Vậy nên sẽ có người thật sự nghỉ ngơi sau khi về hưu, nhưng cũng có người như chỉ mới bắt đầu. Có thể người nghỉ ngơi nhìn người (đã được nghỉ hưu rồi) mà còn phải làm việc thì cảm thấy tội nghiệp, nhưng cũng có thể những người đang làm việc ấy lại thấy người nhàn rỗi có cuộc sống vô vị quá!
Một chị kể chuyện, chưa đến ngày nghỉ hưu nhưng chị đã nhận được lời mời tham gia một dự án kéo dài hai năm, bỏ thì tiếc mà nhận thì không có thời gian nghỉ ngơi. Đời công chức, giàu không giàu, nghèo không nghèo, có tí chút phòng thân về già.
Nghỉ hưu nhưng chưa thong thả vì còn phải nuôi một đứa con đang học đại học. Chị có nghề tay trái, làm “chơi chơi” mỗi tháng cũng kiếm thêm được phần ba mức lương nếu nhận lời tham gia dự án. Cái tiếc ở đây không chỉ mức lương mà tiếc chuyên môn đã làm ba mươi năm. Dự án cần người có bề dày kinh nghiệm như chị nên mới trả lương cao.
- Xem thêm: Tâm sự của một… vàng ròng
Thế nhưng, nếu nhận lời thì sẽ không có thời gian “chơi chơi”, ăn lương người ta phải cày cật lực cho họ, nhất là dự án của nước ngoài! Một đời sớm vác ô đi, thời gian làm việc thoải mái quen rồi, nay không hết việc thì mai, áp lực công việc không thấm tháp gì so với làm cho dự án. Riêng việc ngày tám tiếng “chết dí” ở văn phòng cũng đủ bức bách rồi.
Làm việc cả đời, cày nữa cực thân quá! Rồi chị đâm trách chồng, phải chi ổng làm ăn ngon lành mình đâu có khổ. Lại nhìn xa thêm, bạn bè trang lứa về hưu ai cũng nhàn nhã. Người sáng xách vợt đi đánh tennis, cầu lông, bóng bàn, người dạo công viên thể dục, kẻ tụ tập cà phê, ăn uống, nhậu nhẹt, hát hò. Chỉ mình lận đận. Thêm đứa con gái lớn đang có nguy cơ mất việc. Không làm lấy gì hỗ trợ cho con?
Nghĩ tới rồi nghĩ lui, ngày xưa con cái còn nhỏ, bận bịu nhưng vượt qua được. Giờ đây, việc nhà đã có chồng hỗ trợ. Ổng dễ ăn, qua quýt thế nào cũng được. Nghĩ thế, nhưng chị lại bực mình, phải chi đổi được cho ổng.
Đàn ông về hưu sau phụ nữ đến năm năm kia mà! Ổng còn tuổi làm việc, chuyên môn cũng khá nhưng sao mình lãnh hết khó nhọc thế này? Rồi chị đâm bực lây đến con cái, cứ như mẹ lấy hết phần lanh lợi của con hay sao mà đứa nào cũng chậm chạp…
Buồn, chị tâm sự với mẹ già. Chỉ với mẹ, chị mới thổ lộ được điều thầm kín sâu xa, chỉ có mẹ mới giữ bí mật cho con cái và thêm lời khuyên chí lý. Mẹ già nghe chuyện, bảo ban: “Con à, cứ nghĩ vầy, là trời cho con biết làm nhiều thứ hơn chồng. Đó là ân sủng. Người ta cần người có kinh nghiệm, ba mươi năm làm việc, con ở vị trí đó, học được chuyên môn đó. Chồng con ở vị trí khác, chuyên môn khác. Hãy lạc quan, coi như mình “hết xài” rồi, giờ có nơi trọng dụng, hãnh diện lắm chứ! Về hưu, nằm lên nằm xuống, không nghĩ được việc làm kiếm thêm thu nhập mà hằng ngày vẫn phải tiêu tiền. Bức bách lắm chứ”.
- Xem thêm: Quan niệm sống
Thật ra, chẳng có gì để chị ấy phải “lăn tăn”. Suy cho cùng, chị chỉ ngại thị phi, về hưu rồi mà còn cày, bị người ta cười “số khổ”, sống nhiêu đâu mà không chịu hưởng thụ… Tuy nhiên, chỉ có mỗi người mới biết mình cần gì và khả năng tới đâu. Việc gì cũng có giá. Ăn tiền người ta phải cày là đúng rồi.
Muốn có tiền lại muốn “chơi chơi” sao được? Có sẵn trong đầu hết, chỉ việc khai thác, coi như tự mình tăng tuổi hưu thêm hai năm nữa. Ở phương Tây, phụ nữ đi làm đến sáu mươi lăm tuổi thì đã sao? Có đi làm thiên hạ mới nể nang. Về hưu rồi, chẳng ai quan tâm, nói năng còn bị cho là lẩm cẩm…
Và cuối cùng, phương án chấp nhận nâng tuổi hưu của chị ấy còn bởi lời khuyên của mẹ già: “Người ta cần mình có kinh nghiệm để làm việc”. Ai nhiều kinh nghiệm cho bằng người mẹ? Lời khuyên của người mẹ chẳng quá thuyết phục hay sao?
Phải chăng, vui vẻ chấp nhận và bằng lòng với khả năng mình có mới là người biết tận hưởng cuộc sống?