Chỉ vài ngày trước khi đi đến một thỏa thuận được dự kiến là mang tính lịch sử giữa Liên minh châu Âu và Ukraina tại Vilnius, chính quyền Ukraina đột ngột thông báo hoãn ký kết và giải thích là để ưu tiên cho vấn đề an ninh quốc gia và quan hệ với Nga.
Người biểu tình đụng độ với cảnh sát chống bạo động ở quảng trường Kiev
Trong những ngày gần đây, việc Ukraina từ chối ký thỏa thuận thường được nhắc đến như một cú sốc trong nội bộ Ủy ban châu Âu. Sau sáu năm làm việc căng thẳng, nỗ lực mở rộng Liên minh châu Âu về phía đông, tại khu vực các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây (không kể ba nước cộng hòa vùng Bantic), hiện mới chỉ nhận được sự ủng hộ của Mondavia và Gruzia. Trước đó, vào tháng 9-2013, Armenia cũng đình hoãn các đàm phán với châu Âu sau bốn năm thương thuyết.
Riêng về quyết định gây chấn động của Ukraina, nguồn tin độc lập cho biết trước đó ít hôm, Tổng thống Ukraina đã có cuộc gặp bí mật với người đồng nhiệm Nga Putin và ngay trước lời tuyên bố chính thức kể trên, hai thủ tướng Nga và Ukraina đã gặp gỡ tại St-Petersbourg.
Kể từ Ukraina độc lập năm 1991, Liên minh châu Âu đã đổ hàng tỉ USD để giúp quốc gia này tái thiết và phát triển. Nhân sự kiện Ukraina từ chối ký thỏa thuận với châu Âu, nhiều tờ báo đã nhấn mạnh đến tính chất đầy bất trắc về chủ trương mở rộng sang phía đông của EU. Một bài viết trên báo Pháp Le Figaro mô tả quyết định của Ukraina đã làm mất mặt châu Âu.
Dù thỏa thuận không được ký kết, Tổng thống Ukraina cũng quyết định tham gia bữa ăn tối với các lãnh đạo châu Âu. Trong tuyên bố cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh tại Vilnius, EU và Ukraina cam kết sẽ ký trong tương lai, nhưng hiện tại chưa xác định rõ là vào thời điểm nào.
Thái độ của lãnh đạo Ukraina cho thấy việc ký kết thỏa thuận thương mại với châu Âu là một cơ hội mặc cả mà Kiev hy vọng thu được nhiều nhân nhượng hơn từ khối 28 nước.
Ngày 2-12, hàng chục vạn người Ukraina đã biểu tình ở thủ đô Kiev bày tỏ tức giận trước việc tổng thống nước này từ chối ký thỏa thuận này.