Việc Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981 và đưa tàu, máy bay vào vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta để bảo vệ giàn khoan ấy đã gây sự phẫn nộ trong cộng đồng mọi người Việt Nam yêu nước. Vì vậy, trong những ngày qua, từ các vị lãnh đạo Nhà nước đến người dân ở các địa phương đều thể hiện mạnh mẽ thái độ phản đối quyết liệt của mình.
Ở tầm khu vực, trong phiên họp toàn thể của các nhà lãnh đạo ASEAN (khai mạc tại thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar sáng ngày 11-5), ngay ở phần đầu, thay mặt Nhà nước Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đọc bài phát biểu quan trọng về tình hình Biển Đông. Sau khi thông báo về việc Trung Quốc từ ngày 1-5 đã đưa giàn khoan vào thềm lục địa của Việt Nam, bắn vòi rồng cường độ mạnh, đâm húc vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương, Thủ tướng cho biết Việt Nam đã hết sức tự kiềm chế, dùng mọi kênh đối thoại để liên lạc với các cấp của Trung Quốc nhằm tỏ rõ thái độ phản đối, đồng thời yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu bè ra khỏi vùng biển của nước ta nhưng Trung Quốc không những không đáp ứng, mà còn tiếp tục gia tăng vi phạm. Khẳng định mối quan tâm chung của ASEAN và của thế giới là hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông đang bị đe dọa nghiêm trọng, Thủ tướng đã khẩn thiết kêu gọi các nước ASEAN, các nước trên thế giới, các cá nhân và tổ chức quốc tế tiếp tục lên tiếng phản đối hành động nêu trên, ủng hộ yêu cầu hợp pháp, chính đáng của Việt Nam và đề nghị đưa các nội dung này vào trong tuyên bố chung của hội nghị cao cấp ASEAN lần này.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24
Tại nhiều địa phương trong cả nước, một làn sóng phản đối đã bùng phát mạnh mẽ từ phía quần chúng.
Trong buổi sáng Chủ nhật 11-5, hàng vạn người dân tại các thành phố Hà Nội, TP.HCM, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam… đã xuống đường tuần hành phản đối những hành vi bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên vùng biển của nước ta. Tại TP.HCM, ngay từ khoảng 7 giờ sáng, nhiều đoàn người đã tập trung và hướng về khu vực trung tâm. Đến 10 giờ sáng, trước cửa Nhà hát Thành phố đông nghẹt hàng ngàn người cầm biểu ngữ trên tay, đồng thanh hát quốc ca và liên tục hô vang “Việt Nam, Việt Nam! Hoàng Sa, Trường Sa!”. Trước đó vào chiều 10-5, khoảng 2.000 người, gồm luật gia, thanh niên, sinh viên, nhân sĩ trí thức đã tham dự mit tinh theo lời kêu gọi của Hội Luật gia TP.HCM. Được biết, Hội Luật gia TP.HCM đang tích cực chuẩn bị đề xuất với Chính phủ và các cơ quan liên quan bộ hồ sơ khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về Luật Biển.
Nhìn chung, các cuộc tuần hành, biểu tình diễn ra trong không khí hừng hực nhưng trật tự, thu hút ngày một đông đảo đủ mọi thành phần và lứa tuổi. Không chỉ tại quê hương, những người Việt đang sinh sống, làm việc và học tập tại Nhật, Mỹ, Đức, Anh, Hà Lan… đều xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc.
Nguyễn Thắng