Tôi nhủ lòng không được khóc òa lên, dù vậy hai tay vẫn run rẩy khi trao trả tờ thư cho ông chủ. Nỗi đau và hạnh phúc đến cùng lúc thế này lôi kéo tôi nghiêng ngả. Chẳng biết mặt mày tôi ra sao, ông chủ tế nhị đứng lên bóp vai tôi:
– Mấy tháng nay rồi, từ lúc ông bà từ Pháp về. Nhưng chờ cho con thi cử xong xuôi mới nói.
Rồi ông ra khỏi thư phòng, khép cửa. Tôi một mình ngồi trong ánh chập choạng buổi chiều hồi tưởng lại những năm tháng đã qua luôn luôn nằm mãi trong tận cùng ký ức… Phản ứng tự nhiên là tự hỏi, cố thành bác sĩ tim mạch làm chi khi chẳng còn ai cần mình săn sóc nữa…
Hồi đó, cô chủ nhỏ chỉ kêu khẽ “Nóng quá” thì chiếc quạt trên tay tôi đã phất lia mọi góc. Làm cho cô chủ nhỏ không phật lòng là sứ mệnh tôi mang từ thuở lên năm.
Từ thế hệ ông bà cố, cả gia đình chúng tôi đã phục vụ gia đình cô chủ nhỏ, được gia đình cô dựng vợ gả chồng cho rồi đi đâu tùy ý. Nhiều khi có người đi xa rồi cũng quay lại với tình cảm “về nhà”. Và luôn luôn được đón tiếp ân cần. Nghĩa là bao đời nay hai đại gia đình chúng tôi sống trong thứ tình chủ tớ nhưng đại đồng, bao bọc. Dĩ nhiên ở đó mọi thứ lớp vẫn rất ngăn nắp, triệt để. Nhưng tôi không hiểu và chẳng tìm hiểu tại sao luôn luôn có một cặp tự nguyện ở lại phục vụ dù không bắt buộc, như ông nội hay cha tôi đâu phải là người không có khả năng.
Khi tôi lên năm, cô chủ nhỏ ra đời. Buổi sáng tôi theo ông nội chăm mấy luống hồng, cha lái xe vào cổng và ông bà chủ trẻ hân hoan bước xuống, theo sau có một bà hơi sồ sềẵm trên tay cái bọc trắng tinh dưới ánh sáng rực rỡ mà êm dịu của mặt trời tháng Sáu. Mỗi tối tôi được phép đứng cạnh chiếc nôi thơm phức ngắm “con búp bê” nhưng không được sờ mó vì tay thường bẩn. Đó là thói quen mà đêm nào không được ngắm thì tôi khóc. Cả nhà rộn rã hẳn lên và mỗi tiếng khóc của búp bê khiến không phải bà chủ, bà vú nuôi, mà chính tôi quýnh nhất.
Khi cô lên ba, bà chủ sinh em bé nữa. Nhưng tôi không thích búp bê trai. Rồi khi cô bắt đầu đến mẫu giáo, vì gần nhà và không phải băng qua đường nên tôi phụ trách, chờ thấy cô bước hẳn vào lớp rồi mới cắm đầu chạy đến trường mình. Lên mười, cô thường khóc oằn oặt, khóc nhiều hơn thuở nhỏ. Tưởng cô ganh tỵ với thằng em vì vừa mừng sinh nhựt nó con cún Nhật, ai cũng ráng dụ dỗ cô món quà nọ chiếc áo kia nhưng cô đều chán nản lắc đầu, người có vẻ lả đi mệt mỏi.
Tôi là người lăng xăng nhất, bởi từ khi cô chập chững biết đi thì đôi tay tôi phải luôn luôn sạch sẽ để “dắt em”. Cuối cùng, món quà cô gật là con ngựa nhỏ, cô sẽ cưỡi vòng vòng trong khu vườn thênh thang, và tôi sẽ kiêm nhiệm thằng nài. Về sau này, nó hầu như thường trực là cặp chân cô. Nhưng rồi cô vẫn uể oải, rất uể oải nên thường nghỉ học. Bác sĩ nói cô bị bịnh tim sao đó rất hiếm hoi, nếu được sống ở nơi thoáng mát nhà quê, vào thời đại… đồ đá lại càng hay. Cả nhà suy nghĩ.
