Từ thập niên 1980, số người nhập cư vào châu Âu ngày càng tăng, do tỵ nạn chiến tranh, áp bức, thiên tai hoành hành, nghèo đói… Ngày 19-11 vừa qua, Cơ quan ngoại vụ của Liên minh châu Âu là EEAS (European External Action Service) đã cho biết có khả năng quân đội châu Âu sẽ hoạt động ở vùng Nam Địa Trung Hải trong một nỗ lực ngăn chặn dòng người di cư và tỵ nạn nhập cư bất hợp pháp vào châu lục này. Trước đó, vào ngày 24-10-2013, chính quyền Ý đã đề nghị áp dụng các biện pháp mạnh sau khi một chiếc thuyền chở người nhập cư bất hợp pháp đi từ Libya tới Ý đã bị chìm tại Sicily ngày 3-10-2013, làm chết 360 người. Tai nạn là một cú sốc lan truyền khắp châu Âu và tạo nên những cuộc đối thoại trong xã hội về cái giá phải trả của con người trước chính sách nhập cư mà các chính quyền châu Âu đưa ra. Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu coi thảm kịch chìm tàu đó như cái cớ để họ đẩy nhanh tình trạng quân sự hóa khu vực Địa Trung Hải. Theo tiết lộ của phụ tá phát ngôn nhân EEAS là ông Sebastien Brabant, tiếp sau sự kiện ngày 3-10, Lực lượng đặc nhiệm Địa Trung Hải đã được thành lập để có thể đưa ra một phản ứng tức khắc của EU. Điều này sẽ dẫn đến vai trò trung tâm của tổ chức Chính sách An ninh và Phòng vệ chung (CSDP) vốn là công cụ chủ yếu của châu Âu trong việc đối phó với các cuộc khủng hoảng an ninh quốc tế.
Tàu của Frontex bắt giữ người nhập cư bất hợp pháp
Các kế hoạch trên không nhận được sự đồng thuận hoàn toàn. Một đại biểu Quốc hội Đức, ông Andrej Hunko, cho rằng trong sự canh phòng biên giới, việc quân sự hóa xa hơn sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ, kể cả tổn thất nhân mạng. Nhưng một số nước đã triển khai kế hoạch phòng vệ biên giới. Hy Lạp triển khai lực lượng an ninh biên giới, xây dựng một hàng rào dọc theo biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và giam cầm những người nhập cư bất hợp pháp đến 18 tháng. Hậu quả là người di cư đã khai mở những con đường mới xuyên qua vùng Tây Balkan hay phục hồi những con đường cũ ở Ai Cập, Libya và Tunisia. Trong khi đó, Tây Ban Nha khởi động dự án CLOSEYE với kinh phí nhiều triệu euro nhằm kiểm soát biên giới, triển khai cả máy bay không người lái và nhiều thiết bị giám sát hiện đại khác trên vùng Tây Nam Địa Trung Hải. Ủy ban châu Âu (EC) không chỉ tài trợ cho các hoạt động như thế, mà còn không có biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm quyền tỵ nạn và quyền con người của các nước thành viên.
Có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng số người nhập cư hiện nay. Trước hết, biến động Mùa xuân Ả Rập đã dẫn đến sự sụp đổ của nhiều nhà độc tài vốn là những đồng minh thân thiết và nhận được sự tài trợ của EU để cưu mang những người nhập cư đến từ vùng hạ Sahara và Trung Đông. Nay họ bị hạ bệ, sự tài trợ không còn nữa, người nhập cư đổ xô vào lãnh thổ châu Âu. Nguyên nhân thứ hai là sự triển khai hệ thống EUROSUR, tức hệ thống giám sát biên giới đối ngoại của châu Âu, để kết hợp với Frontex là tổ chức Cảnh sát Biên giới của EU để thực hiện việc kiểm soát các dòng người nhập cư vào lãnh thổ châu Âu và điều này báo trước nhiều bất ổn sẽ xảy ra về nhiều phương diện, trong đó nổi bật nhất vẫn là vấn đề quyền con người.
Lê Nguyễn tổng hợp