Mặc dù mục đích, lý do và tầm quan trọng của một hệ thống GDĐH đa dạng được công nhận rộng rãi, các nước châu Âu thường không chọn cách tiếp cận từ trên xuống. Họ đưa ra chính sách và các trường lựa chọn con đường và sứ mạng của mình dựa trên đặc điểm mạnh yếu của họ. Bản thân việc ủy thác vai trò và cương vị khác nhau cho từng trường là một việc khó khăn, và thách thức đặc biệt đối với nhà nước là làm cách nào để giữ được sự quân bình của hệ thống và tránh tình trạng trường nào cũng chạy đua để trở thành trường ĐHNC tạo ra hiện tượng lạc hướng về sứ mạng. Rất nhiều người lo rằng thành tích của các trường ĐHNC ĐCQT ở một số nước sẽ phải trả bằng cái giá đè lên vai tất cả các trường còn lại. Thách thức đối với những người làm chính sách là giữ được tương quan hợp lý giữa việc đầu tư cho một số đỉnh cao đồng thời duy trì được nguồn lực để phát triển hệ thống theo chiều rộng nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của quốc gia.
Hongkong cho chúng ta một bài học khác về vai trò lãnh đạo của nhà nước. Chính phủ lãnh đạo các trường thông qua những ưu tiên chính sách do Ủy ban Tài trợ Đại học và Hội đồng Tài trợ Nghiên cứu đề xuất. Đây là những cơ quan đệm, làm trung gian giữa các trường và nhà nước, một mặt bảo vệ tự do học thuật và quyền tự chủ của các trường, mặt khác đảm bảo tiền thuế của dân cấp cho các trường phải được sử dụng đúng đắn. Vai trò của các hội đồng này là tư vấn cho cả các trường lẫn nhà nước nhằm thúc đẩy chất lượng và hội nhập. Do vậy Hongkong không dành ưu tiên ngân sách cho một vài trường theo lối đầu tư trọng điểm, mà các quỹ nghiên cứu được phân phối trên nguyên tắc cạnh tranh. Thông qua việc đánh giá các dự án và cấp kinh phí nghiên cứu, các hội đồng này nhấn mạnh việc xây dựng năng lực đội ngũ và các điểm nhấn tạo ra lợi thế của Hongkong (Gerald A. Postiglione).
Trải nghiệm của các trường
Năm 2013, Hàn Quốc phát động một dự án có tên gọi Brain Korea 21 PLUS, nhằm xây dựng các trường ĐHĐCQT, dự kiến thực hiện từ năm 2013 đến 2019. Chiến lược của Hàn Quốc là chọn lựa một số trường, tập trung vào đào tạo sau ĐH. Bốn lĩnh vực chính là (1) Khoa học cơ bản và kỹ thuật; (2) Khoa học kỹ thuật ứng dụng; (3) Khoa học xã hội và nhân văn; (4) Các chuyên ngành dịch vụ như quản trị kinh doanh, y khoa và nha khoa. Để thực hiện chiến lược này, các trường Hàn Quốc tập trung mời các nhà khoa học danh tiếng, những người được giải Nobel đến làm việc với trường nhằm tạo điều kiện cho thế hệ nghiên cứu trẻ tiếp xúc với đỉnh cao của khoa học trong những lĩnh vực khoa học trọng yếu của quốc gia. Trọng tâm của dự án này là thúc đẩy tính chất quốc tế hóa của nhà trường, toàn cầu hóa lực lượng giáo sư nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu của đội ngũ và sức cạnh tranh của nhà trường. Dự án cũng hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu sinh sau ĐH, kể cả nghiên cứu sinh nước ngoài.
Ả Rập Saudi có một cách tiếp cận khác, nhấn mạnh vào vai trò của các nhà tư vấn quốc tế. Hệ thống giáo dục nước này xếp thứ 28/50 trong bảng xếp hạng của nhóm U21. Nhà nước khuyến khích mạnh mẽ Trường Đại học Vương quốc Ả Rập (KAU) trở thành trường ĐHĐCQT bằng cách hào phóng cung cấp mọi nguồn tài chính mà nhà trường cần đến.
Bắt đầu đặt ra vấn đề cần có một hay hai trường ĐHĐCQT từ năm 2008, Rumani khởi động một dự án nhằm giúp một số trường cạnh tranh giành địa vị ĐHĐCQT vào năm 2011. Tuy nhiên, thiếu sự hỗ trợ mạnh mẽ của Bộ Giáo dục, thiếu một bộ khung pháp lý cần thiết, trở thành ĐHĐCQT dường như là nhiệm vụ bất khả đối với các trường ĐH Rumani.
Những nỗ lực lớn lao mà các trường và các nước đã bỏ ra trong thập niên qua nhằm xây dựng những trường ĐHĐCQT, bất kể kết quả đạt được ở mức độ nào, cũng đều mang lại cho chúng ta những bài học quý giá. Cuộc tranh đua này khiến người ta ý thức mạnh mẽ hơn bao giờ hết giá trị của tri thức cũng như tình trạng tương thuộc và cạnh tranh toàn cầu. Tuy vậy, giới nghiên cứu cũng nhận ra rằng, thứ hạng trên bảng xếp hạng toàn cầu không nên được xem là một mục đích tự thân, vì nó sẽ làm lệch hướng mục tiêu thực sự của một trường ĐHNC, là phục vụ cho những mục tiêu thiết thực cho xã hội và có ý nghĩa ích quốc lợi dân, tức là mang lại những tiến bộ trong khoa học, kỹ thuật, kinh tế và xã hội và làm thay đổi cuộc sống người dân.