Cuối cùng, giải pháp là cha mẹ cùng tôi đưa cô chủ nhỏ về quê, căn nhà dòng tộc. Trong căn nhà gỗ thênh thang, cha tôi làm vườn và cưa cây cho mẹ nấu bếp, những món cực kỳ thanh tao cô chủ nhỏưa dùng. Ban đêm, những chiếc đèn lồng bày khắp nơi khiến căn nhà đã đẹp lại thêm vẻ mông lung huyền bí. Và giữa khung cảnh đó, cô chủ nhỏ tới lui trong chiếc áo ngủ màu xanh chẳng khác nào nàng công chúa bước ra từ bức tranh thần thoại. Trong ngày, cô công chúa thường nằm ẻo lả trên chiếc ghế dựa ngoài hiên hóng mát. Cô trắng tươi, tóc đen dài, trông cô mỏng manh dễ vỡ…
Thời gian cứ nhẩn nha bước đi. Theo lệ, mỗi dịp tết ông bà chủ về nhà quê cúng tổ, thăm viếng họ hàng xa gần, mấy năm nay khác cái khi họ đi thì chúng tôi vẫn ở lại. Trò chơi suốt cả tháng mùa xuân mà cô chủ thích xem là đánh cờ người. Giữa sân banh, nơi cô thường khuyến khích tôi đi đá với thanh niên trong làng và cô ngồi xem, hai chòi canh cao dựng lên cho đại diện hai màu cờ đấu, bàn cờ to tướng vẽ lên sân.
Và môn hát bội. Cô thích vì để cười hơn là ái mộ. Nhưng trò đá gà thì mới nhìn thấy một con sừng sổ nhảy lên mổ con kia là cô xanh lét lùi ra, tôi vội hướng cô đến chỗ bầu cua cá cọp… Ngoài dịp tết hay các lễ hội đình chùa thì cuộc sống chúng tôi đều đều, người ngoài thấy có vẻ hơi tẻ nhạt nhưng với tôi thì không. Và tôi chẳng dám hỏi cô có chán không, e cô tưởng tôi chán. Mỗi sáng sau bữa điểm tâm và biết là cô chủ sẵn sàng, tôi dắt ngựa tới hiên, cô chủ nhỏ leo lên và con ngựa như hiểu tình trạng sức khỏe chủ mình, thong thả từng bước một dạo rừng. Tôi đi bên cạnh, vai mang chiếc ghế xếp nhỏ và chiếc túi có quyển sách, chiếc quạt giấy, chai nước với một ít trái cây mẹ cắt sẵn.
Khi cô ghìm cương, đôi tay mười bảy khỏe mạnh của tôi đỡ cô chủ xuống, chiếc ghế xếp kéo ra đặt ngay ngắn trong bóng mát. Và tôi ngồi dưới đất bên cạnh, mở túi lấy chai nước rót ra ly cho cô, rồi tôi bắt đầu đọc tiếp chỗ trang sách bỏ dở. Một bữa đọc về lịch sử của xứ Pháp xa xôi, nơi bà hoàng hậu Joséphine biết mình bắt đầu bị thất sủng nên nhờ họa sĩ cố ghi diễn lại cảnh vua Napoléon đội vương miện cho mình.
Không còn bướng bỉnh cao ngạo nữa, giờ bà nhún nhường quỳ trên chiếc gối thêu ở bậc thềm dưới cùng, người hơi chồm về trước trên chiếc lưng ong, đầu tóc búi cao được điểm tô bằng vòng trang sức, trân trọng hơi cúi xuống, chiếc cổ thanh tú vươn ra khỏi vòng áo sa tanh màu sữa, hai cánh tay tròn lẳn nuột nà với những ngón tay tao nhã chụm lại như tạơn Napoléon vẫn tấn phong mình dù tình yêu của nhà vua đã chuyển hướng…
Hình ảnh một người đàn bà phục tùng tuyệt đối, thật là xúc động. Và Napoléon, hai tay đỡ vương miện bước đến bà với tư thế của kẻ hào phóng ban ơn, từ thềm trên cao hai bậc, trước sự chứng kiến của đông đảo triều thần. Một sự trộn lẫn chính trị, tình yêu, phản bội, mưu lược, vinh quang, ánh sáng và bóng tối. Đó là bức tranh lịch sử.
Khi tôi ngừng đọc, cô chủ nhỏ đã lim dim. Trông cô như bức tượng thạch cao thanh khiết, vừa tầm tay vừa xa cách. Tôi gấp sách, lặng lẽ canh chừng những con bọ nhỏ có thể phá giấc cô mơ. Gió hây hây cho những sợi tóc con múa lượn trên vầng trán dịu hiền, và những ngón tay dài chưa hề làm một việc gì của cô hờ hững trên đùi.
