“Ngoại hình” khá giống cua đồng, ba khía có đôi càng màu đỏ nâu, lườn bụng đỏ nhạt với tám ngoe, càng và ngoe dẹp, vỏ mỏng, được gọi tên như thế vì trên mai có ba lằn gạch. Trái mắm, trái cóc là thức ăn chính của loài ba khía, vì vậy nơi nào có hai thứ cây này mọc là ba khía hội tụ.
Người dân Cà Mau cho rằng ngon nhất là ba khía Rạch Gốc bởi Rạch Gốc là vùng ven biển, rừng mắm bạt ngàn, trong đó cây mắm trắng là nguồn thức ăn được ba khía ưa nhất, ba khía ăn trái mắm trắng nhỏ con, gạch son, vỏ mềm, thịt ngọt.
Từ tháng Tư, tháng Năm Âm lịch, mùa sa mưa đến, cây mắm, cây cóc ra trái, ba khía bắt đầu có nguồn thức ăn, chuẩn bị lột vỏ. Chúng bám đầy thân cây mắm, cây cóc, bò lền khên trên bãi bùn ven bờ rạch. Để bắt ba khía người ta thường đi xuồng, đèn đốt sáng.
Chỉ cần cho xuồng sà vào những gốc đước, gốc mắm, lấy tay vuốt nhẹ những con ba khía còn đang say sưa tình tự, cho chúng vào khạp đặt sẵn trên khoang là xong. Nhưng độc đáo nhất là ba đêm hội ba khía diễn ra vào tháng Mười Âm lịch hằng năm. Theo kinh nghiệm dân gian, trong ba đêm này hàng trăm ngàn con ba khía kéo nhau kiếm bạn tình để sinh sản.
Con cái dễ nhận vì dưới bụng mang đầy trứng. Có những thân cây ba khía bám dày không còn chỗ trống, lúc ấy chỉ cần cắm đuốc xuống bùn, dùng cả hai tay hốt thật nhanh ba khía cho vô giỏ. Có phải vì quá hiểu đặc tính này của ba khía mà nhiều người dân ở các vùng lân cận thường hay về Cà Mau vào tháng Ba để bắt ba khía làm mắm, kiếm thêm miếng ăn: Con ơi, đừng khóc đừng la/ Má đi mần mắm tháng Ba má về (ca dao).
Xuồng bắt ba khía thường chởtheo những cái khạp da bò có pha sẵn nước muối. Độ mặn của muối được thử bằng cách thả hột cơm nguội vào, hột cơm nổi lên trên mặt nước là được.Ba khía rửa sạch bùn, cát rồi cho vào khạp đến khi đầy lấy lá dừa nước phủ lên, dùng cây chèn kín miệng khạp.Độ ba hôm thì giở khạp ra, phân loại và sắp xếp lại. Ba khía ốp (không chắc thịt) có thể ăn ngay, loại chắc thịt xếp riêng sang khạp khác. Sau đó, đổ nước muối ngâm lần đầu vào ngâm tiếp, chừng 5-7 ngày sau là có thể ăn được. Phần nước muối còn lại trong khạp là chất tinh túy nhất, dùng để nấu nước mắm tuyệt ngon!
Mắm ba khía tuy dễ làm nhưng đôi khi do bảo quản không kỹ, nước mưa lọt vào khiến ba khía bị trở (hư), có mùi hôi, phải bỏ đi. Khi ăn, rửa từng con bằng nước ấm, tách ra mai, càng, chân, yếm rồi trộn đều với tỏi, ớt, đường, thơm bằm nhuyễn, hoặc vắt nước cốt chanh vào trộn đều. Đậy lại khoảng vài giờ để ba khía ngấm đều và dịu, ăn sẽ ngon hơn.Mắm ba khía đã ngon, trứng ba khía còn ngon hơn. Dân sành điệu thường ăn ba khía với dưa bồn bồn.