Nếu Nguyễn Hữu Chỉnh chuyên tâm về văn chương, thì ông có thể để lại một sự nghiệp chẳng kém cạnh ai. Đằng này chí của ông không phải ở ngọn bút, mà ở lưỡi gươm…
Hổ tự Tây Sơn xuất
Long tòng Đông Hải lai
Sấm truyền
Xã hội nông nghiệp Việt Nam cổ truyền, tính từ thời Lê với sự thống trị của Nho giáo, thiếu, hoặc yếu, ba nhân vật: quý tộc (dòng máu), chiến binh và thương nhân. Sau khi nhà Trần với chế độ điền trang thái ấp sụp đổ, tầng lớp nho sĩ – thư lại thay thế quý tộc. Chính sách “ngụ binh ư nông,” “trọng văn khinh võ,” khiến xã hội không hình thành một tầng lớp chiến binh chuyên nghiệp, như hiệp sĩ ở châu Âu hoặc samurai ở Nhật Bản. Sự không, hoặc kém, phát triển các đô thị thương mại, tức chất thị lớn chất đô, như Phố Hiến, Hội An, khiến không tạo ra được một tầng lớp thương nhân lớn mà chỉ có những con buôn cò con. Hoặc những nho tướng có đầu óc con buôn, mà Nguyễn Hữu Chỉnh (? – 1787) là một trường hợp.
Nguyễn Hữu Chỉnh người làng Cổ Đan, xã Đông Hải, huyện Chân Phúc, trấn Nghệ An, nay thuộc Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Cha Chỉnh là một nhà buôn giàu có và dám phiêu lưu. Gặp năm mất mùa, triều đình đề nghị chở thóc gạo ra Bắc. Không ai dám đi. Bố Chỉnh tình nguyện đưa thuyền vượt biển. Sau chuyến đi ấy, nhà Chỉnh giàu lại càng giàu. Ông đầu tư cho cậu con trai một những điều kiện học hành tốt nhất.
Năm 16 tuổi Nguyễn Hữu Chỉnh đỗ Hương Cống, nên tục gọi là Cống Chỉnh. Bấy giờ, thời buổi loạn lạc, đạo đức Nho giáo mất giá, lần đầu tiên trong xã hội Việt Nam xuất hiện và sau đó thống trị tầng lớp quan binh. Chỉnh bỏ văn theo võ. Ba năm sau lên kinh ứng thi, nhưng không đỗ. Ông về quê ôn văn luyện võ chờ thời. Có người khuyên ông nên đầu quân làm môn hạ cho quận Việp Hoàng Ngũ Phúc, một hoạn quan – võ tướng đang làm mưa làm gió ở Thăng Long.
Được một chức quan nhỏ trong quân trường, Nguyễn Hữu Chỉnh mang tất cả của nả trong quê ra, xây dựng nhà cửa, vung tiền kết giao với các danh sĩ trong nước, và thực hiện một cuộc sống phong lưu nhất có thể. Trong nhà Chỉnh lúc nào cũng nuôi sẵn dăm cô đào hát. Khi tiệc tùng, khi ca xướng, tiếng đàn tiếng ngâm vịnh không lúc nào dứt. Chỉnh nhanh chóng trở thành một trang phong lưu công tử, cử chỉ nho nhã, tính tình khôi hài, được thầy yêu bạn mến. Chẳng mấy chốc ông đã được Hoàng Ngũ Phúc coi là tùy tướng. Một tướng tâm phúc, đi đâu cũng được chủ lôi đi theo. Nhờ thế, theo quận Việp đi đánh Thuận Hóa, Chỉnh mới có dịp quen với các tướng Tây Sơn, về sau mở ra một hướng hoạt động mới.
