Thời tiết và khí hậu giữ một vai trò quan trọng trong đời sống con người.Biến đổi khí hậu mà cụ thể là sự nóng lên toàn cầu tạo điều kiện cho nhiều dịch bệnh hoành hành, trở thành cơn ác mộng của nhiều nước có khí hậu nhiệt đới. Các căn bệnh sốt rét, sốt xuất huyết lan truyền do tác nhân truyền bệnh là muỗi – loài sinh vật không thể sống trong điều kiện nhiệt độ thấp như ở nhiều nước phương Tây. Bệnh dịch tả hay nhiều bệnh đường ruột khác cũng vậy, chúng lây lan từ nước uống nhiễm bẩn trong mùa mưa và hoành hành chủ yếu ở những nước đang phát triển.
Khí hậu nóng lên làm cho đất canh tác bị khô nẻ
Tác động của biến đổi khí hậu còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác, chẳng hạn như tính hiệu quả của chương trình y tế cộng đồng, tuổi tác, giới tính, điều kiện kinh tế của người bị nhiễm bệnh. Những tác động này cũng thay đổi tùy theo vùng miền, độ nhạy cảm của cư dân, quy mô và khả năng kéo dài của sự thay đổi khí hậu, khả năng của xã hội trong việc thích nghi với chúng. Ngay cả nước Mỹ với một hệ thống chăm sóc sức khỏe tiến bộ mà sự thay đổi khí hậu vẫn tác động lên nhiều bộ phận cư dân, đặc biệt là những người ít có điều kiện đối phó với thời tiết khắc nghiệt. Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, hiện số người Mỹ trên 65 tuổi chiếm 12% tổng dân số, đến năm 2050 tỷ lệ này lên đến 21%, nghĩa là số người có thể bị tổn thương do sự thay đổi khí hậu toàn cầu ngày càng tăng lên và mức chi tiêu của ngân sách dành cho chăm sóc sức khỏe cũng cao hơn. Trong cùng một quốc gia, đô thị là khu vực chịu sự tác động của thay đổi khí hậu nhiều hơn nông thôn hay vùng lân cận. Ở đô thị, nhiệt độ gia tăng vào mùa hè khiến cho nhu cầu về điện để chạy máy điều hòa không khí tăng theo, từ đó không khí con người hít thở ô nhiễm hơn và các nhà máy thải ra bầu khí quyển nhiều khí nhà kính hơn. Các nhà khoa học cũng ước tính chỉ riêng thành phố Los Angeles của Mỹ, số trường hợp tử vong về những bệnh có liên quan đến nhiệt độ gia tăng hằng năm sẽ tăng từ 2-7 lần vào cuối thế kỷ XXI.
Sự biến đổi khí hậu không chỉ kéo theo sự gia tăng nhiệt độ môi trường mà còn gây ra nhiều hậu quả khác, tác động không nhỏ lên sức khỏe con người, nhất là khu vực đang phát triển. Đó là lụt lội khiến cho nguồn nước và thực phẩm tươi và trong sạch bị hạn chế, đường sá lưu thông bị tắc nghẽn, các máy phát điện nhỏ sử dụng trong lúc hệ thống điện công cộng bị hư hỏng làm gia tăng lượng khí CO trong không khí, bệnh đường ruột tăng tạo gánh nặng cho cơ quan y tế… Tại Mỹ, từ thập niên 1970, chất lượng bầu không khí đã được cải thiện rất nhiều, nhưng đến gần đây vẫn còn 126 triệu người Mỹ sống trong những địa phương chưa đạt các điều kiện khí trời đúng tiêu chuẩn. Trong những năm tháng tới đây, biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề, bên cạnh các vấn đề an ninh chính trị làm tiêu tốn nhiều tiền của. Chính phủ các nước cần phải dành nhiều nguồn lực cho sự bảo vệ sức khỏe và sự sống của con người, nhất là tại những nước nghèo mà điều kiện sinh hoạt luôn ở mức tối thiểu.
Lê Cẩn tổng hợp