Cách xa vừa đủ giữ lễ, nhưng gần đủ để nghe hơi thở nhè nhẹ của cô đều đặn tựa cánh bướm chập chờn bay, và chiêm ngưỡng rèm mi yên lặng ngọt ngào. Những giây phút đó đối với tôi là thần thánh, tôi quên hết thân phận và đất trời, chỉ giữ lại cảm giác sẽ thách thức mọi điều kể cả sinh mạng mình để gìn giữ sinh vật mong manh này khỏi bất cứ tai ương nào có thể…
- Xem thêm: Rất tiếc…
Rồi cô kêu khe khẽ. Cứ mỗi lần sắp mở mắt ra là cô kêu khe khẽ như rên. Âm thanh đó quen thuộc tới nỗi tay tôi tự động rót nước ra ly, chờ. Cô đỡ lấy, uống từng ngụm thong thả như chỉ có việc ấy để làm suốt buổi. Và như thường lệ, cô kêu “Nóng quá”. Đó hầu như tiếng duy nhất cô nói, hay biết nói. Có lần tôi tự hỏi cô nóng thật hay thốt ra vì thói quen. Tôi quạt. Dù gì tôi vẫn quạt. Nhiều khi hai tay hai cây để suốt người cô được mát. Từ ngày về nhà quê đến giờ tay tôi chuyên quạt, kể cả lúc ông thầy tới dạy chúng tôi tại nhà.
Năm tháng êm đềm trôi qua như vậy nhưng sức khỏe cô chắc chẳng êm đềm. Thấm thoát đã năm năm. Bác sĩ đến thường xuyên hơn và tôi thấy cô cố chịu đựng điều gì đó mà không nói. Mỗi hai tuần ông bà chủ xuống thăm con. Nhiều lần họ ái ngại bảo tôi nên nghỉ ít hôm về tỉnh chơi cho đỡ buồn, nhưng tôi từ chối vì nghe bố mẹ nói vậy, đôi mắt phượng của cô nhìn chỗ khác, không vui. Có thể cũng như “Nóng quá”, sự có mặt tôi bên cạnh đối với cô là một thói quen.
Cuộc đời chúng tôi như gắn chặt vào những tấm gỗ mun bóng loáng tháng ngày, vào vùng quê yên tĩnh tiếng mẹ gọi con buổi chiều văng vẳng chân đồi, vào bầu không khí với ngọn khói mỏng ẻo lả thoát ra từ mái tranh nhởn nhơ uốn lượn. Ở đây là sức khỏe của cô chủ nhỏ, là sự sống, có thể là tương lai của cô nữa. Và tôi là một thành tố nằm ngoài những cái đó nhưng không thể thiếu. Đó là định mạng của tôi rồi, mai sau thế nào chỉ trời mới biết. Tôi sẵn sàng chấp nhận mọi điều, kể cả bất hạnh cho mình…
Năm mười sáu tuổi, cô chủ nhỏ bỗng nhất quyết không chểnh mảng nữa, nhất định muốn ôn tới tấp để thi tú tài. Chúng tôi học hầu như gấp đôi bình thường khiến tôi e ngại cho sức khỏe của cô. Những ngày về tỉnh đi thi là một thử thách, cô có vẻ vui được gặp lại bạn bè, nhưng không khí đặc mùi xe cộ và quá rộn rã ồn ào. Thi vừa xong chúng tôi lại khăn gói về quê ngay. Và cô vui vẻ hơn bình thường, thích đi bộ nhiều hơn cưỡi ngựa. Chẳng bao lâu cô lại mệt, có vẻ nghiêm trọng hơn. Bác sĩ nhỏ to, ông bà chủ lo lắng.
Cuối cùng một ngày vào thu, ông chủ đưa cô đi Pháp trị bịnh. Trước khi bước ra máy bay cô quay nhìn tôi. Tôi thì đã nhìn cô hầu như suốt buổi nên lúc đó mắt chúng tôi gặp nhau. Hơi lâu. Ông chủ yên lặng chờ đợi. Tôi khẽ nghiêng đầu, cái chào trịnh trọng dành cho con người và sức khỏe của cô. Đó là hình ảnh cuối cùng ghi khắc trong tôi, vì khi cô bước ra khỏi cánh cửa phòng đưa đón phi trường, chiếc lưng mảnh dẻ của cô không nói gì với tôi nữa.
