“Chán ăn là thèm thuốc”. Đây là câu nói vui của BS Trần Ngọc Lưu Phương, Trưởng đơn vị Tiêu hóa can thiệp, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP. Hồ Chí Minh), ý chỉ chứng chán ăn thường phải được điều trị. Vì chán ăn kéo dài do nguyên nhân tâm lý hay sinh lý đều là dấu hiệu của những bệnh nguy hiểm. BS Lưu Phương cho biết:
Cuộc sống hiện đại, áp lực công việc và nhiều mối lo toan khiến chúng ta dễ bị căng thẳng, stress. Tinh thần bất ổn, cơ thể mệt mỏi nên chúng ta ăn không ngon, thậm chí không buồn ngó ngàng đến thức ăn. Những cú sốc về tinh thần do làm ăn thua lỗ, mất việc làm càng khiến chúng ta mất ăn, mất ngủ. Đây là chứng chán ăn cấp tính do tâm lý.
Tôi xin lưu ý thêm về tình trạng stress học đường mà rất nhiều thanh niên mắc phải hiện nay. Áp lực học tập trên giảng đường, ở nhà… đã trở thành gánh nặng lớn đối với rất nhiều học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, tâm lý mong muốn thái quá về kết quả học tập của các bậc phụ huynh khiến cho các em phải “gồng” mình lên để làm hài lòng cha mẹ, khiến các em mệt mỏi, chán nản và không thiết tha cả chuyện ăn uống, chơi đùa. Áp lực học đường thường làm chậm quá trình dậy thì và khiến tinh thần của các em bịảnh hưởng nặng nề.
Ngoài nguyên nhân stress, chúng ta còn chán ăn cấp tính do những nguyên nhân nào khác?
Chán ăn cấp tính còn do nguyên nhân nhiễm trùng hoặc rối loạn tiêu hóa. Người bị nhiễm trùng do cảm cúm, sốt rét, viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi, sốt thương hàn… đều có cảm giác không muốn ăn uống gì. Một số bệnh đường tiêu hóa như tiêu chảy cấp hay viêm dạ dày cấp, cũng là thủ phạm khiến chúng ta ăn không ngon, cảm giác ăn không tiêu sẽ làm chúng ta cảm thấy khó chịu và không muốn dung nạp thêm thức ăn.
Những trường hợp chán ăn cấp tính nói trên có gây hậu quả gì nghiêm trọng không, thưa bác sĩ?
Thường thì chán ăn cấp tính không gây hậu quả nghiêm trọng. Khi hết stress, căng thẳng, chúng ta ăn uống lại bình thường. Hay quá trình ăn uống bồi bổ sau khi điều trị bệnh nhiễm trùng cũng giúp sức khỏe phục hồi rất nhanh. Tuy nhiên, chán ăn cấp tính do stress rất dễ kéo dài, nhất là trẻ em, cần có biện pháp điều chỉnh kịp thời để tránh những hậu quả nghiêm trọng về sau.
Trong trường hợp chán ăn kéo dài trên hai tuần, chúng ta nên nghĩ đến những bệnh gì?
Nếu chán ăn kéo dài trên hai tuần (chán ăn mãn tính) thì cần kiểm tra tổng quát để tránh trường hợp xấu nhất là bệnh ung thư. Rất nhiều trường hợp ung thư giai đoạn đầu không có biểu hiện gì rõ rệt, chỉ cảm thấy mệt mỏi, chán ăn. Đáng nói hơn, sau khi chẩn đoán là ung thư, chứng chán ăn ở nhiều bệnh nhân không hề thuyên giảm, do bệnh nhân buồn chán vì bệnh nên càng chán ăn, khiến cơ thể nhanh chóng bị suy kiệt.
Người hay bị mệt mỏi, chán ăn dài ngày cũng có nhiều nguy cơ bị bệnh lao. Bệnh lao có nhiều loại như: lao phổi, lao ruột, lao cột sống, lao màng phổi, lao màng bụng, lao ổ bụng…
Người bị bệnh lao hay chán ăn kèm theo sốt. Sức đề kháng và hệ miễn dịch của người bị lao thường yếu đi, do đó vấn đề dinh dưỡng rất quan trọng, nhất là vitamin, kẽm, sắt…
Tỷ lệ người chán ăn có liên quan đến bệnh về tiêu hóa, gan mật có nhiều không, thưa bác sĩ?
Có chán ăn do nguyên nhân về dạ dày, gan mật nhưng tỷ lệ ít hơn. Các bệnh dạ dày hay gặp là viêm loét hoặc ung thư dạ dày, cũng gây chán ăn. Nhiều người cứ nghĩ viêm loét dạ dày sẽ gây đau nhưng sự thật lại không phải như vậy. Những trường hợp “loét câm” thì không có triệu chứng gì rõ rệt, chỉ khi có biến chứng mới phát hiện được. Khảo sát ở người trên 60 tuổi thì có từ 20 – 25% bị “loét câm”.
Gan, mật và tụy là cơ quan hỗ trợ tích cực cho tiêu hóa. Nên khi ba cơ quan này bị bệnh thì cũng gây tình trạng đầy bụng, khó tiêu và chán ăn. Trong đó, bệnh về gan như xơ gan và ung thư gan giai đoạn đầu thường có biểu hiện chán ăn nhất. Đến khi bệnh nặng, bệnh nhân mới có triệu chứng vàng da, vàng mắt, sụt cân.
