Sau thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, hầu như người Nhật nào cũng mang tâm lý ngán ngại đối với năng lượng hạt nhân và Tokyo ngày càng đối mặt với áp lực nặng nề của công chúng đòi sớm từ bỏ mô hình năng lượng nguy hiểm này. Dự kiến trong tháng 9 này, Chính phủ Nhật sẽ công bố chính sách năng lượng mới nhằm giảm thiểu sự lệ thuộc vào năng lượng hạt nhân từ nay đến năm 2030. Hiện nay, với 52 lò phản ứng hạt nhân còn hoạt động, nguồn năng lượng này thỏa mãn 30% nhu cầu của toàn nước Nhật. Vấn đề mà Chính phủ Nhật phải đối mặt là làm sao điện năng từ những nguồn năng lượng thay thế (cho năng lượng hạt nhân) có thể cung ứng được mỗi giờ hơn một ngàn tỉ megawatt. Theo đánh giá của GS Takao Kashiwage, chuyên gia năng lượng, cố vấn trưởng Tiểu ban Năng lượng mới của Chính phủ Nhật Bản, năng lượng tái sinh dù là năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy lực hay địa nhiệt vẫn còn là một hướng đi nặng tính chính trị, đầy bất ổn do các biến đổi về thời tiết và nhiều yếu tố khác. Kết quả khảo sát cho thấy sản lượng của các nhà máy phong điện (điện gió) nằm trên bờ biển Nhật Bản thường bị sụt giảm vào mùa hè do gió không còn thổi mạnh; mặt khác, vào mùa đông, khi ngày ngắn lại, năng lượng mặt trời không đủ để tạo ra nguồn điện năng dồi dào như các mùa khác.
Điện mặt trời, nguồn năng lượng sạch của tương lai
Theo các nhà bình luận, chính phủ Nhật Bản hiện đứng trước hai sự lựa chọn, một là phi hạt nhân hóa nguồn năng lượng, hai là tiếp tục duy trì năng lượng hạt nhân, nhưng với tỷ lệ còn dưới 20% nguồn điện năng chung của quốc gia. Muốn theo con đường thứ nhất, Nhật phải nhập khẩu một lượng lớn nhiên liệu hóa thạch và đầu tư nhiều cơ sở hạ tầng cho các nguồn năng lượng thay thế. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế trong nước, mặt khác, sự an toàn năng lượng có thể bị đe dọa trong giai đoạn đầu của sự chuyển đổi. Trong một cuộc thăm dò dư luận do chính quyền Nhật Bản trực tiếp thực hiện, 50% người được phỏng vấn muốn triệt tiêu nguồn năng lượng hạt nhân vào năm 2030. Sumio Saito, cố vấn năng lượng của Công ty Wind Connect Japan, cho rằng không nên quay lại con đường năng lượng hạt nhân cho dù Nhật Bản phải tiêu thụ nhiều nhiên liệu hóa thạch trong một tương lai gần. Hiện nhiều địa phương trên đất Nhật đang “chuyển mình” theo hướng chọn lựa thứ nhất. Tại hạt East Izu thuộc quận Shizuoka cách thủ đô Tokyo 200km về phía tây, ba nhà máy phong điện cung ứng điện năng cho 1/3 trong tổng số 6.300 hộ dân, doanh thu từ nguồn phong điện được sử dụng tài trợ cho việc thiết lập và vận hành các panel cho những hộ gia đình sử dụng nguồn điện từ năng lượng mặt trời. Chính quyền East Izu còn có kế hoạch phát triển nguồn năng lượng địa nhiệt bằng cách tận dụng các suối nước nóng trong vùng. Nhiều biểu hiện cho thấy khuynh hướng triệt tiêu dần nguồn năng lượng hạt nhân đang chiếm ưu thế tại Nhật Bản, cho dù trong một tương lai gần, xứ sở Mặt trời mọc phải trả giá đắt cho sự chuyển đổi quan trọng này.
Lê Cẩn tổng hợp