Đầu tuần qua, Nhật Bản chính thức tiến xa hơn bản hiến pháp do Mỹ soạn thảo trước đây (trong đó các hoạt động quân sự bị hạn chế) bằng việc phê chuẩn một kế hoạch cho phép xây dựng một lực lượng quân đội hùng mạnh đã từng tồn tại ở đất nước Mặt trời mọc này trong giai đoạn Thế chiến thứ hai. Tiến hành sự thay đổi lớn nhất trong chính sách an ninh quốc gia kể từ sau năm 1945, liên minh cầm quyền Nhật Bản tán thành việc chỉnh sửa trong hiến pháp trên vấn đề quốc phòng và đang chờ chữ ký từ Thủ tướng Shinzo Abe. Bước tiến này sẽ cho phép Tokyo sử dụng quân đội để chống lại bất kỳ quốc gia nào đe dọa an ninh của Nhật Bản bằng hành động phòng thủ toàn diện, trái với những hạn chế của những chính phủ trước đây gặp phải khi tuyên bố tình trạng chiến tranh. Theo ông Abe, sự thay đổi này là rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay khi môi trường an ninh tại khu vực ngày càng trở nên bất ổn, trước sự ngang ngược của Trung Quốc cũng như đe dọa hạt nhân và tên lửa từ CHDCND Triều Tiên.
Quân đội Nhật Bản sẽ sớm thay đổi theo luật mới
Được soạn thảo bởi người Mỹ sau Thế chiến thứ hai, hiến pháp 1947 chỉ rõ người dân Nhật Bản mãi mãi từ bỏ việc xem chiến tranh là một quyền lợi của quốc gia. Điều khoản này được soạn thảo nhằm ngăn chặn khả năng quân đội Nhật sẽ tái tiến hành đổ quân và mở rộng các hoạt động xâm lược trên diện rộng tại châu Á. Trong nhiều năm qua, luật cấm này cũng đã từng bước được nới lỏng, bắt đầu từ việc giới thiệu lực lượng cảnh sát trong cuộc chiến tranh liên Triều (1950) và sau đó xây dựng Lực lượng Tự vệ Quốc gia từ năm 1954.
Hiện tại, những thay đổi này gặp phải sự phản đối từ một bộ phận người dân Nhật Bản. Trong tuần qua, có ít nhất 2.000 người biểu tình tập trung trước văn phòng ông Abe bởi họ cho rằng bất kỳ một sự thay đổi nào trong hiến pháp đều nên được thực hiện thông qua trưng cầu dân ý hơn là chỉ một quyết định đơn giản từ nội các chính phủ. Phe đối lập cũng cho rằng chính sách mới sẽ mở cửa cho các hoạt động quân đội liên minh bao gồm cuộc chiến tại Iraq.
Với tư cách là đồng minh thân cận nhất, Mỹ ủng hộ bước đi của ông Abe, một phần vì cho rằng sự thay đổi này sẽ cho phép hải quân Nhật Bản bảo vệ tàu chiến của Mỹ khỏi các cuộc tấn công. Mặt khác, đảng cầm quyền tại Nhật cho rằng nước này tuyệt đối sẽ không mắc phải sai lầm từng xảy ra trong cuộc chiến tranh thế giới trước đây, nhưng nếu không thay đổi thì sẽ không đủ sức để đóng góp vào bảo vệ hòa bình thế giới. Những gì Tokyo đang làm chính là đóng một vai trò chủ động hơn trong việc hợp tác với các quốc gia trong khu vực để thành lập các kế hoạch bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực.
Lâm Kiên theo AP