Đúng một sáng Hà Nội vừa trở rét sau chuỗi ngày nắng ấm, tôi mới vượt qua cái rét cắt da cắt thịt, qua cây cầu cũ Long Biên, để đến với “Phù Thế”, triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức.
Đã vài ngày kể từ khi triển lãm khai mạc, nhưng có lẽ, cái khoảng “tĩnh” hậu khánh tiết, rời xa những xô bồ huyên náo, chung vui thù tạc, mới là lý tưởng để nhận chìm vào không gian của nghệ thuật.
Tác phẩm quan trọng nhất
Bước qua cánh cổng mô phỏng cổng làng Bắc bộ, thế giới Phù Thế hiện ra. Đây không phải là một triển lãm tranh thuần túy, mà giống với một triển lãm đương đại, sắp đặt không gian và trình diễn, mang tính chất thể nghiệm và đa phương tiện nhiều hơn, dựa trên hồn cốt là một không gian văn hóa truyền thống thuần Việt.
Chiếm đa số là những tác phẩm digital art được họa sĩ vẽ trên điện thoại thông minh và cụ thể hóa thông qua các chất liệu sơn mài, sơn khắc, chất liệu tổng hợp. Đâu đó nữa là những sắp đặt vật liệu có sẵn (found objects) và âm thanh thú vị, chẳng hạn như bộ bàn ghế uống nước, với mỗi chiếc ghế khi có người ngồi vào sẽ phát ra bè đệm của một nhạc cụ, và khi chỗ ngồi được lấp đủ, thì bản nhạc hoàn chỉnh dựa trên tổng phổ sẽ ngân lên. Mọi cấu kiện được sắp đặt có chiến lược như một phim chuyển thể hội chợ phù hoa.
Đức “nhà sàn,” đạo diễn và đồng thời là diễn viên chính của triển lãm, đang ngồi nhâm nhi thuốc nước trong một kết cấu mô phỏng nhà thôn quê Bắc bộ nằm ở trung tâm không gian trưng bày (ai đó dí dỏm có thể liên hệ ngay vóc dáng ngồi lom khom này, với hình ảnh nhân vật Lão Hạc trong Làng Vũ Đại ngày ấy do chính thân sinh ông, nhà văn Kim Lân, hóa thân), hóa ra, mới là tác phẩm quan trọng nhất.
Vì sao? Bất cứ ai đến triển lãm hẳn sẽ đều được nghe ông nói: “Hãy đến với tôi bằng con số 0 và trở ra bằng con số 0…” Họa sĩ, một mặt, muốn người xem hãy rũ bỏ mọi thiên kiến ấn định khi bước vào, mặt khác, không muốn tự tay khép kín chân trời tiếp nhận của công chúng bằng những diễn giải tự bạch dông dài. Bởi vậy, người viết cũng không muốn viết về cái đẹp, hay, độc đáo của triển lãm Phù Thế, hay viết về một Nguyễn Mạnh Đức trong đại gia đình giàu truyền thống, hoặc một Đức “nhà sàn,” Đức “đồ cổ,” trong quang cảnh xã hội nghệ thuật Hà Nội.
Tôi muốn viết về họa sĩ, từ những luận đề nghệ thuật phát ra từ chia sẻ cá nhân giàu chiêm nghiệm của ông, và mặc nhiên, coi Nguyễn Mạnh Đức như một “piece of art” (tác phẩm nghệ thuật) trong đại chỉnh thể Phù Thế vậy.
Tính bất ổn của truyền thống và đương đại
Nhắc đến truyền thống và đương đại, chúng ta thường dễ bắt gặp những định ngữ quen thuộc như “bảo tồn,” “phát huy,” “tích hợp,” “kết hợp,” “đối thoại”… Nhưng tự nhan đề Phù Thế đã cho thấy một vấn đề mới, tính bất ổn của truyền thống và đương đại.