Nhưng lúc này, Chỉnh còn đang mải sáng tác thơ văn, phần nhiều là thơ nôm. Những bài “văn có ích” (chữ Tản Đà) của ông thường là những bài nói chí, như Quách Tử Nghi Phú, Trường Lưu Hầu Phú. Những bài “văn chơi” (lại chữ Tản Đà) mới là của để đời, như Văn tế chị. Chả là chị ruột của Chỉnh là phu nhân của danh sĩ Phạm Nguyễn Du. Tuy văn tế không phải là phú, nhưng làm văn tế, Nguyễn Hữu Chỉnh dựa vào kết cấu chặt chẽ của phú, để làm nền, làm sợi dây cho con diều cảm xúc tự do bay lượn.
Văn tế của Chỉnh, vì thế, thoát khỏi ước lệ, phô diễn một tình cảm chân thực, bay bổng lãng mạn, nhưng thâm trầm sâu sắc. Cùng với Khóc Trương Quỳnh Như của Phạm Thái, đây là hai áng văn xuôi nghệ thuật đầu tiên của Việt Nam. Nếu Nguyễn Hữu Chỉnh chuyên tâm về văn chương, thì ông có thể để lại một sự nghiệp chẳng kém cạnh ai. Đằng này chí của ông không phải ở ngọn bút, mà ở lưỡi gươm.
Tương truyền, mả tổ Nguyễn Hữu Chỉnh, được một thầy Tàu mách, chôn ở Bằng Sơn thuộc huyện Can Lộc phía Nam Hồng Lĩnh. Bởi vậy, khi theo quận Việp, ông lấy tự hiệu là Bằng lĩnh hầu. Muốn mình phải như con chim bằng sải gió làm nên nghiệp lớn. Một anh hùng thời loạn. Nhưng, có lẽ ông giống như con rồng hơn. Bởi ông rất có tài thủy chiến. Trong những trận đánh giáp lá cà với giặc bể, Nguyễn Hữu Chỉnh tỏ ra là người can đảm và rất thiện thủy chiến. Sau này bọn cướp biển sợ uy Chỉnh và đặt cho ông danh hiệu “Thủy chi điểu.”
Quận Việp chết, Nguyễn Hữu Chỉnh bèn theo quận Huy, con nuôi của vị thái giám nói trên. Đến khi Quận Huy bị kiêu binh giết, đang ở Nghệ An, sợ bị trả thù, Nguyễn Hữu Chỉnh giăng buồm vào Quy Nhơn với Tây Sơn. Khi rời đất Nghệ, Chỉnh sực nhớ lời câu đối đang lan truyền trong dân gian: Hổ tự Tây Sơn xuất/ Long tòng Đông Hải lai. Hổ rời núi là anh em Tây Sơn thì đúng rồi, còn mình quê Đông Hải chắc là rồng chứ còn gì nữa – Chỉnh nghĩ. Biết đâu rồng có thể làm nên nghiệp lớn nhờ hổ làm vây cánh. Nhưng rồi trong trường long tranh hổ đấu ở phía trước, đã lộ ra tính cách cuốn lượn của rồng, điểm mạnh cũng là điểm yếu chết người của Nguyễn Hữu Chỉnh.
