Vào dịp cuối đông, chuyến ngao du Phá Tam Giang – vùng đất cận kề Huế, nơi nổi danh qua câu ca vời vợi: Nhớ em anh cũng muốn vô; Sợ Truông nhà Hồ, sợ Phá Tam Giang đã gây cho chúng tôi bao xúc cảm khi một lần lạc bước đến.
Nơi gặp gỡ của ba dòng sông
Cuối năm, dải đất lặng lẽ này đang phải hứng chịu những cơn gió mang theo khối khí lạnh từ phương bắc vào hòa cùng hơi nước từ biển bốc lên. Sự hòa trộn đó đã tạo cho Huế một cái rét “ê xương buốt tủy”. Cẩn thận ủ mình bằng áo khoác, khăn quàng cổ kín mít nhưng làn hơi lạnh buốt vẫn thản nhiên chui vào các khe cửa kính ve vỡn trêu đùa làm mặt mũi người nào cũng tái xám. Trên cánh đồng buổi sáng mù mịt làn hơi sương, các chú trâu đen trũi vẫn ngoan ngoãn song hành cùng bác nông dân ra đồng làm việc tảo tần. Ngược chiều xe chạy, vài phụ nữ với dáng điệu tất tả chạy Honda chở đầy những thùng cá nặng trĩu hướng về thành phố. Đó là lúc các loại hải sản tươi ngon nhất của Phá Tam Giang đang được đem ra chợ Đông Ba bán để ngư dân kiếm tiền đắp đổi qua ngày.
Hoàng hôn
Dọc dài trên đường, quang cảnh làng quê thanh bình hiện ra đẹp như tranh. Thấp thoáng các ngôi nhà be bé với mái ngói liệt phủ rêu nâu xám mốc nép mình dưới các hàng cau, mít, xoài, dừa… đan xen cùng dàn bầu, bí, mướp, rau mướt xanh dành làm thực phẩm. Rải rác các mồ mả, miếu đình bên đường với kiến trúc mang hình dáng đình, chùa, hoa sen, tháp khá đẹp và đa dạng. Phá Tam Giang được tạo thành từ hợp lưu của ba con sông bao gồm sông Bồ, sông Ô Lâu và sông Hương. Mang cấu hình tự nhiên là vùng trũng nên đây cũng là nút giao thoa giữa sông và biển. Từ đó đã hình thành một ngư trường có hai làn nước mặn ngọt dung hòa vô cùng đặc biệt, vì thế thủy hải sản trên Phá Tam Giang có vị ngon ngọt hơn những vùng biển khác.
Xe dừng ở xã Quảng Ngạn, cả nhóm lục tục xuống xe lội bộ vào thôn. Trên con đường đất nhỏ, bên những mái hiên cùng khoảnh sân vườn nho nhỏ, các em bé hồn nhiên chơi đùa nghịch cát tròn mắt đứng nhìn đoàn khách phương xa, nồng nàn trong không gian, mùi thơm từ bát chè đặc do vài ngư dân già thư thả uống cùng nhau để làm ấm cơ thể. Lập cập dưới bến, một bà cụ ôm mớ lưới cùng một thau đựng cá ngược lên tò mò săm soi đoàn khách lạ. Tranh thủ làm quen, chúng tôi mua trọn mớ cá nhỏ đang nhảy tanh tách.
Trên sông
Thuyền đánh cá
Bữa cơm trưa hôm ấy, cả nhóm được thưởng thức món cá kình nấu măng chua, cá dìa nướng muối ớt đi kèm bánh tráng nướng, cá nâu chiên tươi, cá hồng kho tộ và đĩa đọt dựng xào tỏi thơm lựng. Xa xưa, bộ phận Lý Thiện, Thượng Thiện của triều đình Huế đã chọn cá ở Phá Tam Giang làm món ăn tiến cung mỗi ngày. Hiện nay, với ý thức phải bảo tồn những loài cá quý hiếm, Bộ Nông nghiệp đã cử nhiều chuyên viên nghiên cứu, lập nhiều dự án mời ngư dân tham gia việc nuôi cá theo phương cách tự nhiên. Qua đó, việc bảo vệ, chống tận diệt các giống cá quý cũng được theo dõi cẩn trọng.
Gió bấc vẫn lồng lộng, cả nhóm thả bộ và ghé vào một nhà chòi mà ngư dân cất lên để canh cá. Giữa trời nước mênh mông, vài chiếc thuyền câu lờ lững trôi xa xa làm phong cảnh nơi đây càng thêm ngoạn mục. Bên bếp than hồng nổ tí tách, chúng tôi nướng khô mực, cá khô, bắp khoai và đón trăng rằm giữa mùa đông lạnh buốt. Trên mặt nước yên tĩnh, khung cảnh Phá trong buổi hoàng hôn chuyển tím sẫm phơn phớt ánh vàng làm tất cả như bị hút hồn mê mải. Không thể ngờ rằng giữa một đêm giá rét, trăng nước cùng cảnh vật thanh bình trên Phá Tam Giang lại quyến rũ nhiều như vậy..
