Bức điện tín “yêu cầu Hoàng đế thoái vị” được thảo ra tại cuộc họp do Tổng hội Sinh viên Việt Nam tổ chức có thể đóng một vai trò khá ý nghĩa trong cuộc bàn giao quyền lực từ chế độ quân chủ nghìn năm sang dân chủ cộng hòa. Đây là một hành động đáng ghi nhận mà các văn bản lịch sử đã có phần lãng quên.
Thành lập ngày 11-12-1935, Tổng hội Sinh viên Đại học Đông Dương (Association Générale des Etudiantes de l’Université Indochinoise – AGEI) mang mục đích tạo ra hội đoàn cho sinh viên nằm trong ngôi trường đại học duy nhất của thuộc địa Đông Dương. Bên cạnh việc khuyến khích tổ chức các hội thảo nghiên cứu, thi đấu thể thao, lễ hội thì Tổng hội cũng hạn chế bất cứ thảo luận hay biểu thị nào có tính chính trị hoặc tôn giáo.
Tuy nhiên, ngay đầu thập niên 1940, Tổng hội đã trở thành cái nôi chứa đựng các phong trào văn hóa chính trị của sinh viên như các hoạt động đạp xe về nguồn, viết những bài hát “thanh niên – lịch sử” mang chủ đề kêu gọi lòng yêu nước, vọng tưởng các anh hùng dân tộc, các hội trại về một số vùng quê để chữa bệnh, tuyên truyền lối sống vệ sinh và các ý niệm tiên tiến.
Một số lãnh đạo sinh viên đã có liên hệ với Việt Minh từ sớm như Dương Đức Hiền, cựu sinh viên Luật, Chủ tịch Tổng hội hai nhiệm kỳ liên tiếp 1942-1943 và 1943-1944. Các sinh viên hưởng ứng đường lối của ông nổi bật là nhóm Hoàng Mai Lưu (Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước) và các sinh viên miền Nam trong Ban Âm nhạc của Tổng hội. Một số khác có xu hướng theo các đảng phái dân tộc chủ nghĩa như Phan Thanh Hòa, Nguyễn Tôn Hoàn, Nguyễn Tường Bách, Bùi Diễm.
Thời gian 1944-1945 đã diễn ra những biến động lớn trong Tổng hội Sinh viên. Lúc này Chiến tranh thế giới đã ngã ngũ ở châu Âu nhưng vẫn căng thẳng ở Viễn Đông. Quân Nhật vẫn chiếm giữ Đông Dương và thi hành các chính sách khai thác khắc nghiệt, trưng thu thóc lúa phục vụ chiến tranh, lấy đất nông nghiệp trồng đay cho mục đích quân sự. Cộng thêm tình hình thiên tai lũ lụt trên diện rộng ở Bắc bộ, nạn đói bắt đầu xảy ra. Không khí ngôi trường đại học duy nhất của Đông Dương cũng xáo trộn, bị ảnh hưởng trong cảnh các trận ném bom làm gián đoạn thời khóa biểu cũng như mối bận tâm cách mạng của các sinh viên.
Đầu năm 1944, các sinh viên miền Nam đã phát động phong trào “xếp bút nghiên” và “mau về Nam”, như tên hai bài hát do Lưu Hữu Phước sáng tác. Tại Hà Nội, các sinh viên còn lại đã trải qua các sự kiện Nhật đảo chính Pháp cũng như nạn đói kinh hoàng trên đường phố khi nông dân kéo nhau lên thành phố kiếm cái ăn.
Trong nội bộ Tổng hội đã có nhiều xu hướng chính trị khác nhau nhằm tìm kiếm phương thức giành chính quyền. Tuy nhiên mục tiêu cuối cùng vẫn là tiến tới một nền độc lập thực sự, thay vì một “Việt Nam đế quốc” nằm trong khối thịnh vượng chung Đại Đông Á (Đại Đông Á cộng vinh quyền) phụ thuộc hoàn toàn vào quân phiệt Nhật.
