Lời kêu gọi hòa giải của vua Thái Lan Bhumibol dường như không đủ khả năng để tạo lập một cuộc đối thoại giữa phe “Áo đỏ” và phe “Áo vàng” trong các cuộc biểu tình ủng hộ và chống đối thủ tướng Yingluck.
Hơn 100.000 người tham gia biểu tình chống chính phủ Thái Lan vào hôm 9-12
Trong một chương trình truyền hình trực tiếp, vị vua Thái đọc diễn văn với giọng nói thầm thì rất khó nghe. Trong bối cảnh khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất kể từ năm 2010, đúng vào dịp sinh nhật 86 tuổi – ngày lễ quan trọng nhất của vương quốc – nhà vua đã quyết định can thiệp.
Cầm quyền từ năm 1946, vua Thái Lan, nguyên thủ quốc gia nắm quyền lâu nhất trên thế giới, cho đến nay vẫn là người đứng trên tất cả mọi xung đột. Thông điệp mang tính hiệu triệu và bóng gió của vua Bhumibol được hai phe đối đầu trong cuộc khủng hoảng hiện nay giải thích theo cách hoàn toàn có lợi cho mình.
Phe Áo đỏ ủng hộ thủ tướng Yingluck thì cho rằng diễn văn của nhà vua kêu gọi “tất cả làm việc cùng nhau vì lợi ích của đất nước” là một lời chỉ trích khéo léo nhắm vào phong trào nổi dậy Áo vàng. Ngược lại, phe Áo vàng thì cho rằng nhà vua khuyến khích hành động để buộc thủ tướng đương nhiệm phải từ chức.
Trên thực tế, vua Bhumibol bất lực nhìn vương quốc của ông phân hóa thành hai phe, do những thay đổi kinh tế xã hội lớn lao. Phe gồm các thành phần tinh hoa truyền thống bảo hoàng lo sợ nguyên tắc bầu cử phổ thông đầu phiếu đưa “gia tộc Shinawatra” lên nắm quyền, nhờ hậu thuẫn của đông đảo nông dân nghèo vùng Đông Bắc. Thủ lĩnh phong trào phản kháng Suthep Thaugsuban, cựu phó thủ tướng, chủ trương tái lập một nền quân chủ mạnh. Nhiều thành viên phe Áo vàng lo ngại gia đình cựu thủ tướng Thaksin tìm cách loại bỏ nhà vua.
Chủ trương của lãnh đạo phong trào ủng hộ hoàng gia là thay đổi triệt để luật bầu cử, bằng cách giới hạn phạm vi của nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, ngăn chặn đà ảnh hưởng đang lên của tầng lớp nông dân “đỏ” trên trường chính trị.
Trong khi đó ông Suthep Thaugsuban đề nghị lập một chính phủ chuyển tiếp trong thời gian vô hạn định, đứng đầu là một thủ tướng do vua bổ nhiệm, chứ không phải do dân cử. Quan điểm này khiến ngay cả một bộ phận những người quân chủ ôn hòa lo ngại, vì sợ rằng nền dân chủ Thái Lan non trẻ sẽ tụt hậu rất xa.
Diễn biến tại Bangkok cho thấy sau thời gian hưu chiến do sinh nhật nhà vua, tình hình Thái Lan lại căng thẳng hơn. Hôm Chủ nhật, 100.000 người đã xuống đường biểu tình đòi thủ tướng từ chức. Cảnh sát đã không dùng hơi cay để giải tán. Nhiều đường phố ở Bangkok tê liệt. Trong một diễn biến mới nhất, sáng 9-12, Thủ tướng Yingluck Shinawatra tuyên bố giải tán Quốc hội sau khi phe đối lập với 150 nghị sĩ trong Quốc hội từ chức tập thể. Dự kiến cuộc bầu cử sớm Quốc hội sẽ diễn ra vào 2-2-2014. Trong khi đó phe đối lập đòi “trả quyền lực về tay nhân dân”.
V.Đ