Trọng tâm của Expo 2012 diễn ra tại Yeosu (Hàn Quốc) năm nay là biển và những vấn đề biển cả đặt ra cho con người. Triển lãm kéo dài trong ba tháng, từ 12-5 đến 12-8 và đang hướng về một sự kiện được mô tả là “công cụ pháp lý có ý nghĩa nhất của thế kỷ XXI”. Đó là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS: United Nations Convention on the Law Of the Sea). Trong sự kiện này, Liên Hiệp Quốc với sự phối hợp của Bộ Ngoại giao và Thương mại Hàn Quốc, Viện Nghiên cứu Hàng hải Hàn Quốc, sẽ chủ trì một hội nghị quốc tế để thảo luận về “Triển vọng châu Á” của UNCLOS. Điều đáng nói là trước hội nghị này, vào tháng 3-2012, Tòa án Quốc tế về Luật biển (ITLOS) đã công bố một phán quyết về ranh giới biển trong cuộc tranh chấp tại vịnh Bengal giữa hai quốc gia châu Á là Bangladesh và Myanmar, một phán quyết được hai bên mô tả là công bằng và hợp lý.
Là một trong những chủ đề của Expo 2012, Luật biển dự liệu một loạt những quy định liên quan đến những mặt thiết yếu của đời sống con người như thương mại và vận tải hàng hải, bảo tồn môi trường và tính đa dạng sinh học của biển; vấn đề đánh bắt hải sản, và việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên dưới đáy biển. Bên cạnh đó, Luật biển cũng sẽ quy định những vấn đề liên quan đến việc quản lý các đường dây cáp dưới biển trong đó có đường dây internet băng thông rộng, sự an toàn trong lưu thông hàng hải và quyền chống lại cướp biển. Với sự hiện diện của Liên Hiệp Quốc trong cương vị là một thành viên nòng cốt của Expo 2012, sự tập trung vào Luật biển mang lại một tầm cỡ chính trị mới cho cuộc triển lãm quốc tế này.
Trong khi đã có 162 nước tham gia vào UNCLOS thì vẫn còn 34 nước đứng bên ngoài, chưa ký hay chưa phê chuẩn công ước, trong số này có Mỹ, Israel, Iran, CHDCND Triều Tiên, Syria và Libya. Vào tháng 3-2012, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cũng đã gửi thư cho 34 nước trên, thúc giục họ sớm tham gia vào công ước nhân kỷ niệm 30 năm ngày ra đời của văn kiện này (1982-2012). Được biết Công ước về Luật biển có 320 điều khoản và chín phụ lục, bao gồm tất cả vấn đề về không gian biển như sự phân định ranh giới, môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, các hoạt động kinh tế và thương mại, chuyển giao công nghệ, và giải quyết những tranh chấp liên quan đến biển. Theo bà Patricia O’Brien, Phụ tá Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, ý niệm cơ bản được lồng trong bản công ước quan trọng này là “tất cả các vấn đề về không gian biển có quan hệ chặt chẽ với nhau và cần được giải quyết như một tổng thể”. Bà O’Brien cũng lưu ý rằng, các quyền về lãnh thổ cần được quan tâm, trong khuôn khổ UNCLOS, các nước ven biển có thể tạo lập chiều rộng lãnh hải của họ đến một giới hạn không vượt quá 12 hải lý. Mỗi quốc gia được công nhận chủ quyền trên vùng lãnh hải của mình, trong khi các tàu thuyền nước ngoài được phép “lưu thông hợp pháp” qua những vùng nước đó.
Vấn đề an ninh biển có ảnh hưởng đến mọi quốc gia trên thế giới và sự hợp tác quốc tế với sự hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc là một đòi hỏi khẩn thiết hơn bao giờ hết.