Giữa tháng 8-1945, ngay sau khi Quốc dân Đại hội bầu ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng tại Tân Trào, tình hình biến đổi mau lẹ. Hai ngày sau khi Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh, Việt Minh thành Hoàng Diệu (tên gọi của Hà Nội theo quy ước) đã tiến hành chiếm diễn đàn cuộc mít tinh của Tổng hội Công chức ngày 17-8-1945 tại Nhà hát Lớn và sau đó giành được chính quyền tại phủ Khâm sai Bắc bộ ngày 19.8. Cuộc tổng khởi nghĩa về mặt vũ trang đã có bước khởi đầu thuận lợi. Song về mặt nghi thức chính quyền, vương triều nhà Nguyễn và chính phủ Trần Trọng Kim tại Huế vẫn còn tại vị.
Theo những dữ liệu được khảo sát, Tổng hội Sinh viên sau ngày tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, đã có góp phần tác động nhất định đến thời sự chính trường. Bùi Diễm thuật lại: “Ngày 21-8, tại Hà Nội, từng loạt cuộc họp do Việt Minh cầm đầu đưa ra những giải pháp đòi hỏi Bảo Đại phải thoái vị. Lời đòi hỏi quan trọng nhất đến từ Tổng hội Sinh viên lúc này đang do những phần tử thân Việt Minh dẫn dắt” (Bùi Diễm và David Chanoff, Trong gọng kìm lịch sử, 1999: 36).
Tờ báo Bình Minh, hậu thân của tờ Ngày Nay, một cơ quan của phe Đại Việt dân chính đảng, đã đăng lời hiệu triệu của Tổng hội Sinh viên Việt Nam “thiết tha xin thanh niên Hà Nội lập tức gia nhập vào Việt Nam Thanh niên Đoàn”, cùng lời “Tuyên cáo của các đại biểu Ủy ban Nhân dân Cách mạng” trên trang nhất ngày 21.8.1945. Hai ngày sau, cũng báo này đã tường thuật về sự kiện “Tổng hội Sinh viên Việt Nam họp phiên công khai” (Bình Minh 23.8.1945). Đáng chú ý là cùng trang báo đăng bản nhạc Tiến quân ca, với “âm nhạc: Anh Thọ, lời ca: Anh Dũng”.
Đúng 19 giờ ngày thứ ba 21.8, tại Việt Nam học xá, nhà B, dưới quyền chủ tịch của viên Phó hội trưởng, quyền Hội trưởng Tổng hội đã nhóm họp một phiên bất thường có sinh viên và người các giới tới dự.
Theo lời hiệu triệu của Tổng hội thì chương trình buổi họp trước chỉ định hô hào dự bị một cuộc biểu tình khổng lồ khi quân đội Đồng minh tới Việt Nam. Song anh hội trưởng tuyên bố vì có vấn đề cần lập ngay tức khắc chính phủ lâm thời hợp nhứt ba kỳ, trước khi phái bộ ngoại quốc sang, Tổng hội sau thái độ cương quyết của Mặt trận Việt Minh, hô hào các giới và các đảng phái ủng hộ Việt Minh trong việc lập chính phủ lâm thời cho kịp để giao thiệp với phái bộ ngoại quốc. Tổng hội đã được một anh bạn trong Mặt trận Việt Minh cho biết rằng “Mặt trận Việt Minh lãnh trách nhiệm tổ chức một mình chính phủ lâm thời trong một thời gian rất ngắn”. Anh tuyên bố trước cử tọa rằng Mặt trận Việt Minh lãnh trách nhiệm ấy trước lịch sử và trong vài ba ngày sẽ công bố chính phủ lâm thời.
Kế đó, anh Nguyễn Xiển cho cử tọa biết đề nghị của anh và của các anh Hồ Hữu Tường, Ngụy Như Kontum, Nguyễn Văn Huyên bằng một bức điện tín (đăng nguyên văn dưới đây) gửi lên vua Bảo Đại. Anh Xiển đọc đi, đọc lại 3 lần và cử tọa đều hoan hô, vì vậy đề nghị đó được công nhận và anh Xiển đã nhờ Chính phủ Nhân dân Cách mệnh gửi vào Triều đình Huế.