Nó bận bịu thích nghi với chiếc áo choàng sang trọng mới mua dành để đi xứ lạnh. Rồi cánh cửa kính khép lại hoàn toàn, chia cách tôi phía bên này và cô phía bên kia như chia cách hai thế giới. Rồi cô sẽ bay đi, diệu vợi… Tôi rùng mình. Lần đầu tiên cái lạnh chớm thu làm tấm thân trai tráng của tôi run rẩy…
Ngoài kia ai vừa bật đèn. Tôi chợt tỉnh, lau khô mặt, ra khỏi thư phòng, tay nắm chặt tờ thư mà ông chủ đã không lấy lại, đã ngọt ngào ấn vào tay tôi: “Con cứ giữ đi, làm kỷ niệm”. Tôi nghĩ mình sẽ mang nó trong người, sẽ đọc đi đọc lại nhiều lần, mặc dù chỉ cần một lần khi nãy đủ để tôi ghi nhớ suốt đời…
Paris, ngày… tháng… năm…
Thưa ba mẹ,
Trước hết con xin ba mẹ tha lỗi. Thông thường con cái không được bỏ cha mẹ mà đi, nhưng con là trường hợp bất thường. Có thể mấy năm đầu đời con đem lại cho ba mẹ chút đỉnh niềm vui, còn nói chung con là một gánh nặng.
Con vẫn hối tiếc không được may mắn gần gũi ba mẹ như các em, nhưng con may mắn có được người bạn trung thành lúc nào cũng vì con, chỉ rời khi con đi ngủ. Không nói, nhưng bất cứ những gì con cần đều được cung cấp, đáp ứng đúng lúc, tận tình và lặng lẽ. Nhiều khi con tự hỏi có phải anh ấy là nhà tiên tri không, dù chỉ tiên tri về con. Từ ngày đổi con ngựa lớn hơn, anh ấy giúp con lên xuống, cố ý không chạm vào con nhưng phải chạm vào con, một cách e dè giữ kẽ.
Lần con trật khớp chân dưới làng, anh ấy bồng về, con chợt liên tưởng dạo nhà mình đi thăm Xóm đạo nhân tháng Mân Côi, người ta rước tượng Đức Mẹ từ nhà nọ tới nhà kia cùng đọc kinh cầu nguyện. Những điều đó thực sự khiến con cảm động. Dừng lại trên đồi nhìn xuống làng mạc dưới kia, anh ấy hoặc đứng cạnh chân con, hoặc cạnh đầu ngựa nhìn theo hướng mà con dõi mắt. Những lúc đó từ trên lưng ngựa, con nhìn xuống đôi vai khỏe mạnh, chiếc cổ cứng cáp, mái tóc ngắn dày, chỏm mũi, con chợt xót xa nghĩ đời anh ấy không nên vì con mà chôn vùi xó xỉnh nhà quê.
Con muốn anh ấy đổi đời, sống cho mình hơn là cứ theo “nghiệp” cha ông. Vì vậy con quyết định thi tú tài để buộc anh ấy cũng phải thi lại, một lần đã trượt rồi bận bịu mãi với con và từ chối không thi tiếp. Bữa nghe anh ấy đậu, con sung sướng nói:
– Ba hứa sẽ cho anh lên đại học.
– Tôi… không học đâu.
– Tại sao?
– Tại vì… cô đâu có lên đại học?
– Thì sao?
– Đại học phải đi xa. Tôi đi thì ai săn sóc cho cô?
– Ba mẹ sẽ tìm người khác chứ.
– Tôi không an tâm.
Con cáu:
– Cái gì? Anh nghĩ ba mẹ không biết chọn người à?
– Tôi không dám nói ông bà không biết chọn người, mà sau đó thì họ chăm chút cô thế nào mới là cái chính.
– Anh làm như anh là nhất vậy!
Và con hối tiếc ngay điều vừa thốt ra. Nhưng anh ấy làm vẻ thản nhiên, bày gói trái cây ra đĩa cho con.
Ba mẹ ạ, lúc đó con chỉ muốn nắm chặt tay, không, con muốn ôm chặt anh ấy vào lòng với đôi tay yếu đuối của mình để tỏ lòng ân hận và để thêm sức mạnh cho anh đi học. Nhưng dĩ nhiên con chẳng làm gì cả. Nỗi xúc động dâng trào làm con muốn nghẹt thở. Con kêu lên muốn khóc “Nóng quá”, và anh lại quạt.
Gần hết mùa hè mà anh chẳng nộp đơn vào đại học dù ba mẹ có nhắc. Rồi con lại có cái ích kỷ hài lòng, nghĩ thôi cũng được, anh ấy dành cho con thêm một năm nữa. Nhưng con biết sức khỏe mình hơn ai hết nên khi bác sĩ nói đi Pháp có thể trị được, thì con hăng hái chịu ngay, đó là cách duy nhất để anh có thể sống cuộc đời mình. Con vừa háo hức đi, trị bịnh cho con và tạo cuộc đời cho anh ấy, vừa lo sợ ở một nơi xa lạ mà phải nhờ vào dì, là người ít khi con gặp.