Câu chuyện về khái niệm nghệ thuật đương đại trên thế giới vẫn là muôn thuở. Người thì cho rằng nghệ thuật đương đại bao gồm mọi nghệ thuật sản sinh sau Thế chiến thứ II, một số nhà thì cho là phía sau thập niên 1970 và kết thúc của chặng nghệ thuật hiện đại. Còn số khác thì nhìn nhận đương đại là toàn bộ tác phẩm nghệ thuật được tạo ra trong khoảng thời gian tuổi thọ trung bình của một người. Như vậy, là khoảng 70 năm về trước tính từ mốc thời điểm hiện tại.
Chỉ căn cứ trên phân kỳ lịch đại thôi đã thấy đương đại là vô cùng.
Riêng thuật ngữ đương đại ở ta ngày nay đã trở thành một tấm huy chương (có mặt trái) mỹ miều được gắn vụng, gắn tùy tiện. Một nghệ sĩ đang hoạt động có quan niệm sáng tác vẫn thuộc về hệ tư duy tiền-hiện đại, nếu được phong là nghệ sĩ “đương đại,” đương nhiên là một chiếc áo quá rộng và kệch cỡm. Đương đại nếu chỉ hiểu là hiện thời, hay những sáng tác ở hiện tại, thì mới là một nửa. Còn với Nguyễn Mạnh Đức, đương đại phải mang tính cách mạng. Quả nhiên, khái niệm đương đại chỉ đầy đủ và toàn diện khi bao hàm thuộc tính tinh thần và tư tưởng của nó.
Phù Thế cho thấy một sự dịch chuyển đáng kể của thẩm mỹ thị hiếu. Theo như quan sát tinh tế của họa sĩ, đa phần những người xem thế hệ trước sẽ chủ yếu tập trung vào thưởng lãm tranh, sản phẩm của nghệ thuật giá vẽ truyền thống. Trong khi ở đối tượng công chúng trẻ tuổi hơn, thì thiên về tương tác với không gian tổng thể của triển lãm, phản ánh đặc trưng tham dự và đồng sáng tạo của nghệ thuật đương đại.
Câu hỏi “truyền thống hay đương đại?”, do đó, chông chênh trong diễn giải cá nhân từng khán giả, và đây là dụng ý mong muốn của Nguyễn Mạnh Đức. Họa sĩ không kỳ vọng sự đón nhận toàn bích, mà điều quan trọng hơn cả, ông muốn mỗi người đến thưởng lãm sẽ có một trải nghiệm đa giác quan, có suy nghiệm riêng và nhiều cách hiểu về các tác phẩm của ông. Bởi vậy, hiệu quả nghệ thuật, thay vì nằm ở nội tại tác phẩm, hiện hữu ở con người tiếp nhận.
Cá nhân – tộc loại – nhân loại
Nhiều người đã cắt nghĩa “nhầm” Nguyễn Mạnh Đức, khi ông trăn trở về hiện trạng đa phần nghệ sĩ trẻ ngày nay chỉ tập trung vào thể hiện cái cá nhân của mình thông qua tác phẩm, rồi suy luận rằng người nghệ sĩ nếu muốn tiến lên cái mới, giá trị phổ quát, thì cần phải loại bỏ, triệt tiêu bản ngã của mình (?). Chẳng lẽ, ông lại muốn trừ tiệt nguyên tố cơ bản của sáng tạo nghệ thuật? Trong khi, vốn dĩ nhờ cái tôi sáng tạo, người nghệ sĩ mới trở nên khác biệt với thợ thủ công thuần túy rập khuôn và chế tác hàng loạt. Chính cá tính làm nên căn cước nghệ thuật giúp nghệ sĩ minh định cái riêng-mình, thay vì thấy muôn-mình khắp quanh.
