Báo cáo tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2012 của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc có cổ phẩn, vốn góp của nhà nước, vừa được Chính phủ gửi đến Quốc hội là một bức tranh không sáng sủa, trong đó 127 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ – công ty con có tổng số nợ phải trả là 1.348.752 tỉ đồng, tăng 6% so với 2011, chiếm 56% tổng nguồn vốn.
Cả nước có 846 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Có số nợ vay tương đối lớn là Tập đoàn Dầu khí 124.499 tỉ đồng, Tập đoàn Điện lực 103.194 tỉ, Tổng công ty Hàng hải 31.681 tỉ…
Với nợ phải trả, con số luôn được coi là nhạy cảm của khối tập đoàn, tổng công ty, báo cáo cho hay hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2012 là 1,46 lần.
Riêng số này báo cáo không đưa ra so sánh, nhưng theo văn bản trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính vào kỳ họp cuối năm 2012 thì tính đến thời điểm 31-12-2011, tổng số nợ phải trả của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước là 1.292.400 tỉ đồng, tăng 18,9% so với 2010. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2011 là 1,77 lần.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư rất nhiều dự án bất động sản
Tăng nhẹ 2% so với năm trước là nợ vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng.
Các tập đoàn, tổng công ty cũng đang nợ nước ngoài 315.851 tỉ đồng, vay ngắn hạn là 70.659 tỉ, dài hạn là 245.192 tỉ. Trong đó, vay lại vốn ODA của Chính phủ là 54,574 tỉ đồng, vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh là 150.681 tỉ, còn lại các doanh nghiệp tự vay, tự trả.
Trong báo cáo vừa nói, Chính phủ vẫn nêu tình trạng đầu tư ra ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước còn lớn, kém hiệu quả, trong khi hầu hết các “ông lớn” đều đang đầu tư dựa trên vốn vay.
Các con số cụ thể cho thấy giá trị đầu tư vào chứng khoán, vào quỹ đầu tư, bảo hiểm của các công ty mẹ đều giảm, riêng đầu tư vào ngân hàng lại tăng 3% so với năm 2011, với 13.152 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, giá trị đầu tư vào bất động sản của các công ty mẹ không có ngành kinh doanh chính trong lĩnh vực bất động sản là 6.089 tỉ đồng, tăng 1.188 tỉ so với năm trước.
Dù đánh giá là các doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty vẫn có sự tăng trưởng đáng kể, nhưng Chính phủ cũng nhận định hiệu quả sản xuất kinh doanh của khối này chưa tương xứng với quy mô vốn, tài sản của doanh nghiệp, năng suất lao động không cao.
Việc tồn tại tình trạng độc quyền trong một số lĩnh vực làm cho doanh nghiệp nhà nước không chịu sức ép cạnh tranh, dẫn đến sức ì lớn, báo cáo viết.
Chính phủ cũng nêu lại một thực trạng được nhắc đến rất nhiều lần tại nghị trường là năng lực, quản trị ban điều hành của một số tập đoàn, tổng công ty còn yếu kém, làm thất thoát vốn, tài sản, để xảy ra nợ xấu, thua lỗ liên tục nhưng chưa hoặc không được xử lý trách nhiệm rõ ràng, cụ thể.
Gia Minh