Nhưng con đã quyết. Buổi chiều cuối cùng trước khi về tỉnh, chúng con đi dạo trên đồi như thường lệ. Rồi con ngồi trên chiếc ghế xếp anh ấy luôn mang trên vai, anh ngồi bên cạnh chân con, như thường lệ. Chiều nay chúng con không đọc sách, chỉ yên lặng nhìn trời mây và xóm nhà lá dưới chân đồi. Đón ly nước từ tay anh, con nói nhẹ nhàng:
– Tôi đi rồi, anh phải vào đại học. Vì anh không còn bận bịu gì nữa, phải học thôi.
Anh ấy không nói gì nhưng rất buồn. Con thở dài:
– Chẳng biết trị bịnh có được không, nhưng bác sĩ nói ít nhất cũng năm bảy năm.
Anh ấy gật gật đầu. Một lúc lâu, anh nói:
– Tôi hứa, khi cô về tôi sẽ có bằng đại học.
– Hoan hô. Rồi tìm việc làm xứng đáng, vững vàng.
– Tôi sẽ phục vụ cô chú.
– Chú nào?
– Thì cô sẽ lập gia đình chứ.
Con chợt bàng hoàng:
– Và nếu không trị được, nếu tôi chết, thì sao?
Anh ấy giật mình, như con nói điềm gở, như đó là điều chẳng ai nên nói bao giờ. Anh tròn mắt nhìn con. Lần đầu tiên anh ấy công khai nhìn con như vậy. Thẳng vào mắt. Con nhìn lại. Chúng con nhìn nhau chẳng biết bao lâu. Con không biết dưới chân đồi các bà mẹ có gọi trẻ nhỏ về bữa cơm chiều không. Con không biết khói có trườn ra từ các mái tranh không.
Con không biết có ai lùa đàn bò về chuồng không. Con không biết đàn gà mẹ gà con có táo tác gọi nhau chưa. Con không biết có ai tưới vườn rau dưới đó… Con mê đi, tức nghẹn, khó thở. Chắc tim con có gì không ổn nữa chăng. Rồi con tỉnh người khi anh ấy bất thần chụp bàn tay con, úp mặt vào, nức nở:
– Tôi không biết. Nhưng xin cô… xin cô đừng chết!
Hình như buổi chiều đứng lại, gió trên đồi cũng đứng lại… Chúng con cùng khóc, lặng lẽ. Rồi anh kéo áo nhẹ nhàng lau khô tay con, cẩn trọng trả nó trên đùi. Con e dè rồi mạnh bạo đặt tay lên đầu anh, lên mái tóc ngắn châm chích tay con, khẩn thiết kêu cầu Chúa toàn năng qua bàn tay con, ban trọn phép lành cho anh ấy… Và kéo tay về, con sụt sùi nói “Nóng quá”. Và anh quạt cho con như muôn đời chỉ biết cầm cây quạt…
Thưa ba mẹ, đó là hai cuộc đối thoại dài nhất của chúng con từ khi ý tứ giữ kẽ với nhau vì biết mình đã lớn. Ngay cả lúc chân con bị rắn cắn trong một buổi dạo trên rừng, anh ấy hoảng hốt quỳ xuống, trân trọng nâng chân con lên, áp môi vào hút máu, chúng con vẫn chẳng nói với nhau lời nào. Hay những bó hoa dại anh hái trên lối đi rồi kết vòng cho con đeo tay, đeo cổ chân hay nhiều hơn thì làm vương miện, cũng lẳng lặng không lời.
Mấy hôm nay ba mẹ ái ngại nhìn con trên giường bệnh, con phải vội viết thư này khi còn có sức. Rõ ràng là y khoa Pháp thì cũng đành bó tay với trường hợp quá đặc biệt của con. Bây giờ nếu ba mẹ hỏi trước khi đi con có nhắn gửi gì không, thì con xin ba mẹ dù vì bất cứ lý do gì, cũng cho anh ấy ăn học đến nơi đến chốn. Đó là người anh, người bạn duy nhất của con. Con xin tạ ơn ba mẹ.
Cầu mong ba mẹ và các em mọi sự an lành. Chắc chắn các em sẽ thay con trong mọi việc.
Đứa con bất hiếu của ba mẹ.
TB: Nhờ ba nói giùm với anh ấy là con có đi viếng cung điện Versailles, nơi có bức tranh mà chúng con cùng đọc.