Cảnh sông núi
Sớm hôm sau, bầu trời dần ửng hồng, thả mình trên ghe, cả nhóm say sưa tác nghiệp chụp ảnh nét sinh hoạt của các cư dân vạn đò đang gửi cuộc đời mình trên Phá. Kế tiếp, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình ghé thăm làng nghề đan thúng mủng tại thôn Thủy Lập mà nghe đâu đã có bề dày lịch sử gần 600 năm tuổi.
Bình yên làng nghề xưa
Để đến được Thủy Lập – làng đan lát thúng mủng nổi tiếng này, cả nhóm phải lóc cóc đạp xe trên những con đường quanh co trồng khoai mì, đậu phộng mênh mông xanh mướt. Tuy vậy, chúng tôi bị lúng túng vì khi hỏi đường, các cư dân hầu như không biết Thủy Lập ở đâu. Họ cho biết làng Bao La Ngoài là địa danh duy nhất của xã Quảng Lợi mới có nghề đan lát mây tre truyền thống. Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi đến làng và tức cười khi nhận ra đây chính là thôn Thủy Lập.
Qua tìm hiểu, cư dân của Thủy Lập thôn này đều có gốc từ làng Bao La – địa danh được tôn vinh là cái nôi của nghề đan lát. Cách đây gần 200 năm, một số cư dân đã dời ra sinh sống bên ven bờ Phá Tam Giang để hành thêm nghề đánh bắt hải sản. Dù vậy, nếp xưa của nghề vẫn được người dân chú trọng, giữ gìn cẩn trọng vì đây là nghề Tổ và cũng là nguồn thu nhập thêm khá quan trọng cho mỗi gia đình. Thăm thôn, tôi thấy từ người già cho đến em bé đều yên lặng chăm chú đan lát bên hiên nhà. Dường như sự xuất hiện nghiêng ngó của các vị khách phương xa chẳng buồn làm họ quan tâm, chú ý.
Chợ cá
Các cụ già trong làng nghề
Điều ấn tượng mà Thủy Lập thôn đã hút mắt tôi có lẽ là khung cảnh thanh bình xinh đẹp như tranh. Ngao du nơi đây, tôi bị mê hoặc khi bon bon đạp xe trên con đường rợp bóng tre lấm tấm đầy hoa nắng, thấp thoáng trong hàng cây xanh, những mái nhà xám mốc nho nhỏ nghèo nàn nép mình bên bờ cau, vạt ruộng mướt non sao như thân quen chi lạ… Ở Thủy Lập có sáu xóm hành nghề đan lát với đặc trưng rất riêng như: xóm Chùa đan rá, xóm Đình đan mủng, trẹt, xóm Hóp đan rổ, xóm Đông và xóm Cầu đan nia, xóm Chợ đan sàng, giần. Ngày nay, mọi sản phẩm của Thủy Lập hầu hết đều có mặt mọi miền trên quê Việt và cả tại vài quốc gia trên thế giới.
Nghệ nhân cao tuổi nhất ở làng là một cụ già có gần 90 năm tuổi nghề (cụ biết đan từ năm 6 tuổi). Dù không còn tự đi lại được nhưng ông cụ làm việc vẫn thật nhanh và chính xác, bàn tay ông thoăn thoắt lấy một đoạn tre lồ ô rồi lấy đoạn giữa chẻ nan vót láng đan mên, riêng đọt ngọn tre, ông bảo phần này cần phải chẻ nhỏ, mảnh để đan thành miệng thúng. Đan thúng, khâu quan trọng nhất là phải biết lận vành thúng thật khéo, mà điều này chỉ có tay nghề cao mới làm được. Vì làm nức vành thúng phải nức lật đôi, tùy theo bán kính của thúng to, nhỏ mà thợ làm nức dày từ 90-120 hoặc 130 nức. Khi thúng đã làm xong, người thợ còn phải đốt lửa rơm hui cháy xơ tre, điều này sẽ làm thúng bén lửa ngả màu vàng ruộm khói nên không bị mối mọt xâm hại. Cụ bảo thợ làm giỏi mỗi ngày cũng chỉ làm được một cái thôi vì các công đoạn như tra tre, vót, chẻ, lận, nức vành rất tốn công và tỉ mỉ. Riêng về giá cả, mỗi chiếc thúng có giá từ 12 đến15 ngàn đồng. Giá nhân công của làng nghề quá rẻ. Sở dĩ người dân có thể sống được là vì hầu như mọi thứ đều tự cung tự cấp và tôm, cá ở đây cũng rẻ vô cùng.
Nhà dân
Sản phẩm của Thủy Lập thôn
Mua một chiếc thúng của vị nghệ nhân làm kỷ niệm, trong tay tôi, chiếc thúng bị xem là móp méo mà cụ già đã ngần ngừ không dám bán bỗng trở thành một vật kỷ vật đáng giá.
Dương Quốc Trạng