Hội nghị cấp cao của Ủy hội sông Mekong (MRC) lần thứ 2 tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh với chủ đề“An ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở lưu vực sông Mekong” đã kết thúc vào chiều 5-4 sau ba ngày họp liên tục. Đại diện chính phủ bốn nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan đã nhất trí thông qua Tuyên bố TP. Hồ Chí Minh, cam kết đẩy mạnh quan hệ hợp tác, tăng cường vai trò của Ủy hội sông Mekong hướng tới mục tiêu quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nước, lương thực và năng lượng trong lưu vực sông Mekong. Nhưng nhiều người tham dự chưa thể thở phào vì hội nghị vẫn chưa tìm được lời giải đáp cho vấn đề thủy điện trên sông Mekong.
Mekong là một trong những con sông lớn nhất thế giới với chiều dài khoảng 4.800km, bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam rồi đổ ra Biển Đông. Tiềm năng thủy điện của sông Mekong có thể lên tới 250.000MW, đặc biệt là nơi thượng nguồn (thuộc địa phận Trung Quốc) có độ chênh nước ở lòng sông khoảng 4.000m. Sự phát triển các công trình thủy điện trên sông Mekong đã mang lại nguồn FDI lớn cho các quốc gia sở tại nhưng ngược lại, tổn thất không thể phục hồi sinh thái sông cùng mối đe dọa về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu là điều khó tránh khỏi.
Trung Quốc và Lào gây lo ngại cho các nước
Thật đáng lo ngại là trong sáu quốc gia mà dòng chảy sông Mekong đi qua, chỉ có bốn nước tham gia Ủy hội sông Mekong. Trung Quốc và Myanmar với tư cách quan sát viên chỉ là các bên đối thoại, trong đó Trung Quốc chiếm giữ gần như toàn bộ vùng thượng nguồn Mekong và đã hoàn thành xây dựng năm công trình thủy điện trên sông (Manwan, Dachaoshan, Jinghong, Gongguaqiao, Xiaowan). Ba đập khác dự kiến hoàn thành vào năm 2020 là Nouzhadu, Ganlanba Mengsong nằm ở đoạn hạ lưu sông Langcang. Chính phủ Trung Quốc còn tính toán là sẽ có khoảng sáu, bảy nhà máy thủy điện nữa sẽ hoàn thành vào năm 2040.
Tại hội nghị, đại diện Chính phủ Trung Quốc nói rằng: “Chúng tôi đang tìm kiếm cơ hội và sẵn sàng hợp tác với các nước khác về vấn đề an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở lưu vực sông Mekong”. Tuy nhiên, nước này vẫn chưa có động thái gì cho thấy sẽ trở thành một thành viên thứ năm của Ủy hội sông Mekong, có lẽ vì e ngại sự ràng buộc trách nhiệm về việc khai thác quá mức con sông này.
Hạ lưu sông Mekong có chiều dài khoảng 2.800km, dù độ chênh nước ở lòng sông chỉ khoảng 450m, nhưng phần dòng sông chảy qua Lào và Thái Lan ở nhiều vị trí có độ dốc lớn, hai bên bờ sông có nhiều đồi, núi, thuận lợi cho việc xây dựng các công trình thủy điện. Từ năm 2007, các nước Lào, Thái Lan và Campuchia đã đồng loạt khởi động việc nghiên cứu xây dựng các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong nhưng đến nay chỉ có Lào và Campuchia thực hiện các dự án này. Hiện ở khu vực hạ nguồn có 12 dự án thủy điện trên dòng chính, trong đó có mười dự án ở Lào và hai dự án ở Campuchia. Bốn trong số các dự án này dự kiến hoàn thành năm 2017 nhưng hiện chưa được nghiên cứu về môi trường.