Ngoài ra, chán ăn cũng là một biểu hiện của bệnh về nội tiết tố, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, suy tuyến giáp hay suy tuyến thượng thận. Tuyến thượng thận có khả năng tiết các chất corticoid làm giảm đau, giảm sưng nhanh và giảm nhiều triệu chứng “khó chịu” khác. Người lạm dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc thường có pha thêm chất corticoid, gây hiện tượng lệ thuộc thuốc và suy tuyến thượng thận mãn tính, cũng dẫn đến chán ăn.
Như trên, bác sĩ có nói, căng thẳng, stress cũng là nguyên nhân gây chán ăn và có thể kéo dài thành mãn tính nếu không điều chỉnh kịp thời. Điều này nguy hiểm như thế nào?
Ngày nay, tỷ lệ bị trầm cảm ngày càng tăng trong độ tuổi lao động và biểu hiện chán ăn, mất ngủ ngày càng phổ biến. Người bị trầm cảm thường có ý định muốn chết do bi quan, chán nản, muốn tìm đến cái chết để giải thoát, vì vậy họ không màng đến chuyện ăn uống nên sút cân rất nhanh.
Chán ăn kéo dài sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe. Vì khi đó, chúng ta không hấp thu đủ dinh dưỡng thiết yếu để nuôi dưỡng cơ thể và ngăn cản sự tấn công của bệnh tật cũng như quá trình lão hóa tự nhiên. Hậu quả là chức năng của hàng loạt các bộ phận cơ quan trong cơ thể bị suy yếu như giảm sức mạnh ở cơ, tim mạch, hệ nội tiết, phổi, tụy, giảm cả chức năng nhận thức và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, bệnh mãn tính, làm tăng tốc độ lão hóa. Có khoảng 10% người mắc chứng chán ăn tử vong vì căn bệnh này và 30% sẽ mắc các căn bệnh mãn tính liên quan đến tim, thận. Sự thiếu thốn thức ăn kéo dài cũng gây giảm nghiêm trọng nội tiết tố gây rối loạn chức năng sinh dục, làm suy giảm hoặc mất ham muốn tình dục.
Để tránh những hậu quả trên thì bệnh trầm cảm cần được điều trị sớm bằng liệu pháp tâm lý kết hợp với thuốc mới mong có hiệu quả. Tự bản thân mỗi người hãy cố gắng điều chỉnh cảm xúc của mình, biết tìm niềm vui để xua tan những lo lắng muộn phiền trong cuộc sống sẽ giúp chúng ta yêu đời và sống có ý nghĩa hơn.
Báo chí cũng đưa tin về các trường hợp chán ăn của nhiều thiếu nữ trẻ, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Đây có phải là một dạng chán ăn do tâm lý không?
Đây cũng là một dạng chán ăn mãn tính do yếu tố tâm thể, nhưng thường là người chán ăn chủ động từ chối ăn. Phụ nữ là đối tượng hay bị do tác động bởi tiêu chuẩn “siêu gầy” trên phim ảnh, báo chí. Tâm lý “càng ốm càng đẹp” khiến phụ nữ không dám ăn gì nữa hoặc ăn vào cũng tìm cách nôn thức ăn ra sau khi ăn.
Phần lớn những người chán ăn dạng này là do ám ảnh từ thời niên thiếu, sợ bị người khác chê cười về cơ thể “quá khổ” của mình. Đôi khi, các bệnh nhân chán ăn thường có nỗi lo lắng, bất an, sợ sẽ làm cha mẹ hay người yêu thất vọng. Một số trẻ lớn lên trong một gia đình không hạnh phúc, có xu hướng tự hành hạ mình như một cách giải tỏa nỗi buồn.
Có thể thấy rằng chán ăn tâm thể là một biểu hiện đáng báo động, cần phải điều trị tích cực…
Đúng vậy. Sự thiếu dinh dưỡng có thể gây hậu quả nghiêm trọng về thể chất. Những người chán ăn tâm thể rất hay bị rối loạn dinh dưỡng vì sau một thời gian chán ăn, họ thường cảm thấy thèm ăn khó cưỡng và người bệnh ngốn ngấu đủ thứ rồi lại nôn ra vì sợ lên cân.
Khi chỉ số khối cơ thể (BMI) nhỏ hơn 17 thì chúng ta rất dễ bị suy tim. Hệ miễn dịch không còn đủ sức chống chọi với bệnh tật, ngay cả những chứng bệnh thông thường cũng sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng. Như cái chết của siêu người mẫu Brazil Ana Carolina Reston (cân nặng 40kg và cao 1m74) vì biến chứng của bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu đơn giản.
Những trường hợp chán ăn tâm thể rất khó điều trị vì người bệnh chủ động từ chối thức ăn và từ chối cả việc điều trị. Bệnh nhân cần được điều trị về tâm lý trước để có cái nhìn lạc quan, yêu cơ thể chính mình. Sau đó, họ mới cần điều trị về tâm thần kinh và dinh dưỡng để phục hồi cân nặng từ từ.
Tóm lại, “Ăn được ngủ được là tiên”, chỉ trừ trường hợp phải ăn kiêng do bệnh. Việc duy trì thực đơn cân bằng, đủ chất, giảm cân hợp lý là tốt với sức khỏe và hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
– Theo BS Trần Ngọc Lưu Phương