng hàng không truyền thống.
A350 ULR (Ultra Long Range) là một phiên bản bay đường dài thuộc dòng A350 của Airbus. Sau thành công về doanh số với A350-900 hay A350 WBX trong cuộc cạnh tranh trực tiếp với đối thủ Boeing Dreamliner, ngày 23-4 vừa qua, Airbus đã hoàn tất chuyến bay thử đầu tiên của phiên bản ULR như là một phần trong tiến trình thử nghiệm trước khi đưa kiểu máy bay này vào khai thác thực tế.
Theo Airbus, mẫu A350 XWB ULR sẽ định hình tương lai của ngành vận chuyển du khách trong tương lai vì có thiết kế khí động lực hiện đại nhất, được gắn động cơ siêu việt thế hệ mới của Rolls-Royce, thân và cánh máy bay bằng sợi carbon… Điểm nổi bật nhất của phiên bản này chính là khả năng bay liên tục trên đường bay khoảng 17.900km. Điều đó cũng có nghĩa là A350 ULR có thể giữ độ cao liên tục trong 20 giờ mà không cần phải nạp thêm nhiên liệu.
So với mẫu tiêu chuẩn A350-900, phiên bản ULR không tăng thêm thùng chứa nhiên liệu để có thể bay xa hơn, mà bằng cách tận dụng những khoảng trống từ thiết kế trong các thùng nhiên liệu có sẵn để gia tăng dung tích nhiên liệu tổng khối lượng máy bay vẫn không đổi. Hiện tại, chỉ mới có bảy chiếc A350 ULR đang được sản xuất để bàn giao theo đơn đặt hàng 67 chiếc A350 từ Singapore Airlines.
Hãng hàng không này muốn nhận máy bay vào cuối năm nay để hiện thực hóa mục tiêu đưa hành khách từ Singapore đến New York trên những chuyến bay không quá cảnh từ ngày 11-10 tới (điểm hạ cánh là sân bay quốc tế Newark Liberty). Singapore Airlines còn lên kế hoạch sử dụng phiên bản máy bay này để khai thác đường bay đến thành phố Los Angeles trong khi vẫn khai thác A350-900 trên mạng đường bay không quá cảnh đến San Francisco với thời gian bay liên tục khoảng 17 giờ.
Nếu con số bảy máy bay ULR mà Singapore đặt hàng được cho là hơi ít thì đối với Airbus, điều này không phải là vấn đề vì họ đơn giản chỉ muốn bán thêm máy bay dòng A350 ra thị trường. Qantas – hãng hàng không của Úc cũng muốn khai thác những chuyến bay siêu dài không quá cảnh như một phần trong dự án Project Sunrise của họ mà mục tiêu là cung cấp những chuyến bay không dừng kết nối các thành phố phía đông nước Úc với London của Anh và New York của Mỹ.
Hiện tại, chưa có hãng hàng không nào có thể thực hiện được những chuyến bay thẳng ở những khoảng cách xa như thế, nhưng cả Airbus và Boeing đều đang có nhiều hứng thú trong việc hợp tác với các hãng hàng không để phát triển một dòng máy bay mới đáp ứng nhu cầu bay đường dài không quá cảnh. Đầu năm nay, Qantas cũng đã khai trương đường bay không dừng từ Perth đến London bằng dòng máy bay Boeing Dreamliner.
Tất nhiên, Boeing cũng không chịu lép vế khi lập tức công bố sẽ đưa ra thị trường mẫu Boeing 777-8x để cạnh tranh với A350 ULR. Được dự định sẽ chuyển giao cho các khách hàng vào năm sau, B777-8x sẽ là mẫu phi cơ sở hữu động cơ kép hiệu quả và lớn nhất trên thế giới, có khả năng bay liên tục được đường bay dài đến 8.700 nautical miles, tức là thêm một chút thì ngang bằng với A350 ULR. Tuy nhiên, khác với Airbus vốn sẵn sàng chiều khách hàng hết cỡ thì Boeing lại tỏ ra thận trong hơn. Bằng chứng là ông Randy Tinseth – Phó chủ tịch thị trường của tập đoàn này khẳng định: “Chúng tôi không thể chỉ sản xuất một máy bay cho một hãng hàng không, mà phải đáp ứng được nhu cầu lớn hơn nhiều”. Như vậy, trong tương lai gần, những chuyến bay siêu dài không dừng có thể dễ dàng thực hiện từ bất kỳ điểm khởi hành nào trên thế giới. Điều quan trọng là các hãng hàng không có thể khai thác được tiềm năng về thương mại hay không mà thôi.
Sau năm năm kể từ khi quyết định ngừng khai thác chuyến bay giữ kỷ lục dài nhất thế giới từ Singapore đến Newark (tháng 11-2013), Hãng hàng không Singapore Airlines đã sẵn sàng để lấy lại kỷ lục này vào tháng 10 năm nay và vé cho chuyến bay này đã chính thức được bán từ cuối tháng 5 với tần suất mỗi ngày một chuyến. Tuy nhiên, để duy trì tiêu chuẩn phục vụ cũng như đảm bảo sự thoải mái cho hành khách trong suốt gần 20 giờ bay liên tục, Singapore Airlines chỉ phục vụ hai khoang hạng trên chuyến bay này, gồm hạng thương gia và hạng phổ thông cao cấp. Trong khi đó, Qantas quyết định chọn khai thác chuyến bay đủ các hạng khoang khách, thậm chí còn có hẳn một không gian để hành khách tập thể dục.
Với sự trợ giúp của dòng máy bay A350 ULR, các chuyến bay SQ21/SQ22 sắp được khai thác vào cuối năm nay sẽ có thể giảm bớt thời gian bay từ Singapore đến Newark gần bốn giờ vì không còn phải quá cảnh tại sân bay Frankfurt và đông đảo hành khách sẽ yên tâm chìm vào một giấc ngủ sâu kéo dài nhiều giờ.