Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) ra đời với trách nhiệm góp phần xử lý nợ xấu cho các tổ chức tín dụng, được kỳ vọng sẽ giúp giảm dần tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại, nhưng sau một thời gian “miệt mài mua nợ xấu” vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết cho các khoản nợ mua được. Chính vì thế, nỗi lo về nợ xấu lại hiển hiện, đặc biệt khi tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam do các tổ chức đánh giá tín nhiệm của nước ngoài đưa ra lên đến 15%, gấp gần bốn lần con số 3,86% mà Ngân hàng Nhà nước đề cập trước đó.
Để trấn an dư luận, trong buổi họp báo thường kỳ của Ngân hàng Nhà nước cuối tuần qua, đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định rằng cơ quan này vẫn luôn công khai con số nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tuy nhiên có thể do cách hiểu khác nhau nên có những con số nợ xấu khác nhau. Cụ thể, đến cuối tháng 2-2014 nợ xấu trong toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 3,86%, tương đương với khoảng 122 ngàn tỉ đồng. Con số này chưa kể một số khoản nợ mà do trong giai đoạn kinh tế khó khăn, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 780/QĐ-NHNN về việc phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ. Vậy nên, tính cả số nợ bị chuyển thành nhóm nợ xấu nếu không có Quyết định 780, thì con số nợ xấu sẽ tăng thêm khoảng 185 ngàn tỉ đồng, tổng cộng là 307 ngàn tỉ đồng nợ xấu, tương đương với tỷ lệ 9,71%.
Bên cạnh con số về nợ xấu, nhìn chung các tiêu chí chính để đánh giá “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng thương mại đã được cải thiện trong năm qua. Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2013 tổng tài sản của các tổ chức tín dụng đã tăng 15% so với năm 2012, một mức tăng khá ấn tượng. Quan trọng hơn, xét về cơ cấu tài sản, đã có một sự chuyển dịch tích cực, khi tỷ trọng tài sản liên ngân hàng giảm từ mức 23% trong năm 2011 xuống còn 17% trong năm 2013. Con số này đồng nghĩa với nếu như năm 2011, trong 100 tỉ đồng tài sản của tổ chức tín dụng chỉ có 77 tỉ đồng huy động từ khu vực dân cư, còn lại đến từ các tổ chức tín dụng, thì đến năm 2013 đã có đến 83 tỉ đồng được huy động từ khu vực dân cư. Đây là một sự thay đổi quan trọng, khiến cho tài sản của hệ thống tổ chức tín dụng thực chất hơn. Bên cạnh đó, thanh khoản của hệ thống cũng tăng lên do tốc độ tăng trưởng huy động vốn (23,6%) cao gần gấp đôi tốc độ tăng trưởng tín dụng (12,5%). Nhờ đó, tỷ trọng cho vay/huy động đã giảm từ mức 98% của năm 2011 xuống còn 85,4% trong năm 2013. Một trong những tiêu chí quan trọng cho thấy sức khỏe của hệ thống ngân hàng đang rất tốt là hệ số an toàn vốn luôn cao hơn mức tối thiểu (theo quy định là 9%). Năm 2013, hệ số an toàn vốn của các tổ chức tín dụng đạt 12,8%.
Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống cũng tăng nhanh hơn trong khi lãi suất cho vay thấp hơn trước. Năm 2013, tăng trưởng tín dụng đạt 12,51%, so với con số 8,91% của năm 2012. Lãi suất cho vay bình quân giảm từ 20%/năm trong năm 2011 xuống còn 12%/năm trong năm 2013. Và dù tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn nhưng chất lượng tín dụng lại được cải thiện, với tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu bắt đầu giảm. Những chỉ số tích cực đó đem đến một niềm tin vào khả năng tái cơ cấu thành công hệ thống ngân hàng trong thời gian tới.
Minh Hằng