Thị trường chứng khoán đang trải qua một giai đoạn khá khó khăn. Vừa thoát khỏi một đợt bán tháo, thị trường lại đối mặt với một đợt khô hạn thanh khoản. Trong tuần lễ giao dịch đủ năm phiên trước khi tạm ngưng cho đợt nghỉ lễ kéo dài, VN-Index đã có biến động khá mạnh, với một phiên giảm sâu vào đầu tuần (21-4), bật mạnh trở lại vào phiên tiếp theo (22-4), hai phiên giữa tuần rung lắc nhẹ và phiên cuối tuần (25-4) tăng khá. Điều này cho thấy một sự hồi phục vào những phiên giao dịch đầu tiên của tháng 5 là hoàn toàn có thể và tâm lý của nhà đầu tư có vẻ đã ổn định trở lại sau những phiên giao dịch khá hoảng loạn trước đó. Dù sao thì sự thận trọng vẫn bao trùm, mà biểu hiện chính là thanh khoản theo từng phiên cứ giảm dần. Khối lượng khớp lệnh tuần rồi ở dưới mức trung bình của 20 phiên gần nhất. Chỉ có thể lý giải là nhà đầu tư đang hạn chế giao dịch để phòng tránh rủi ro trong ngắn hạn. Bởi vậy, trong khi nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đóng vai trò tích cực trong nỗ lực kéo VN-Index đi lên thì phần lớn cổ phiếu trên thị trường vẫn chỉ dao động trong biên độ khá hẹp và chưa có dấu hiệu bứt phá qua khỏi các ngưỡng kháng cự quan trọng để tạo nên xu thế tăng điểm mạnh.
Tuần trước, trên HoSE, khối lượng giao dịch khớp lệnh giảm đến 37,8%, chỉ còn 348 triệu đơn vị. Không chỉ các nhà đầu tư cá nhân tỏ ra thận trọng, mà các nhà đầu tư lớn cũng vậy, đặc biệt là trong phiên 24-4. Việc các nhà đầu tư rủ nhau thận trọng khiến thanh khoản của thị trường phiên này giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2014 (chỉ có hơn 56 triệu cổ phiếu được giao dịch). Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố “níu giữ” thị trường, khiến cho điều tồi tệ đã không xảy ra sau một vài tuần thị trường rung lắc dữ dội. Một trong những yếu tố đó chính là việc khối ngoại vẫn “đi ngược dòng”, với quyết định mua ròng 304,8 tỉ đồng trên HoSE và gần 86,8 tỉ đồng trên HNX tuần qua. Như vậy, khối ngoại đã mua ròng sáu phiên liên tiếp trên HoSE và chín phiên liền trên HNX. Khối tự doanh của các công ty chứng khoán cũng có trạng thái mua ròng mạnh và chính sự cộng hưởng này đã giúp thị trường vượt qua được thời điểm khó khăn. Tuy nhiên với dòng tiền yếu và thanh khoản chưa ổn định, thị trường cần thêm các tín hiệu mạnh hơn để VN-Index có thể thiết lập xu thế tăng điểm rõ nét.
Việc thanh khoản giảm đột ngột cũng khiến cho thị trường trở nên ảm đạm và làm cho các công ty chứng khoán khó khăn hơn trong việc đưa ra khuyến nghị với các nhà đầu tư. Trong giai đoạn này, nhìn chung những ai đang nắm giữ tiền nhiều hơn cổ phiếu có lợi thế hơn so với người nắm giữ nhiều cổ phiếu hơn là tiền mặt. Họ có thể tùy vào tình hình để mua vào cổ phiếu khi giá trở nên rẻ hơn và… đứng ngoài quan sát khi cảm thấy sự rung lắc là quá dữ dội. Sự dè dặt đó cũng dễ hiểu, bởi sau những phiên thị trường sụt giảm bất ngờ trong tháng 4 thì điều gì cũng có thể xảy ra. Duy trì sự thận trọng, chờ đợi những tín hiệu tiếp theo từ thị trường, tránh mua đuổi giá trong các phiên tăng mạnh… là những điều mà nhà đầu tư cần ghi nhớ.
Sau hai phiên giao dịch đầu tuần này, thị trường chứng khoán bước vào kỳ nghỉ lễ. Lịch sử giao dịch của thị trường chứng khoán những năm gần đây cho thấy nhà đầu tư thường tích cực giao dịch sau một kỳ nghỉ lễ kéo dài. VN-Index thường có một tuần tăng điểm sau lễ, trong đó năm tăng mạnh nhất là 2009, khi chỉ số này tăng tới gần 14%. Năm ngoái, VN-Index cũng tăng khá sau kỳ nghỉ lễ với mức tăng hơn 2%. Với những gì xảy ra trong quá khứ, cùng với việc thị trường đã có đợt điều chỉnh rất mạnh trong tháng 4, rất có thể kịch bản VN-Index tăng điểm sau kỳ nghỉ lễ tiếp tục đúng trong năm nay. Ngoài ra, các thông tin hỗ trợ cũng sẽ có tác động không nhỏ. Cụ thể, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp tính đến thời điểm hiện tại tốt hơn so với cùng kỳ năm trước, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô vừa được công bố cũng khá tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng, CPI không cao,… Nhiều người còn lạc quan rằng với diễn biến hiện tại, thị trường có thể sẽ bước vào một chu kỳ tăng trưởng mạnh như giai đoạn sau tết. Tuy nhiên, đặc điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam là luôn có bất ngờ nên chuyện gì cũng có thể xảy ra.
Trong phiên giao dịch đầu tuần (28-4), thị trường khởi đầu khá dè dặt, chỉ số giằng co quanh mốc tham chiếu. Tuy nhiên, càng về cuối phiên, áp lực bán tăng cao khiến nhiều cổ phiếu trụ cột trên HoSE như BVH, VIC, VNM, MSN… lùi sâu xuống dưới mốc tham chiếu. Diễn tiến này khiến cho VN-Index giảm gần sáu điểm, dù cho một số mã lớn khác như FPT, KDC, PVD, CII… còn duy trì được sắc xanh. Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp, tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 58,054 triệu đơn vị, trị giá 1.299,63 tỉ đồng.
Thành Huân