Cách đây một thập niên, Goldman Sachs đã từng đưa ra bản báo cáo mang tên “Dreaming with BRICS” (Mơ ước cùng các quốc gia BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) dự báo GDP Trung Quốc sẽ sớm vượt mặt Mỹ vào những năm 2020. Tương tự, nghiên cứu từ Ngân hàng Thế giới (WB) hồi tháng trước khẳng định nền kinh tế Mỹ sẽ bị Trung Quốc soán ngôi ngay cuối năm nay. Tuy nhiên, số liệu 2013 từ Dịch vụ Nghiên cứu Kinh tế trực thuộc Bộ Nông Nghiệp Mỹ cho thấy, GDP của Mỹ vẫn cao gấp ba lần Trung Quốc, vậy thì Trung Quốc sẽ làm những điều thần kỳ nào để tăng gấp ba lần GDP nước mình chỉ trong vòng sáu tháng tới, hoặc trong sáu năm tới? Rõ ràng WB đã phi thực tế khi bộc lộ một số thiếu sót trong công thức PPP (ngang giá sức mua) vốn được xem là thước đo chính để dự báo sự kết thúc thời kỳ hoàng kim của nền kinh tế số 1 thế giới. Theo phương thức ấy, giới chuyên gia tại WB sẽ xem xét liệu với 1 USD tại Bắc Kinh và 1 USD tại Maryland, nơi đâu sẽ mua sắm được nhiều hàng hóa hơn. Mặc dù PPP được xem là một cách hiệu quả để đánh giá những nền kinh tế đang phát triển, nhưng đấy không thể là thước đo để nhìn nhận tầm ảnh hưởng của các quốc gia.
Các tân tiến sĩ tại Đại học Stanford (California, Mỹ)
Trước đây, đã không ít lần thế giới dự báo rằng Nhật sẽ vượt mặt Hoa Kỳ, nhưng kể từ 1988 đến nay, kinh tế Nhật đã giậm chân tại chỗ. Tương tự, nền kinh tế Trung Quốc từng trải qua thời kỳ phát triển thần tốc, đỉnh cao là GPD năm 1984 đạt tỷ lệ tăng trưởng 15%, nhưng đến nay con số ấy đã liên tục giảm, chỉ còn 7,5% hiện nay. Tăng trưởng thần kỳ là hiện tượng thường thấy ở những nền kinh tế bắt đầu từ zero, bao gồm Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và cả CHLB Đức sau Thế chiến thứ hai. Tất cả đều trải qua một mô hình tăng trưởng khá đồng nhất: siêu đầu tư từ nước ngoài, tiêu dùng nội địa thấp hơn kỳ vọng, chủ trương xuất khẩu và cơ chế hạ thấp giá trị đồng tiền nội địa. Đến nay, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản đều đã trở về vị trí tăng trưởng ổn định lần lượt ở mức GDP 3,75%, 3% và 1%. Có thể Trung Quốc sẽ tỏ ra khác biệt đôi chút vì họ sở hữu một đội ngũ lao động hùng hậu 700 triệu người sẵn sàng làm công việc thu nhập thấp. Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn, dân số Trung Quốc bắt đầu già đi rất nhanh, bắt đầu từ 2015 và có thể họ sẽ già đi trước khi kịp giàu hơn Mỹ. Đến 2050, 1/3 dân số Trung Quốc hiện nay sẽ hết tuổi lao động trong khi Mỹ vẫn là quốc gia công nghiệp trẻ thứ nhì thế giới, chỉ sau Ấn Độ. Một yếu tố khác, theo tổ chức tư vấn Boston Consulting Group, chính là giá cả lao động tăng cao, trung bình 10 – 15% mỗi năm kể từ 2015. Do đó, sớm muộn gì các doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ tìm đến vùng đất mới, hôm nay sẽ là Việt Nam, ngày mai sẽ là châu Phi. Cuối cùng, so với Mỹ, Trung Quốc hạn chế sự tự do, cải tiến và sáng tạo cho giới doanh nhân trẻ. Cơ may xuất hiện một thung lũng Silcion tại Trung Quốc là điều không bao giờ xuất hiện. Hãy nhìn vào cơ sở đầu tư nhân tài tại Mỹ, 17 trên 20 trường đại học nổi tiếng nhất thế giới nằm tại Mỹ. Không quốc gia nào có số lượng tiến sĩ khoa học và kỹ sư tốt nghiệp mỗi năm nhiều hơn Mỹ, dù 40% là sinh viên quốc tế nhưng có đến 2/3 trong số họ quyết định ở lại phục vụ cho kinh tế Mỹ. Do đó, trong cuộc chạy đua kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc, để giữ vững vị trí độc tôn hiện nay, điều đầu tiên Washington cần làm chính là duy trì chính sách kinh tế, chính trị, nhập cư rộng mở và đón chào nhân tài trên thế giới đến với mình.
B. Trịnh theo Bloomberg