Qua tìm hiểu thị trường bất động sản ở Việt Nam, tôi nhận thấy một điều đáng lo: đất ở các làng chài ven biển từ Bắc chí Nam giá cao ngang đất đô thị, nhất là những lô đất trực diện biển (giá đắt bằng đất mặt phố các đô thị lớn). Ngư dân nhiều nơi thích bám đất thay vì… bám biển. Trong nghĩa trần trụi nhất của hiện tượng này, ngư dân đổi đời nhờ đất chứ không phải nhờ biển. Điều đó, mừng đấy, mà nỗi lo hiện hữu!
Khi ngư dân… bám đất, thay vì bám biển
Khi các nhà đầu tư mang “sóng” đến các làng chài, sòng phẳng mà nói, các làng chài ven biển có sinh khí hơn. Ngư dân bám biển kiểu gì thì cũng không có lợi (trước mắt) bằng việc bám đất mà bán. Bán một lô đất tiền tỷ, trong khi bám ghe thuyền vài chục năm chưa chắc được chừng đó tiền. Vậy là chủ thực sự của những làng chài không còn là ngư dân, mà là những nhà đầu tư đến từ các thành phố. Về phương diện đầu tư, chắc là nó cũng phù hợp quy luật cung cầu. Ở một khía cạnh nào đó, nó là điều vui của nền kinh tế. Nhưng ở tầm chính sách vĩ mô, và dài hạn, thì đó là một điều đáng lo, thậm chí rất lo.
Thực tế này càng bị làm trầm trọng thêm khi có sự cộng hưởng của việc các doanh nghiệp thân hữu đã cấu kết với lãnh đạo các địa phương, chiếm hết đất các mặt biển, các làng chài… Ngư dân rời biển quá lâu, sẽ mất dần và mù lòa các tri thức bản địa về biển. Đến vài đời sau, nguy cơ trở thành một quốc gia “mù biển”, thì khi đó có thay đổi chính sách cũng đã quá muộn. Ghe thuyền ngủ yên bên bờ. Biển vắng dần điệu hò nhặt khoan kéo lưới. Dần dà, dù vô tình hay hữu ý, ta đã ngó lơ biển của chính ta. Lúc đó, an ninh biên giới trên biển sẽ đáng lo ngại. Biển không có ngư dân không khác nào tiền đồn không có lính. Quốc gia biển không có người bám biển, chẳng khác nào nhà hoang vắng chủ. Vui đấy, mà lo đấy!
Khi trò chuyện với TS. Tạ Quang Ngọc, nguyên Bộ trưởng Thủy sản, người dành cả cuộc đời trăn trở về kinh tế biển và an ninh lãnh thổ biển, tôi có chia sẻ với ông về nỗi lo quản trị rủi ro quốc gia từ phía biển, và nhận được sự tâm đắc của ông. Tôi có chia sẻ với ông rằng, ở tầm mức chiến lược, nhìn về phía Bắc, các quốc gia mạnh đều là những quốc gia mạnh về kinh tế biển: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Khách quan mà nói, thách thức lớn nhất trước mắt và lâu dài đối với an ninh của nước ta vẫn là người hàng xóm Trung Quốc.
Thách thức đó đến từ ba đường: đường bộ, đường không, và đường biển. Trong ba đường đó, đường biển là dễ bị tổn thương nhất. Về lâu dài, Trung Quốc muốn thoát được cái vỏ “con hổ châu Á” để hiện thực hóa “Giấc mơ Trung Hoa”. Do đặc điểm địa chính trị, cái điểm để lân bang này bung chỉ là duy nhất đường biển. Nhưng phía Đông Hải thì nước này “không có cửa” với Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga. Còn duy nhất Biển Đông của ta để đất nước này thực hiện cái vươn mình thực hiện tham vọng Đại Hán. Do vậy, sớm hay muộn thì những xung đột ngầm lẫn “lộ sáng” trên biển là điều khó tránh.
Nếu không thiết kế lại chiến lược, nếu cứ để bát nháo như hiện tại, chúng ta thực sự đang làm tương lai của quốc gia dễ bị tổn thương hơn. Những resort xa hoa ven biển, những thành phố với nhà chọc trời dọc biển… sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu an ninh quốc gia bị thách thức, nếu “tàu lạ” nhởn nhơ vài chục hải lý trong thềm lục địa hay vùng đặc quyền kinh tế trên biển…
- Xem thêm: Đô thị đặc thù – Tiến biển bằng đô thị: Tâm thức biển của người Việt: một cái nhìn văn hóa – lịch sử
Khơi gợi “tâm thức biển”, “tinh thần biển”, “dân tộc biển”
Để Việt Nam phát triển bền vững, kinh tế biển nên là một mũi trọng tâm. Mà kinh tế biển thì không thể thiếu nhân lực làm việc trên biển, trong đó có lực lượng quan trọng là ngư dân.
Vực lại động lực bám biển: Biển không mang lại cuộc sống sung túc cho ngư phủ nữa, nên cứ thế mà họ bỏ nghề. Do đó, mọi chính sách trong lĩnh vực này mà quên việc kích thích động lực bám biển của ngư dân thì chắc chắn chính sách đó sẽ thất bại. Chỉ khi thấy biển mang lại sự giàu có, biển đem đến tương lai, và biển “an toàn, an ninh” (họ đi ra khơi là được bảo vệ, không bị đe dọa đánh đập bởi “tàu lạ”…) thì người dân mới dám ra khơi, vững tin trên vùng biển của Tổ quốc. Thiết kế được một hệ thống động lực bám biển cho ngư dân là việc làm đầu tiên và cấp bách nhất để giải quyết tình trạng biển khơi vắng ngư phủ! Khi họ ham mê biển, thấy biển là lợi ích lâu dài, thì họ sẽ không rời.
