Theo số liệu từ Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), tính đến ngày 2-7, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng là 3,6% so với cuối năm 2013. Con số này dù cao hơn nhiều so với những con số công bố gần đây, như 1,31% (ngày 23-5) và 2,3% (ngày 25-6) nhưng vẫn còn cách xa mục tiêu 12 – 14% trong năm nay.
Ở nước ta, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại không chỉ là một công cụ giúp Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ theo những mục tiêu đề ra, mà còn được nhiều thành phần kinh tế quan tâm bởi nguồn lực tài chính của không ít doanh nghiệp vẫn dựa nhiều vào vốn vay của các ngân hàng thương mại. Chính vì vậy, nhìn vào con số tốc độ tăng trưởng tín dụng, người ta có thể biết được tình hình sản xuất kinh doanh trong giai đoạn đó.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng sau nửa năm chỉ đạt chưa đến 30% chỉ tiêu cả năm như vậy là chậm. Theo lý giải của đại diện Ngân hàng Nhà nước, đó là do năng lực hấp thụ vốn của các doanh nghiệp không tốt, dù tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn ổn định. Bởi có một thực tế là tăng trưởng kinh tế nước ta thời gian qua có phần đóng góp lớn từ khu vực xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài, chứ các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn khó khăn.
Nhưng dù tăng trưởng tín dụng còn thấp so với chỉ tiêu, nhiều ngân hàng vẫn không lo ngại, bởi đã quen với việc tín dụng nửa đầu năm tăng ì ạch như vậy. Ngoài ra, ba tháng cuối năm 2013 tín dụng tăng tới 7% nên cũng cần thời gian để lượng tín dụng cấp tập ấy có thể hấp thụ hết.
Có một điểm khá đặc biệt là tín dụng ngoại tệ sau sáu tháng đầu năm nay lại tăng tới 10% so với thời điểm cuối năm ngoái, trong khi huy động tiền gửi ngoại tệ có mức tăng trưởng âm.Điều này làm cho tỷ lệ cho vay trên huy động vốn ngoại tệ gần đạt mức 100%. Khi tín dụng bằng tiền đồng vẫn tăng chậm, liệu một sự tăng tốc của tín dụng ngoại tệ như vậy có đáng mừng?Câu trả lời là không, bởi điều này cho thấy các mức lãi suất điều hành và lãi suất huy động tiền đồng vẫn chưa khuyến khích các doanh nghiệp lớn vay tiền đồng thay vì ngoại tệ.
Để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng tiền đồng từ nay đến cuối năm, các tổ chức tín dụng sẽ phải tập trung giải ngân các khoản vay với lãi suất hợp lý, gia tăng các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời tìm kiếm những doanh nghiệp còn có khả năng phát triển được thị trường để cho vay. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp có bản cân đối tài chính tốt lại không dám vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh.Với những doanh nghiệp không được đánh giá là tài chính lành mạnh thì các ngân hàng rất ngại cho vay.Nếu hạ thấp chuẩn đánh giá cho vay để phục vụ mục tiêu tăng trưởng tín dụng thì bản thân ngân hàng phải gánh chịu hậu quả sau này với những món nợ xấu. Dù nỗi lo ấy phần nào giảm đi kể từ khi có sự ra đời của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), thì nợ xấu vẫn đang là mối bận tâm lớn của các ngân hàng thương mại, khi cái gốc của vấn đề chưa được giải quyết.
Dĩ nhiên, chỉ nỗ lực từ các ngân hàng là không đủ để giải quyết bài toán tăng trưởng tín dụng, cần có thêm sự can thiệp bằng chính sách từ phía Chính phủ.Chính sách tiền tệ muốn được phát huy cần phải được kết hợp đồng bộ với chính sách tài khóa. Đó là những ưu đãi về chính sách thuế cho doanh nghiệp nhằm giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn, cùng với đó là cải thiện và rút ngắn thủ tục hành chính đối với việc giải ngân vốn ngân sách cho các dự án đầu tư công hoặc có nguồn vốn ngân sách…
Minh Hằng