Theo những số liệu do Bộ Y tế Ấn Độ chính thức công bố, trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến 2012, đã có 2.644 người tử vong trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng tiến hành với 475 loại dược phẩm mới. Từ nhiều năm qua, Ấn Độ đã trở thành một trung tâm của các cuộc thử nghiệm lâm sàng dược phẩm, phần lớn do các hãng dược nước ngoài tiến hành. Các tài liệu của chính phủ New Dehli cho thấy có đến 11.972 “trường hợp nghiêm trọng” (ngoài số tử vong) xảy ra từ ngày 1-1-2005 đến 30-6-2012, trong đó có 506 trường hợp xuất phát từ các cuộc thử nghiệm lâm sàng. Nhiều hãng dược và kẻ trung gian, kể cả một số bác sĩ, đã lợi dụng sự nghèo đói, tình trạng mù chữ và thiếu cảnh giác của người dân để đồng lõa với nhau từ chối việc bồi thường thiệt hại cho những người đã tham gia vào các cuộc thử nghiệm dược phẩm. Nhà báo kiêm nhà nghiên cứu Sandhya Srinivasan đã đưa ra nhận định là một số thuốc trị bệnh có giá quá đắt so với khả năng mua sắm của người dân bình thường ở Ấn Độ, vậy mà chúng lại được thử nghiệm lâm sàng tại nước này. Theo ông, đó là sự bóc lột đối với những người tham gia vào các cuộc thử nghiệm. Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Ấn Độ cũng vạch trần một số cuộc thử nghiệm thuốc điều trị bệnh ung thư vú tiến hành một cách bất hợp pháp vào năm 2006 với nhiều phụ nữ Ấn Độ. Không ai biết kết quả những cuộc thử nghiệm đó như thế nào để có thể bảo vệ quyền lợi những người tham gia thử nghiệm. Để chấn chỉnh dần tình trạng trên, hiện Tòa án Tối cao Ấn Độ đã kéo dài lệnh cấm thử nghiệm 162 loại thuốc mới đến ngày 16-12-2013, đồng thời yêu cầu chính phủ New Dehli đảm bảo một cơ chế có thể đưa ra những quy định rõ ràng về vấn đề thử nghiệm thuốc trị bệnh.
Trước sự quan tâm và phản ứng của các nhà hoạt động y tế, Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ cũng đã thành lập một ủy ban gồm sáu chuyên viên thuộc Tổ chức Kiểm soát Tiêu chuẩn Dược phẩm Trung ương (CIDSCO) và vấn đề đầu tiên mà ủy ban này đặt ra là các cuộc thử nghiệm dược phẩm phải được tiến hành bởi những trung tâm có uy tín.
Lê Cẩn theo IPS, Telegraph…