Cần một chiến lược liên hoàn và có tầm nhìn: Hiện nay, tỉnh nào cũng “phát triển du lịch biển”. Cứ tỉnh nào có biển là lấy đất mở ra các đô thị để nhắm đến việc “làm du lịch biển”. Đất làng chài bị mất dần bởi các chủ trương này. Ngư dân nhận đền bù, rồi về nơi tái định cư – kéo họ xa khỏi biển, rồi vài năm sau hết tiền, không có nghề gì thì xảy ra vô số bài toán xã hội phức tạp cho tương lai.
Một trong những bài toán đó là ta thiếu dần những “ngư dân tinh hoa” – những người, như đã nói ở trên, am hiểu và có tri thức bản địa về biển. Cái này cũng giống như việc đánh rơi căn cước tộc tính biển của một quốc gia. Văn hoá nghề biển sẽ là gì nếu không có ngư phủ có bề dày truyền thống biển?!
Ở tầm chiến lược quốc gia cần phải làm lại một chiến lược mới. Đúng hơn là “xóa cờ chơi lại” về mặt quy hoạch. Tỉnh nào thực sự đặc biệt thì mới cho “phát triển du lịch biển”. Những tỉnh đó là đầu tàu tập trung kiếm tiền từ khách du lịch. Còn những tỉnh ít có thế mạnh du lịch, thì nên chuyển sang làm những lĩnh vực có lợi thế chẳng hạn ngư nghiệp (biển). Chính những nơi này sẽ là tiền đề để đầu tư lớn, hình thành các tập đoàn đánh cá, nơi quy tụ các ngư dân “thiện chiến”, được đào tạo chuyên nghiệp và bài bản để phù hợp với các thông lệ quốc tế. Nghề đánh cá được chuyên nghiệp hóa để tham gia các thị trường lớn. Ở những nơi này, ta làm kinh tế thủy sản, là “vựa thủy sản của thế giới”… Và để làm được vậy, ở tầm mức quốc gia, cần có một cuộc “làm lại”. Còn nếu để như hiện nay, ngư phủ “đi thì mắc núi, trở lại biển thì mắc…. resort các tập đoàn”.
Các tỉnh chia hết đất biển đẹp cho các tập đoàn, chắn hết lối xuống biển của ngư dân và người dân. Những tài sản công là đất ven biển đẹp đã bị thâu tóm dần. Đường ra biển của người dân, và nhìn rộng ra đường ra biển lớn của dân tộc, bị chặn lại bởi mấy cái resort đó. Chỉ có vài người giàu mới được bước chân tới mấy cái bờ biển có resort này. Chỉ một nhúm lợi ích mà che mờ sức vươn ra biển lớn của một quốc gia. Do đó, quy hoạch lại “cuộc cờ” là yêu cầu sống còn đối với tương lai nghề cá biển, và tương lai an ninh lãnh thổ trên biển.
Xây dựng và thiết kế linh hồn của một “quốc gia biển” với “tâm thức biển”: Cuộc chơi trên biển sẽ còn khó khăn khi chúng ta vẫn bị tắc ở việc xây dựng một tinh thần “dân tộc biển”. Nước ta là quốc gia có đường bờ biển dài, nhưng các phát minh liên quan đến biển thì cực kỳ hạn chế, thậm chí hầu như không có. Đằng sau cái chuyện này có thể “đọc” được là có nhiều biển, nhưng vẫn là một dân tộc… “sợ biển”. Chỉ khi yêu biển, ta mới ôm nó vào lòng, ta mới nghĩ ra cách vươn cùng những ngọn sóng của nó, và các phát minh công nghệ về biển từ đó mà nhiều thêm.
Phải khơi dậy được tinh thần của người dân ý thức được rằng một nửa tâm thức của dân Việt này là tâm thức biển, dân tộc ta cũng là một dân tộc biển: câu chuyện cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ đưa 50 con xuống biển, 50 lên non. Cái tỷ lệ một nửa gắn liền với đất liền, và một nửa gắn chặt với biển cần được khơi gợi như một câu chuyện truyền cảm hứng. Đó là một câu chuyện hay để làm nền tảng và kiến tạo tinh thần dân tộc biển, cấy ghép tâm thức biển vào đầu mỗi con dân nước Việt mình. Những tinh thần dân tộc biển, tâm thức biển này quan trọng như là những phần mềm (software) để chạy trên một hệ thống. Một hệ thống không có được và không chạy được những phần mềm hay trên đó là một hệ thống bị đơ, bế tắc, và vô vọng.
Ai có thể làm được chuyện đó? Chỉ có lãnh đạo quốc gia có tầm nhìn mới làm được. Người đứng đầu Đảng và Nhà nước, hay Chính phủ đứng ra làm lại một chiến lược, hiệu triệu được người dân hát những nhịp hò khoan, kể (storytelling) một câu chuyện về tâm thức biển, tinh thần biển, dân tộc biển đầy cảm hứng. Trong chiến lược đó ít nhất là cài đặt được cái tâm thức dân tộc biển kia, rồi quy định địa phương nào nên làm du lịch, còn địa phương nào nên làm công nghiệp biển. Trong công nghiệp biển thì thủy sản ở đâu mạnh, công nghiệp quốc phòng trên biển ở đâu thì nên. Rồi cũng không thể thiếu được trong chiến lược là cần đào tạo ngư dân như thế nào…
Nếu làm được vậy, tôi tin mọi chuyện sẽ đổi thay tích cực.