Tuân thủ cam kết tham vấn ý kiến liên chính phủ trước xây dựng công trình liên quan tới dòng sông và các con đập trên dòng chính (Hiệp ước sông Mekong năm 1995), Lào đã tiến hành tham vấn về việc xây dựng đập Xayaburi và đã được trình chính phủ các nước thành viên Ủy hội sông Mekong cho phép xây dựng vào tháng 9-2010. Tuy nhiên, đánh giá môi trường chiến lược về thủy điện dòng chính sông Mekong (SEA) do Trung tâm Quốc tế về quản lý môi trường (ICEM) đã cho thấy sự thiếu sót nghiêm trọng về số liệu trong thiết kế đường di cư cho các loài cá, đồng thời khẳng định Xayaburi sẽ chặn dòng chảy trầm tích, hủy hoại hệ sinh thái của con sông. Vì vậy, ICEM đã ra khuyến cáo là các con đập xây dựng trên dòng chính sông Mekong cần được hoãn lại trong khoảng mười năm, trong đó có dự án Xayaburi, để triển khai toàn diện các nghiên cứu khả thi đối với các hệ thống lòng chảy, đồng thời kêu gọi chính phủ Thái Lan hủy bỏThỏa thuận mua bán Điện (PPA) có liên quan đến dự án thủy điện gây tranh cãi nói trên. Thế nhưng đập này vẫn được Lào tiếp tục xây dựng.
Từ kinh nghiệm của đập Xayaburi đang xây dựng được 30%, đập Don Sahong (dự kiến khởi công vào tháng 12-2014) được Lào thông báo là “con đập không nằm trên dòng chính” để tránh phải trả lời các tham vấn từỦy hội sông Mekong.
Tuy vậy nhiều tổ chức quốc tế và đại diện của chính phủ hai nước hạ nguồn là Việt Nam và Campuchia đã khuyến nghị với chính phủ Lào, yêu cầu phải được tham vấn để tìm giải pháp.
Kỹ sư Phạm Phan Long, Chủ tịch tổ chức môi trường Quỹ Sinh thái Việt Nam (Vietnam Ecology Foundation) đặt tại bang California của Hoa Kỳ, cho biết rằng ông và các đồng sự đã gửi đơn lên Thủ tướng Lào Thongsin Thammavong từ tháng 11-2013 yêu cầu dừng xây đập nhưng tới nay vẫn chưa có hồi đáp.
Theo phân tích của giới khoa học, nếu đập Don Sahong được xây dựng sẽ mang lại các tác động môi trường vô cùng nghiêm trọng và tiêu cực.
Quang cảnh hội nghị cấp cao của Ủy hội sông Mekong (MRC) lần thứ 2 tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Việt Nam kêu gọi thực hiện đầy đủ các quy định
Phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị cấp cao lần thứ 2 Ủy hội sông Mekong tại TP.HCM sáng 5-4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chưa bao giờ lưu vực sông Mekong đứng trước nhiều thách thức như hiện nay do nhu cầu năng lượng, lương thực gia tăng tạo thêm áp lực ngày càng lớn đối với tài nguyên nước, môi trường sinh thái cho lưu vực của sông.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sông Mekong có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam cũng như an ninh lương thực trong khu vực. Trong đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích trên 40.000km² là nơi sinh sống của 20 triệu dân, hằng năm đóng góp đến 27% GDP cả nước với 90% lượng gạo xuất khẩu, gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện cũng đang chịu tác động của biến đổi khí hậu và sự phát triển các công trình ở thượng nguồn sông Mekong gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của hàng triệu người dân trong lưu vực.