Khi xã hội phân hóa, thì mỗi mẫu người của tầng lớp ấy có một hệ giá trị riêng. Như nhà chính trị thì là quyền lực, nhà buôn – tiền bạc… Ở đây không có chuyện đạo đức. Nguyễn Hữu Chỉnh vừa là nhà chính trị vừa là thương nhân, một con buôn chính trị, nên tham vọng quyền lực và tiền bạc là trên hết. Danh vọng và dục vọng cá nhân của mình là trên hết. “Nhà nước yên hay nguy không phải là việc quan trọng, thế đạo suy hay thịnh vị tất đã đáng quan tâm. Điều cốt yếu là chính ông [Nguyễn Hữu Chỉnh] phải tự gây lấy một sự nghiệp hết sức vẻ vang, phải làm cho bản thân và tên tuổi mình trội lên trên bản thân và tên tuổi mọi người.”[1]
Trung Hoa trung đại cũng rất phát triển thương mại, cũng có những nhà buôn lớn. Nhưng trong chế độ toàn trị Nho giáo thì địa vị của thương nhân rất bấp bênh. Nhà nước có thể viện bất kỳ lý do nào đó để tịch thu tài sản của họ. Nên giới thương gia, như Tây Môn Khánh chẳng hạn,[2] hoặc đem hết tiền lãi vào ăn chơi, đồng thời để bảo vệ tài sản của mình, họ hoặc tìm ô dù ở giới quan lại triều đình, hoặc chạy chọt một chân thư lại ở huyện nhà. Việt Nam không có một tầng lớp phú thương như ở Trung Quốc, mà phần lớn chỉ là những nhà buôn nhỏ, kiếm ăn dưới nách của giới quan chức qua những bà vợ của họ.[3] Dĩ nhiên là phải “nộp thuế” cho họ. Đây cũng thêm một lý do khác nữa khiến thương nhân hoặc con cái họ, như Nguyễn Hữu Chỉnh, muốn làm giàu bằng làm quan.
Không trở thành một thương gia đúng nghĩa để mà phải chịu thân phận chiếu bét trong tứ dân, Nguyễn Hữu Chỉnh mang suy tư và ứng xử của con buôn vào chính trường. Điều này thể hiện ở khả năng ứng biến và tùy thời. Ứng biến là trong hoàn cảnh nào, dù bế tắc đến đâu cũng tìm ra lối thoát. Và, sở dĩ ứng biến được là do tư tưởng tùy thời, gió chiều nào che chiều ấy, phe nào có lợi thì theo, hết lợi thế bỏ.
Riêng với Chỉnh thì ứng biến và tùy thời hòa quyện vào nhau, trong cái nọ có cái kia, trong cái kia có cái nọ. Như, thấy đẳng cấp quan binh đang lên thì bỏ văn theo võ; thi cử võ không đỗ thì đi làm môn hạ cho tướng thái giám; khi hoạn tướng này chết thì chuyển sang làm môn hạ cho hoạn tướng kia; đến khi ông ta bị kiêu binh giết thì chạy vào Quy Nhơn theo anh em Tây Sơn; rồi hiến kế rước hổ Tây Sơn đem quân ra Bắc Hà với khẩu hiệu “Phù Lê diệt Trịnh,” kẻ mà mình đã từng phục vụ; khi bị Nguyễn Huệ bỏ rơi ở Nghệ An, được vua mời ra Thăng Long dẹp tàn quân Trịnh mà thống lĩnh được triều đình; rồi nhân lúc anh em Tây Sơn Nhạc Huệ choảng nhau, bèn xưng hùng xưng bá muốn làm một chúa Trịnh khác… Tuy nhiên, “Nguyễn Hữu Cảnh không phải là người lập chí bền vững, gần đây lại thu được nhiều chiến công oanh liệt mà không phải tốn nhiều tư lự hoặc mồ hôi, nên mất hẳn cái tính cẩn trọng đã đưa ông đến chỗ thành công.”[4]
Khi ngọn gió thời thế thay đổi, con chim bằng hết cách, bay thì vướng núi, đậu thì vướng cung tên. Nguyễn Hữu Chỉnh bị Vũ Văn Nhậm bắt sống và phân thây giữa chợ. Bình sinh muốn làm một đại anh hùng mà kết cuộc chỉ là một đại gian hùng. Cuộc đời Chỉnh dường như đã được lập tình sẵn từ thơ ấu qua bài thơ xuất thần Vịnh pháo:
Xác không vốn cũng cậy tay người,
Khôn khéo làm sao nữa cũng rơi
Kêu lắm lại càng tan tác lắm
Chung quy cũng chỉ một tiếng thôi.
Tuy nhiên, như một vô ý thức của lịch sử, hành động của Cống Chỉnh đã xoay ngược thời thế, góp phần chấm dứt một thời đại, mở ra một thời đại mới tiến tới bước đầu thống nhất đất nước.