Ngành sản xuất toàn cầu đã ghi nhận sự thay đổi khó tin khi chi phí sản xuất ở Brazil nay đã đắt hơn 25% và chi phí sản xuất ở Trung Quốc đã gần ngang bằng so với Mỹ.
Báo cáo mới nhất của The Boston Consulting Group (BCG), một tổ chức tư vấn có uy tín cho thấy quốc gia có chi phí sản xuất thấp nhất thế giới nay là Indonesia, tiếp đến là Ấn Độ, Mexico, Thái Lan, Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan. Mỹ xếp ở vị trí thứ bảy trong danh sách này dù lực lượng lao động có năng suất cao nhất thế giới.
Indonesia là nơi có thể cạnh tranh lao động giá rẻ với Trung Quốc
Theo nhận định của chuyên gia Hal Sirkin – đối tác cấp cao tại BCG và là đồng tác giả của nghiên cứu – thì khoảng cách dần thu hẹp và khi cộng thêm chi phí vận chuyển thì việc sản xuất tại Mỹ xem ra có lợi hơn ở Trung Quốc. BCG cho biết ít nhất 300 công ty đã dời cơ sở sản xuất ở nước ngoài về Mỹ. Nếu cách đây 10 năm, lực lượng lao động Mỹ không thể cạnh tranh với ngành sản xuất Trung Quốc hay Brazil thì nay mọi chuyện đã khác. Khi tính đến các yếu tố kinh tế chủ chốt như tổng chi phí nhân công, chi phí năng lượng, tăng trưởng năng suất và tỷ giá hối đoái thì Brazil là một trong những nước có giá sản xuất cao nhất thế giới.
Theo nghiên cứu này, phí sản xuất tại Mexico rẻ hơn ở Trung Quốc, nước hiện có chi phí sản xuất gần bằng Mỹ. Trong khi đó nước có chi phí rẻ nhất Tây Âu lại là Anh, quốc gia từng khởi động cuộc cách mạng công nghiệp hồi cuối thế kỷ XVIII.
Hiện nay năng suất lao động được cải thiện và chi phí năng lượng giảm đáng kể đã giúp thu hẹp khoảng cách chi phí sản xuất giữa Mỹ và Trung Quốc gần bằng 0.
Kết quả nghiên cứu này phù hợp với các đánh giá gần đây của giới đầu tư cho rằng kỷ nguyên chi phí sản xuất thấp tại Trung Quốc đang dần chấm dứt, điều này có thể khiến nước này không còn là công trường sản xuất khổng lồ của thế giới. Biểu hiện rõ nét của tình trạng này là ngày có càng nhiều công ty lớn chuẩn bị rời Trung Quốc sang một số nơi khác như các nước Đông Nam Á, mà nhiều nhất là Indonesia.
V.Đ