Điều Đức “nhà sàn” muốn truyền đạt với các nghệ sĩ trẻ, những người ông quý mến, đến từ chính trải nghiệm của bản thân. Không phải là giảm thiểu cá nhân, mà là vượt thoát cá nhân, để cá nhân làm bệ phóng vươn tới những giá trị nghệ thuật mang tầm tộc loại, và cao hơn, nhân loại. Không phải từ bỏ cá tính, mà là khát khao đem cá tính để thực hiện những khao khát lớn hơn. Để bơi ra biển lớn.
Cá nhân và tộc loại là hai cực đối lập ngoạn mục, bởi chúng bổ trợ lẫn nhau. Sáng tạo không thể nào thiếu khuyết cái cá nhân, nhằm trả lời câu hỏi nghệ sĩ anh là ai và anh khác biệt ở điểm nào? Còn tộc loại, tức truyền thống Việt, mạnh mẽ và nằm ngoài thời gian, trả lời cho câu hỏi nghệ sĩ Việt là ai và khác biệt với thế giới ở điểm nào? Một nghệ sĩ Việt bằng cá nhân và tộc loại đồng thời trả lời hai câu hỏi trên.
Tôi hiểu, băn khoăn của họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức là dành cho những giá trị truyền thống Việt. Trước ảnh hưởng của các làn sóng nghệ thuật Tây phương, việc bảo lưu và tích hợp nghệ thuật truyền thống Việt đã khó. Và nỗi buồn tiềm tàng lớn hơn nếu giới quốc tế vẫn chỉ quan tâm nghệ thuật Việt như là sự lấp đầy ô trống tri thức, hay thỏa mãn tò mò chuộng lạ (exoticism).
Bằng cái tâm của người đi trước, ông muốn nghệ sĩ Việt hãy nghĩ lớn và nâng tầm nghệ thuật Việt. Chỉ khi đó, nghệ thuật Việt mới đạt đến, hay đúng hơn, tìm ra điểm chung đồng dạng với những giá trị phổ quát, chủ đề vĩnh cửu của nhân loại, và từ đó, trở thành nhân loại.
Osho, trong Đi tìm điều huyền bí, đã dẫn lời của nhà thơ thần bí Ấn Độ thế kỷ XV Kabir: “Giọt nước đã gộp vào trong đại dương; làm sao có thể tìm lại nó được?” Nhưng thực chất, đấy không phải là trường hợp của giọt nước đi vào biển cả, mà bản thân biển cả đã đi vào giọt nước. Lộ trình của cá nhân, tộc loại, và nhân loại, cũng có thể được khái quát như vậy.
Ở trường hợp Nguyễn Mạnh Đức, với Phù Thế, là cuộc hành hương trở về với cái tôi, sáng tác cho riêng mình sau thời gian cống hiến xã hội. Và dự án kế tiếp, mà có lẽ phải chờ họa sĩ chính thức công bố, hứa hẹn sẽ tìm về với cái cá nhân riêng tư hơn, triệt để hơn.
Nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức sinh năm 1953.
Tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật Việt Nam năm 1981 và trải qua chiến trường những năm 1970-1975.
Là họa sĩ thiết kế bối cảnh cho nhiều bộ phim cổ trang như: Long Thành cầm giả ca, Đinh Tiên Hoàng, Phật hoàng Trần Nhân Tông, Lều chõng…
Cùng với Trần Lương sáng lập Nhà Sàn Studio vào năm 1998, nơi trở thành không gian nghệ thuật đương đại – thể nghiệm phi lợi nhuận, nuôi dưỡng và chắp cánh nhiều thế hệ nghệ sĩ đương đại Việt.
Triển lãm Phù Thế diễn ra tại tầng 2 – Trung tâm Thương mại Mipec Long Biên, số 2 Long Biên, Hà Nội, từ 26.11 đến 25.12. Ngoài phần trưng bày, triển lãm còn song song tổ chức các chương trình đêm hát Quan họ, chèo, chầu văn, tuồng…