Hiện nay, nước mặn đã vào đến tận khu vực Tân Châu, Châu Đốc (An Giang), đây là điều chưa từng xảy ra. Theo số liệu tính toán cho các kịch bản về biến đổi khí hậu thì trong vòng 100 năm tới, nước biển ở Việt Nam sẽ dâng cao 1m, làm mất 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, gây ảnh hưởng trực tiếp tới khoảng 10% dân số nước ta.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các quốc gia thuộc lưu vực sông Mekong cần ưu tiên thực hiện đầy đủ và hiệu quả Hiệp định Mekong năm 1995 cũng như các quy định về sử dụng công bằng, hợp lý tài nguyên nước, trong đó có thủ tục thông báo trước và thỏa thuận nhằm hỗ trợ việc ra quyết định phù hợp đối với các dự án phát triển tài nguyên nước trong lưu vực sông Mekong; đẩy mạnh nghiên cứu các tác động của các dự án thủy điện trên dòng chính…
Theo Thủ tướng, Chính phủ Việt Nam đã chủ động triển khai việc nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong và dự kiến kết quả nghiên cứu này sẽ có vào cuối năm 2015.
Nỗi lo MRC khó tồn tại?
Hiện đang có những lời chỉ trích cơ chế hoạt động của Ủy hội sông Mekong cũng như tính hiệu quả của Hiệp định sông Mekong mà bốn nước Lào, Việt Nam, Campuchia và Thái Lan ký ngày 5-4-1995, được xem như cơ sở hoạt động của MRC.
Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất và cũng làm lộ ra nhiều bất cập nhất trong quá trình gần 20 năm của MRC là sự thiết lập các đập thủy điện dọc dòng sông này.
Theo thỏa thuận ký năm 1995, bốn nước thành viên MRC nhất trí tham vấn lẫn nhau khi mỗi nước lên kế hoạch xây đập.
Tuy nhiên thỏa thuận này lại không có tính ràng buộc, có nghĩa rằng không nước nào có thể phủ quyết các kế hoạch của những nước khác.
Kết quả là có những dự án gây tranh cãi quyết liệt, như dự án đập Xayaburi của Lào, cho dù bị các quốc gia láng giềng cùng nhiều tổ chức quốc tế phản đối, vẫn được tiến hành. Hiện nay công trình này đã xây dựng được khoảng 1/3.
Nhiều nhà khoa học và các định chế quốc tế bày tỏ thất vọng về cơ chế hoạt động của MRC, mà đáng ra phải đóng vai trò lớn trong việc điều phối giữa các quốc gia để giải quyết các quan ngại về sông Mekong.
MRC có quy tắc hoạt động thiếu hiệu quả, không trả lời trực tiếp các kiến nghị của công chúng mà chỉ trả lời giữa các chính phủ với nhau nên công chúng không được biết.
Chính điều này gây nên nỗi lo là Hiệp định sông Mekong khó tồn tại. Do không cổ súy cho tinh thần hợp tác phát triển một cách bền vững mà để cho các quốc gia tìm cách khai thác tận cùng tài nguyên của dòng sông khiến cho dòng sông chết nhanh hơn.
Lịch sử khai thác nhiều dòng sông trên thế giới cho thấy các quốc gia hoàn toàn có thể hợp tác, cùng nhau khai thác trong sự thỏa hiệp để duy trì sự sống của các dòng sông.
Ngoài hiểm họa về môi trường và môi sinh, hiện cũng đang có ý kiến lo ngại về sự có mặt của các công ty Trung Quốc trong các dự án hạ tầng và thủy điện ở trung và nam Lào.
Luồng ý kiến này cho rằng với sự hiện diện mạnh ở đây, người Trung Quốc có thể vươn ra tới các quốc lộ mạch máu của cả phía bắc Campuchia và miền Trung Việt Nam trong một địa bàn trọng yếu nhất về an ninh – quốc phòng.
Một số chuyên gia nhận định khi Trung Quốc đang tìm cách khai thác khoáng sản ở vùng Tây Nguyên Việt Nam và lập những con đường sang Lào và Campuchia thì thủy điện sẽ là nguồn năng lượng để họ khai thác khoáng sản.
Lại thêm một điều đáng lo khác từ việc sử dụng nguồn nước Mekong.
Xuân Lộc – Đình Nam