Việc xin lập ngay Chính phủ Lâm thời Nhân dân Cách mệnh bàn xong, đến sự bàn định dự bị cuộc biểu tình khổng lồ khi phái bộ Đồng minh tới Việt Nam. Tất cả những ý kiến hay về việc tổ chức đã được hoan nghênh và sẽ thực hành khi tiếp rước các nước Đồng Minh tới đây. Nước Việt Nam sẽ tiếp đón các cường quốc như một nước độc lập tiếp đón các nước bạn. Cuộc hội họp tới 19 giờ 45 mới mãn.
Nguyên văn bức điện tín gửi lên đức Vua Bảo Đại:
Theo lời hiệu triệu của Tổng hội Sinh viên, đại biểu các đảng phái, các giới, hội họp tại Việt Nam học xá ngày 21-8 hồi 19 giờ.
Xét vì trong tình thế này, cần phải thống nhất lực lượng, thống nhất dân tộc Nam-Trung-Bắc sau một chính phủ được quần chúng ủng hộ để ngoại giao hầu củng cố nền độc lập.
Xét Mặt trận Việt Minh đã ra lệnh tổng khởi nghĩa từ lâu và đã chiếm chính quyền ở Bắc bộ.
Xét vì nhiều đảng cách mệnh trong Trung và Nam cũng muốn cho Việt Minh lên cầm chính quyền.
Xét vì muốn kéo đi một con đường khác là mất ngày giờ và gây những chuyện xung đột vô ích và có hại cho nền độc lập.
Quyết nghị:
1)Yêu cầu Hoàng đế thoái vị.
Tuyên bố độc lập cộng hòa dân quốc.
Giao chính quyền cho một chính phủ lâm thời do Việt Minh triệu tập.
2) Yêu cầu Mặt trận Việt Minh cấp tốc, không trễ một giờ một phút nào, thương lượng với các đảng phái, để lập ngay và công bố chính phủ lâm thời ấy.
3) Kêu gọi tất cả các đảng phái, các giới, quảng đại quần chúng ủng hộ chính phủ lâm thời cho có lực lượng mà kiến thiết nền độc lập của quốc gia
Ký tên (5 người): Nguyễn Xiển, Nguyễn Đình Thu, Ngụy Như Kontum, Nguyễn Văn Huyên, Hồ Hữu Tường.
Bản tin “Lời hiệu triệu của Tổng hội Sanh viên Hà Nội” trên tờ Điễn Tín 27-8-1945 có thêm thông tin: “Trước khi bàn về biểu tình, ông Hòa hô hào các giới nên hợp tác với Việt Minh lập chính phủ lâm thời ngay trước khi phái bộ Đồng minh đặt chơn đến đất này” và viết bức điện văn có nguyên văn bằng Pháp văn.
Văn bản trên có nhắc tới vai trò của “ông Hòa” – tức Phan Thanh Hòa, theo Bùi Diễm, là người lãnh đạo Tổng hội Sinh viên – kêu gọi các giới hợp tác với Việt Minh thành lập chính phủ lâm thời. Bản thân các bản tin cũng cho thấy dù có sự khác biệt về quan điểm chính trị song ít nhất lúc này nội bộ Tổng hội cũng vẫn chung một mục tiêu thành lập một chính phủ cộng hòa. Trong khi Hồ Hữu Tường là thành viên Đệ tứ, các trí thức Ngụy Như Kontum và Nguyễn Xiển gần gũi với các trí thức nhóm Thanh Nghị. Một thông tin đáng chú ý là cuộc họp do một phó hội trưởng (tức phó chủ tịch) thay quyền Hội trưởng Tổng hội Sinh viên, trong khi Phan Thanh Hòa có thể đã có mặt để có lời hô hào hợp tác với Việt Minh. Vậy hội trưởng (hoặc một cách gọi khác là chủ tịch) lúc này là ai?
Theo những hồi ức, khả năng vị trí hội trưởng về danh nghĩa vẫn thuộc về Dương Đức Hiền, lúc này đang ở Việt Bắc. Một cuộc họp vài ngày sau 19.8 đã bầu một ban trị sự mới, đề xuất Tổng hội Sinh viên xin gia nhập Mặt trận Việt Minh, đổi tên là Tổng hội Sinh viên Cứu quốc.
