Theo một kết quả nghiên cứu của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), hằng đêm có gần 1 tỉ người bụng đói lên giường ngủ. Ngay cả khi sản lượng lương thực gia tăng ít nhất 70% để đủ nuôi 9 tỉ người vào năm 2050, thế giới vẫn lãng phí hơn một phần ba lượng thực phẩm đã sản xuất được. Sự lãng phí trên tác động đến đời sống mọi người, bất luận họ sinh sống ở đâu và chi phối toàn bộ quá trình cung ứng thực phẩm, từ nguồn sản xuất đến bàn ăn của mỗi nhà. FAO ước tính tại các nước đang phát triển, sự lãng phí thực phẩm ngay sau quá trình sản xuất ở mức từ 6 – 11kg/người vào năm 2010. Ở các nước phát triển, sự lãng phí diễn ra trong quá trình phân phối và tiêu thụ tại các gia đình (95 – 115kg/người/năm). Sự khác biệt ở chỗ trong khi người phương Tây nói đến sự lãng phí, thì ở các nước đang phát triển là sự thất thoát thực phẩm do khâu bảo quản.
Tổ chức LMM được thành lập năm 2000, trở thành hệ thống vận hành chuyên nghiệp đầu tiên giúp tái chế tất cả những thực phẩm không bán được của các nhà phân phối lớn nhằm thu hẹp lại khoảng cách giữa cung và cầu. Họ không trực tiếp xử lý thực phẩm không bán được, mà cung cấp dịch vụ để ngăn ngừa và giảm thiểu sự lãng phí. Còn theo tổ chức phi chính phủ OXFAM (Ý), có năm cách để làm giảm nhẹ vấn đề: giảm sử dụng thịt và sản phẩm từ sữa, giảm lãng phí thực phẩm, lưu ý đến lượng nước và điện trong sử dụng nấu ăn, ăn sản phẩm theo mùa vụ, và hỗ trợ các nhà nông nhỏ thay vì các tập đoàn nông nghiệp. Ước có khoảng 800 triệu người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp trên thế giới đang sống dưới mức nghèo khổ và gần phân nửa số cư dân đang thiếu ăn trên hành tinh là những nhà nông nhỏ. Sự hỗ trợ nhà nông nhỏ là một quá trình dài hướng đến việc làm giảm nhẹ tình trạng không an toàn thực phẩm và gia tăng thu nhập ở những nơi cần nhất. Một đầu bếp người Peru, bà Elsa Javier, có sáng kiến làm giảm sự lãng phí thực phẩm, trong đó có việc kết hợp thức ăn Địa Trung Hải của người Ý với tính đa dạng sinh học của vùng núi Andes. Theo bà, việc kết hợp hạt quinoa của vùng núi Andes với xúp rau kiểu Ý là một kết hợp hoàn hảo. Tại nhiều quốc gia phát triển, thức ăn của các dân tộc bị người dân địa phương đánh giá thấp, vì vậy để hợp nhất nền văn hóa ẩm thực, cần chấm dứt kiểu lãng phí đó. Một số nhà hoạt động khác thì muốn dựa vào công nghệ để chống lại tình trạng lãng phí thực phẩm. Nhóm nghiên cứu ICT4G (ICT for Good) của Ý đã sử dụng công nghệ để kết hợp sự phát triển kinh tế và xã hội. Họ sáng chế một loại điện thoại thông minh sử dụng công nghệ “Bring the Food” (tạm dịch: Mang thực phẩm đến) để tạo điều kiện dễ dàng cho việc biếu tặng, giao nhận thực phẩm, làm giảm thiểu lượng thực phẩm bị lãng phí.
Lê Nguyễn tổng hợp