Một trong những điều luôn được đánh giá cao tại các doanh nghiệp thành công là việc “tổ chức học hỏi” cho đội ngũ nhân viên. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp và tổ chức dù đã biết được bí quyết ấy nhưng rất khó thực hiện vì môi trường làm việc của họ luôn đầy áp lực. Để giúp họ vượt qua trở ngại, Bates – tác giả cuốn sách Be the Best (được Nhà xuất bản Kindle ấn hành năm 2013) đã đưa ra các giải pháp.
Bates cho rằng “Một tập thể học hỏi là một tập thể luôn cải tiến, mà một tập thể luôn cải tiến thì ngày càng có nhiều cơ hội hơn để giành được thành công” và ông cho rằng một trong những cách dễ làm nhất là luôn đặt ra cho các nhân viên hai câu hỏi:
1. Hôm nay bạn học hỏi được điều gì mới?
2. Chuyện gì sẽ tốt hơn từ việc bạn học hỏi được điều mới ấy?
Hai câu hỏi như vậy nên được dùng trong nhiều tình huống khác nhau và trong một số tình huống thì chúng sẽ trở nên rất đắt giá. Ví dụ, nếu gặp sai sót trong công việc và muốn tìm cách trốn tránh trách nhiệm, thông thường nhân viên có thể tự hỏi: “Mình sẽ đổ lỗi cho ai đây?” và “Làm cách nào thoát khỏi tình trạng này để mình ít bị thiệt hại nhất?”.
- Xem thêm: Những bài học từ công việc
Khi họ tiếp tục tự hỏi hôm nay mình học được điều gì mới và chuyện gì sẽ tốt hơn từ điều vừa học hỏi được ấy thì hai câu hỏi đầu tiên sẽ biến mất, tức là ý đồ tiêu cực không còn nữa. Theo Bates, các vấn đề như vậy luôn là cơ hội để nhân viên ghi nhận được những bài học không thể nào quên.
Hai câu hỏi mà Bates đã nêu vẫn có tác dụng tốt ngay cả trong trường hợp mọi việc đều trôi chảy. Nhà quản trị có cơ hội chỉ cho các nhân viên của mình thấy được nguyên nhân thành công của họ một cách rõ ràng hơn và họ có thể tiếp tục thành công hơn trong công việc nhờ biết chủ động suy tính để thực hiện các công việc chứ không phải nhờ ở yếu tố ngẫu nhiên.
Thành công có được trên một cơ sở thực tiễn rõ ràng sẽ tạo thêm niềm tự tin cho đội ngũ nhân viên. Do vậy, nếu nhà quản trị thường xuyên tổ chức thảo luận về nguyên nhân của các thành công thì sẽ thúc đẩy đội ngũ nhân viên học hỏi cái mới và chủ động vận dụng để vươn tới những thành công khác.
Tinh thần học hỏi trong doanh nghiệp nên được các nhà quản trị khuyến khích thông qua những điều dễ thấy, dễ làm hằng ngày. Một số hình thức học hỏi thường được vận dụng là tổ chức các khóa đào tạo bài bản, huấn luyện cho một vị trí công việc đang có nhu cầu, mời đơn vị tư vấn tổ chức việc học hỏi cho nhân viên…, nhưng điều mà Bates muốn nhấn mạnh chính là học ngay trên vấn đề vừa xuất hiện từ công việc nhằm biến một vấn đề mà theo lẽ thường có thể diễn biến theo xu hướng tiêu cực thành một cơ hội tích cực cho nhân viên.
Bates không tự sáng tác ra hai câu hỏi trên. Một lần, đến văn phòng của một công ty và nhìn thấy một câu hỏi trên tường: “Hôm nay bạn học hỏi được gì và điều gì sẽ thay đổi từ đó để chúng ta mạnh mẽ hơn?”, từ chỗ ngạc nhiên, ông chuyển sang ngẫm nghĩ, đào sâu và đặt câu hỏi ấy đối với những điều đã xảy ra trong thực tế tại chính nơi mình làm việc. Từ đó, ý tưởng mới của ông đã ra đời.
Dù nhà quản trị khuyến khích tinh thần học hỏi của nhân viên theo cách nào đi nữa thì điều quan trọng nhất vẫn là tạo ra “sức mạnh của số đông”, tức là lôi kéo được nhiều người cùng tham gia học hỏi cách hiện thực hóa những mục tiêu phát triển của doanh nghiệp, đi từ những vấn đề phát sinh hằng ngày.