Sinh ra ở Việt Nam, Liên Trương học mỹ thuật ở Mỹ và hiện giảng dạy chuyên ngành mỹ thuật tại nhiều trường đại học tại Mỹ.
Cô cũng là một trong những nghệ sĩ thường xuyên tham gia các triển lãm tại gallery Quỳnh (TP. Hồ Chí Minh). Triển lãm mới nhất của Liên Trương đang diễn ra tại gallery Quỳnh (65 Đề Thám và 151/3 Đồng Khởi, Q.1) và sẽ kéo dài đến 8-3-2014.
Liên Trương vẽ (chủ yếu) và làm sắp đặt theo khuynh hướng nghệ thuật ý niệm. Tác phẩm của cô là một cuộc khảo sát những ảnh hưởng (đối với con người hiện đại) được kết nối từ các ý tưởng về gia đình, giống nòi, tôn giáo và văn hóa. Trong tranh biểu hình của cô, dễ nhận thấy hình ảnh các cảnh sắc phương Tây cũng như phương Đông, các hoa văn vải vóc và các hình thể động vật mang tính biểu trưng đa dạng, tất cả gợi đến sự hình thành của bản sắc con người hiện đại cũng như hệ thống các niềm tin trong một bối cảnh xã hội đan xen về văn hóa.
Nhận bằng cử nhân mỹ thuật tại Đại học Humboldt của bang California, Mỹ, sau đó cô lấy bằng thạc sĩ tại Mills College, một cơ sở đào tạo nghệ thuật lâu đời ở Oakland, California chỉ nhận các sinh viên nữ. Hiện cô là giảng viên mỹ thuật của Trường Mills, của Đại học Humboldt và của Đại học Stanford. Tác phẩm của Liên Trương đã được triển lãm tại nhiều địa chỉ mỹ thuật danh giá như Bảo tàng quốc gia về tranh chân dung ở Washington DC, Trung tâm nghệ thuật đương đại ở Moskva và Yekaterinburg (Nga), Bảo tàng Oakland, Bảo tàng mỹ thuật Maier và Bảo tàng mỹ thuật Morris Graves ở Virginia, Nhà trưng bày Nam California, Trung tâm mỹ thuật Huntington Beach (California), Hội chợ mỹ thuật Hongkong, gallery Quỳnh… và có mặt trong nhiều bộ sưu tập cá nhân. Các tạp chí chuyên ngành có uy tín như New American Paintings, ART iT, New York Arts và báo San Francisco Chronicle đã có bài viết giới thiệu và phê bình tranh của Liên Trương. Hiện Liên Trương sống và làm việc tại Bắc California nhưng tranh của cô được giới thiệu nhiều lần tại gallery Quỳnh.
“Đông phương, Tây phương” là tên gọi loạt tác phẩm mới nhất và cũng là triển lãm cá nhân thứ hai của Liên Trương tại gallery Quỳnh. Loạt tranh này cho thấy ảnh hưởng nơi cô từ những nghiên cứu về hội họa Á Đông, khung cảnh của chủ nghĩa đế quốc thế kỷ XVIII cùng các tác phẩm của nhà phê bình văn học và văn hóa Edward Said. Những tác phẩm mới của Liên Trương là sự chiêm nghiệm của tác giả về bản chất khó hiểu và sự phức tạp của hệ thống niềm tin giữa các nền văn hóa. Mang tính biểu trưng phong phú, những bức-tranh-ngụ-ngôn này là sự hợp nhất của không gian cảnh quan phương Đông với kỹ thuật sơn dầu phương Tây, thể hiện những phong cảnh không tưởng và ẩm ướt.
Tác giả đã hợp nhất những tính cách đặc trưng của con người, động vật – đôi khi chúng được nhân cách hóa thành những quái thú trong thần thoại, và kết hợp với sự sáng tạo của bản thân cô đưa tất cả vào tác phẩm để truy vấn lịch sử loài người đồng thời kể những câu chuyện mới mẻ. Đó là hình ảnh một con phượng hoàng tượng trưng cho chủ nghĩa đế quốc bay liệng bên trên một chú công đậm nét phương Đông hiền hòa trong tác phẩm Sự cứu rỗi những kẻ ngoại đạo – bức tranh gợi nhớ một thời kỳ phát triển mạnh mẽ các xứ thuộc địa của các đế quốc phương Tây. Hay một con cọp trắng trông rất dữ tợn tiến sát chú rồng Trung Hoa trong bức Xanh, trắng và đỏ. Trong tác phẩm Quả táo, thần Kinnari phương Tây trao tặng viên ngọc trai cho thần Kinnari phương Đông (mang hình thù nửa phụ nữ nửa chim trong thần thoại Ấn Độ giáo) gợi liên tưởng đến sự bí ẩn trong truyền thuyết về Adam – Eve và ám chỉ đến lịch sử cấm kỵ của xã hội về kết hôn đồng giới tính và giữa các chủng tộc khác nhau.
Các tác phẩm trong loạt tranh “Đông phương, Tây phương” cũng phần nào mô tả những điểm khác nhau trong cách diễn giải về con kỳ lân trong thần thoại phương Đông và phương Tây. Trong tác phẩm Chiến tích của tôi, thánh thần của bạn, con bò thiêng của đạo Hindu được xưng tụng là một thợ săn hiển hách các thành lũy phương Tây. Một số tác phẩm nhỏ hơn mô tả chân dung các nguyên thủ quốc gia được khắc họa thêm những nét đặc tả con vật cầm tinh tương ứng với từng người theo hệ thống 12 con giáp của phương Đông. Bằng cách khơi gợi những phẩm chất và tính cách của con người thể hiện qua các con giáp và các câu chuyện trong thần thoại Hy Lạp, những bức chân dung ấy thể hiện khía cạnh đầy cảm xúc của quyền lực tối cao mà các vị nguyên thủ ấy đang nắm giữ.
Dù những mô tả của Liên Trương trong tác phẩm mang tính thần thoại nhưng cô cũng đặt câu hỏi về mối quan hệ giữa các câu chuyện thần thoại ấy với sự tiến hóa về mặt nhân cách và giá trị đạo đức của con người.
- Ngã Văn