Vậy hai kế hoạch của Tổng hội Sinh viên kết quả ra sao? Phái đoàn Đồng minh đầu tiên đến Hà Nội chính là toán Con Nai gồm những nhân viên của tổ chức OSS (tiền thân CIA) đã hỗ trợ Việt Minh đào tạo nhân sự và vũ khí vào giai đoạn trước tổng khởi nghĩa, do thiếu tá Archimedes Patti chỉ huy. Họ đã bay từ Côn Minh, hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm ngày 22-8 và đến ở tại khách sạn Metropole, đối diện Bắc bộ phủ, nơi Chính phủ Lâm thời đóng.
Phái đoàn này không phải chờ đợi lâu. Sáng chủ nhật 26-8, “bốn quý ông Việt Nam đến với tư cách trang trọng là đại biểu của ủy ban giải phóng dân tộc”, tức chính phủ lâm thời mới, trưởng đoàn là Võ Nguyên Giáp. Cùng đi với ông có Vũ Văn Minh, Dương Đức Hiền và Khuất Duy Tiến. Tại đây, họ đã trao đổi các thông điệp về việc Chính phủ Hồ Chí Minh đã nắm chính quyền và tuyên bố độc lập. Cuối cuộc gặp, dàn quân nhạc đã tập hợp trước nơi đoàn đại biểu của ông trú. Họ đến với cờ của bốn nước Đồng minh lớn và lá cờ mới của Việt Nam.
Trong vài giây, các lá cờ được hạ xuống trừ lá cờ “sao và vạch” và ban nhạc chơi bản “Star-Spangled Banner”. Đó là lần trình diễn hay nhất bản này mà tôi được nghe thấy ở Viễn Đông. Ở nốt nhạc cuối cùng, các lá cờ được kéo lên và thủ tục được lặp lại theo thứ tự các nước, tiếp theo là Liên Xô, Anh, Trung Hoa và cuối cùng là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa… Người chỉ huy đội ngũ, trưởng ban nhạc, và các đơn vị duyệt binh đi qua. Khi đoàn cuối đi ra khỏi cổng, tôi thấy một đoàn dài dân thường, sóng hàng mười, cầm theo nhiều cờ và biểu ngữ… Đoàn diễu hành của họ được những em bé học sinh dẫn đầu, theo sau là những thiếu niên và người lớn… hát quốc ca (Archimedes L. A. Patti, Why Vietnam: Prelude to America’s Albatross, 198-199).
Võ Nguyên Giáp, một cựu sinh viên Luật và nguyên là một thầy giáo, nói với ông: “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam lá cờ của chúng tôi được trưng trong một buổi lễ quốc tế và quốc ca của chúng tôi được chơi vì sự kính trọng đối với một vị khách nước ngoài. Tôi sẽ nhớ mãi giây phút này” (SĐD: 199).
Trong thành phần đại biểu gặp phái đoàn Mỹ, Dương Đức Hiền hiển nhiên đại diện cho Đảng Dân chủ nằm trong Việt Minh, ông là một trong năm ủy viên thường trực của Ủy ban Dân tộc Giải phóng, được bầu tại Quốc dân Đại hội ở Tân Trào (Tuyên Quang) ngày 16-8-1945. Cuộc gặp với toán Con Nai cũng là cuộc tiếp xúc công cộng duy nhất với lực lượng Đồng minh được ghi lại bằng văn bản và hình ảnh.
Trong thời điểm này, thông tin về cuộc biểu tình lớn đón tiếp phái bộ Đồng minh như dự định của Tổng hội Sinh viên Việt Nam không được đề cập cụ thể trên mặt báo hay các hồi ức. Dương Đức Hiền là nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Đại học Đông Dương hai nhiệm kỳ gần nhất nên việc tổ chức một sự kiện liên quan sinh viên hẳn không thể ngoài phạm vi của ông, nhất là để tránh sự xung đột về khâu tổ chức. Thêm vào đó, vấn đề quân Đồng minh vô cùng phức tạp, không diễn ra suôn sẻ như hình dung của các sinh viên để có thể tổ chức một “cuộc biểu tình khổng lồ” mà thiếu những sự chuẩn bị kỹ càng.
