Trong một thập niên qua, có thể nói việc xếp hạng đại học toàn cầu đã đặt ra một áp lực to lớn lên tất cả các trường. Chính phủ các nước coi các trường đại học đẳng cấp quốc tế (ĐHĐCQT) là biểu tượng cho sự giàu mạnh và niềm tự hào của mình, và nhiều nước đã đặt ra mục tiêu xây dựng những trường đại học có thể sánh ngang với những đỉnh cao Harvard, Cambridge, Oxford, nhất là những nước có nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga và Ả Rập Saudi. Có thể rút ra những bài học hay trải nghiệm gì từ những đề xướng đó sau một thập niên tiến hành?
Kinh nghiệm của các nước này cũng như những thách thức mà họ gặp phải, là một chủ đề quan trọng chiếm bốn trong tám phiên họp của Hội nghị Quốc tế lần thứ năm về ĐHĐCQT tổ chức từ ngày 3 đến 6-11-2013 tại Thượng Hải.
Đầu tư cho các trường hàng đầu nhằm đạt địa vị “ĐHĐCQT”
Đi đầu trong những đề xướng về tăng cường nguồn lực để tạo ra sựưu tú là Trung Quốc với dự án 985 và 211 đã được nói đến khá nhiều. Riêng dự án 211 từ 1996 đến 2000 đã phân phối cho 106 trường với tổng số tiền 2,2 tỉ USD. Hàn Quốc theo sau với dự án Brain Korea 21 (giai đoạn 1 từ 1999-2005 là 1,3 ngàn tỉ won, giai đoạn 2 từ 2006-2012 là 1,8 ngàn tỉ won, cả hai cộng lại tương đương với gần 3 tỉ USD (Geo-Suk Suh, Sang June Park). Đài Loan dành 85% kinh phí cho 12 trường đại học nghiên cứu (ĐHNC) của mình, vào khoảng 330 triệu USD mỗi năm. Các trường giảng dạy và ứng dụng còn lại chia nhau chỉ 15% cái bánh ngân sách nhà nước dành cho GDĐH (Akiyoshi Yonezawa và Angela Yung Chi Hou).
Số tiền đầu tư cho việc tạo ra sựưu tú này đã được sử dụng như thế nào và đạt được kết quả ra sao là một vấn đề lý thú. Kathryn Mohman đã thực hiện một nghiên cứu so sánh cực kỳ thú vị về 21 trường ĐHNC ở Trung Quốc đại lục, Nhật, Australia, Hongkong, các nước châu Á, châu Âu và Hoa Kỳ nhằm trả lời câu hỏi: Những khoản đầu tư của quốc gia về ngân sách nghiên cứu đã tác động đến năng suất/ấn phẩm khoa học của các trường như thế nào; Phải chăng ưu tiên cho thứ hạng đã là động lực khiến các trường nhấn mạnh vào công bố khoa học hơn hẳn những hoạt động học thuật và đào tạo khác? Đầu tư nhiều tiền hơn liệu có tạo ra chất lượng kết quả cao hơn? Liệu các trường ĐH mới nổi ở châu Á có đang bắt kịp các trường lâu đời ở châu Âu và Bắc Mỹ xét về thành tựu nghiên cứu và uy tín? Và cuối cùng là: các bảng xếp hạng ĐH toàn cầu đã ảnh hưởng đến các trường ĐH nghiên cứu như thế nào.
Bảng sau đây cho thấy các trường đã tăng tỷ lệ kinh phí cho nghiên cứu như thế nào:
Ở 18/21 trường, kinh phí dành cho nghiên cứu đã tăng nhanh đáng kể so với kinh phí chung, tuy Hoa Kỳ là một ngoại lệ do sự sụt giảm ngân sách của liên bang. Các trường châu Á có mức tăng nhanh nhất. Một con số cũng rất có ý nghĩa, là nếu kinh phí nghiên cứu tính trên đầu giáo sư và nghiên cứu viên, thì Bắc Mỹ vượt rất xa các trường châu Á. Dẫn đầu là MIT với 210-250 ngàn USD
(2003-2010, quy đổi PPP), trong lúc ĐH Bắc Kinh khoảng 40-120 ngàn USD (2003-2010). Tuy nhiên, công bố khoa học, tính bình quân trên đầu giáo sư và nghiên cứu viên, thì Hongkong và Đài Loan dẫn đầu, trong lúc Bắc Mỹ vẫn vượt xa các trường Trung Quốc. Hình sau đây minh họa điều này:
Điều này cho thấy các trường châu Á đang tiến nhanh, tuy rằng giữa các trường có sự khác biệt rất lớn về năng suất công bố khoa học và chỉ số tác động. Tính trên đơn vị bài báo, trường này tiêu tốn hơn rất nhiều so với trường khác.
Vai trò của nhà nước
Chiến lược quốc gia về việc xây dựng các trường ĐHĐCQT đã là động lực thúc đẩy các trường tái định nghĩa lại hồ sơ năng lực của mình. Để tạo ra các trường mạnh, nhiều nước dùng đến chiến lược sáp nhập, hợp tác và liên kết. Phần Lan, Đan Mạch, Pháp, Australia, Nam Phi và Trung Quốc là những ví dụ thành công. Các trường ĐHĐCQT có xu hướng vươn ra hợp tác toàn cầu. Để hợp tác, liên kết, và nhất là sáp nhập, các trường phải xác định lại sứ mạng của mình. Có một điều chắc chắn là một vài trường ưu tú sẽ không thể nào đủ để phục vụ cho các nhu cầu đa dạng của quốc gia (Marijk van der Wende), bởi vậy vai trò của nhà nước trong việc tạo ra các ĐHĐCQT đối với các nước đang có tham vọng ấy là rất to lớn.