Kế hoạch thứ hai của Tổng hội Sinh viên là gửi bức điện yêu cầu Bảo Đại thoái vị cũng diễn ra trong khoảng thời gian vô cùng khẩn cấp. Chiều 20-8, UBND cách mạng Bắc bộ và UBND cách mạng Hà Nội thành lập, tập trung xử lý các vấn đề tại miền Bắc, trong khi đợi Ủy ban Dân tộc Giải phóng (UBDTGP) trên đường từ Tân Trào về Hà Nội.
Trong hồi ký của Trần Huy Liệu, Phó chủ tịch UBDTGP, ông nhận được thông tin Bảo Đại xin thoái vị qua điện tín của Ủy ban Hành chính Trung bộ trong ngày đầu tiên làm việc khi về Hà Nội, cùng thông tin “đề nghị chính phủ lâm thời phái đại biểu vào để nhận lễ thoái vị”. Dường như vấn đề Bảo Đại xuất hiện một cách khá đột ngột, vì các hiệu triệu của Tổng bộ Việt Minh, nghị quyết của Quốc dân Đại hội, Thông cáo số 1 của UBGPDT từ 14 đến 17-8, thậm chí cả lời hiệu triệu của đại biểu Việt Minh đọc tại Nhà hát Lớn 19.8 không đề cập vấn đề chế độ quân chủ đang tồn tại (xem Văn kiện Đảng toàn tập, T.7 (1940-1945), 2000: 558-568). Trần Huy Liệu cũng cho biết, ông chuẩn bị y phục khá vội vã để kịp lên đường.
Về phía triều đình Huế, theo Đổng lý Ngự tiền văn phòng Phạm Khắc Hòe, họ đã nhận được tối hậu thư ngày 23-8 của “Thành bộ Việt Minh tỉnh Nguyễn Tri Phương” tức Ủy ban Khởi nghĩa Huế do Tố Hữu lãnh đạo, yêu cầu Bảo Đại thoái vị. Sau khi đáp ứng yêu cầu này chiều cùng ngày, Bảo Đại nhận được một bức điện “trong đêm 23-8 do UBND Cách mạng Bắc bộ từ Hà Nội đánh vào, nhưng dưới lại ký tên: Nguyễn Xiển, Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kon-Tum và Hồ Hữu Tường” (Phạm Khắc Hòe, Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc. Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1987: 75).
Phạm Khắc Hòe đã ghi lại nội dung bức điện: “Một chính phủ nhân dân cách mạng lâm thời đã thành lập. Chủ tịch là Cụ Hồ Chí Minh. Yêu cầu đức Vua thoái vị ngay để củng cố và thống nhất nền độc lập nước nhà” (SĐD: 75), có lẽ dựa theo báo Cứu quốc ra ngày 27-8-1945. Bức điện này nhắc tới Hồ Chí Minh, điều mà Phạm Khắc Hòe cho biết làm Bảo Đại lo lắng vì trước đó vị vua này đã chuẩn bị tinh thần đón nhận lãnh tụ mang tên Nguyễn Ái Quốc.
Đây cũng là thông tin không xuất hiện trong nội dung đăng trên báo Bình Minh và Điễn Tín. Bức điện “số 6 ĐT” này được Phạm Khắc Hòe đáp lại ngay ngày 24-8 với nội dung như Trần Huy Liệu đã kể (SĐD: 76). Cuộc bàn giao mang tính biểu tượng vào ngày 30-8-1945 đã diễn ra tại Ngọ môn khi Trần Huy Liệu tiếp nhận ấn kiếm từ vị vua cuối cùng của nền quân chủ đã tạo cho việc tuyên bố độc lập của chính quyền mới trọn vẹn.
Những diễn biến trên cho thấy bức điện tín “yêu cầu Hoàng đế thoái vị” được thảo ra tại cuộc họp do Tổng hội Sinh viên Việt Nam tổ chức có thể đóng một vai trò khá ý nghĩa. Cho dù bức điện tín này không thật sự giữ vai trò then chốt trong cuộc bàn giao quyền lực mang tính biểu tượng từ chế độ quân chủ nghìn năm sang dân chủ cộng hòa, đây vẫn là một hành động đáng ghi nhận khi tiếp sức cho cao trào cách mạng, mà các văn bản lịch sử đã có phần lãng quên.