Sau đây là 14 dấu hiệu chứng tỏ bạn cũng thuộc một trong những người này.
Tiến sĩ Travis Bradberry là đồng tác giả của tác phẩm bán chạy Emotional Intelligence 2.0 (Thông minh cảm xúc thế kỷ 21) và cũng là nhà đồng sáng lập của TalentSmart.
Anh chỉ ra rằng nhiều thập niên nghiên cứu đã chọn ra sự thông minh xúc cảm chính là nguyên tố chủ yếu trong việc tách rời những nhân viên xuất sắc với những nhân viên còn lại.
Nếu bạn tò mò về người khác, không dễ bị xúc phạm, và không hay nghĩ ngợi về những lỗi lầm mình gây ra, rất có khả năng bạn có chỉ số thông minh xúc cảm cao. Sau đây là 11 dấu hiệu khác bạn nên tìm hiểu thêm.
Khi chỉ số thông minh xúc cảm (EQ) mới được công bố lần đầu với công chúng, nó là một kết nối mới được phát hiện cho kết quả sau: phần lớn 70% nhân viên có chỉ số IQ trung bình thật ra lại giỏi hơn những nhân viên với chỉ số IQ cao.
Phát hiện khác lạ này đã hoàn toàn phá hỏng giả thuyết phổ biến rằng IQ mới chính là nguyên tố duy nhất dẫn đến sự thành công.
Những nghiên cứu qua nhiều thập niên đã chọn ra sự thông minh xúc cảm chính là nguyên tố chủ yếu trong việc tách rời những nhân viên xuất sắc với những nhân viên còn lại. Sự liên kết này mạnh tới mức 90% những nhân viên xuất sắc nhất đều có chỉ số thông minh xúc cảm cao.
Trí tuệ xúc cảm là “một thứ gì đó” trong chúng ta mà không ai có thể hiểu được. Nó ảnh hưởng tới cách chúng ta kiểm soát hành vi, cách xử lý tình huống xã hội và cách chúng ta đặt ra những quyết định cá nhân để đạt được những kết quả tích cực.
Mặc cho tầm quan trọng của EQ, bản chất mơ hồ của nó khiến chúng ta khó thể nào biết được chính xác chỉ số và liệu mình có thể làm gì để tiến bộ nếu mình thật sự đang thiếu thốn ở khoản đó.
Bạn vẫn có thể làm một bài kiểm tra đã được khoa học kiểm chứng, chẳng hạn như bài kiểm tra đi kèm với cuốn Emotional Intelligence 2.0 vậy.
Không may, những bài kiểm tra EQ chất lượng (tức đã được khoa học kiểm chứng) không thuộc dạng miễn phí. Vì vậy, tôi đã phân tích dữ liệu lấy từ TalentSmart.
Họ đã thử nghiệm với hơn 1 triệu người để có thể nhận dạng những hành vi thể hiện chỉ số EQ cao. Nếu có những dấu hiệu sau đây, bạn chắc chắn có một chỉ số EQ cao.
1. Từ vựng cảm xúc của bạn rất dồi dào
Tất cả chúng ta ai cũng có cảm xúc, nhưng chỉ có một số ít có thể xác định chính xác họ đang cảm thấy những gì. Nghiên cứu cho thấy chỉ có 36% có thể làm được điều này.
Đây có thể sẽ trở thành một vấn đề, vì rất thường xuyên có những lúc ta không gọi đúng tên những cảm xúc, và sẽ khiến ta hiểu lầm bản thân, dẫn đến việc đặt ra những lựa chọn vô lý và thực thi những hành động đem lại kết quả không mong muốn.
Những người có chỉ số EQ cao có thể làm chủ cảm xúc của bản thân vì họ hiểu được chúng. Để làm vậy, họ sử dụng một vốn từ vựng dồi dào để miêu tả những xúc cảm đó.
Phần lớn nhiều người sẽ miêu tả trạng thái buồn bằng hai từ “không vui”, nhưng những người có chỉ số EQ cao có thể nhận định chính xác lúc nào họ thấy “khó chịu”, “chán nản”, “áp lực” hay “bất an”.
Vốn từ của bạn càng cụ thể, bạn càng hiểu sâu hơn về cảm xúc của chính mình, nguyên nhân gây ra chúng và nên làm những gì để đối phó với chúng.
2. Bạn tò mò về người khác
Đối phương là người hướng nội hay hướng ngoại cũng không quan trọng. Những người có trí tuệ xúc cảm cao rất hay tò mò về những người xung quanh họ.
Sự tò mò này được sinh ra từ lòng cảm thông, một trong những yếu tố quan trọng nhất để đạt được chỉ số EQ cao.
Bạn càng quan tâm tới người khác và những chuyện đang xảy ra trong đời sống của họ, thì bạn sẽ càng cảm thấy tò mò và muốn tìm hiểu họ hơn.
3. Biết rõ điểm mạnh và điểm yếu của mình
Những người với trí tuệ xúc cảm cao không chỉ đơn thuần am hiểu về cảm xúc của họ. Họ thậm chí còn biết bản thân xuất sắc và thiếu thốn ở những điểm gì.
Đồng thời họ cũng biết được ai là người có thể thúc đẩy họ và nhận ra được những môi trường (bao gồm cả tình huống và con người) giúp họ có được sự thành công.
Khi có chỉ số EQ cao, bạn sẽ biết được sức mạnh của bản thân là gì và cách để dựa vào cũng như tận dụng hết khả năng của chúng. Đồng thời bạn cũng sẽ biết cách giữ sao cho những điểm yếu không kiềm chân bản thân lại.
4. Bạn có mắt nhìn người
Phần lớn của sự thông minh xúc cảm là phụ thuộc vào kiến thức xã hội của một người. Đó chính là khả năng nhìn người, biết được họ ra sao và hiểu được họ đang trải qua những gì. Qua thời gian, kỹ năng này sẽ giúp bạn có một con mắt nhìn người thuộc dạng xuất sắc.
Loài người sẽ không còn là bí ẩn với bạn nữa. Bạn sẽ biết họ là những người như thế nào và hiểu được động cơ của họ, thậm chí là những gì mắt thường không thể thấy được.
5. Bạn không dễ bị xúc phạm
Nếu bạn biết rõ bản thân mình, sẽ rất khó để ai đó có thể nói hay làm gì đó để khiến bạn tức giận. Những người thông minh xúc cảm rất tự tin vào bản thân và có tâm trí cởi mở, tất cả hợp lại thành một người “mặt dày”.
Bạn thậm chí có thể tự chế nhạo bản thân mình hay để người khác chế nhạo mình vì bạn biết được đâu là giới hạn giữa chuyện vui đùa và chuyện xúc phạm.
6. Bạn biết buông bỏ lỗi lầm
Những người thông minh xúc cảm không thích bản thân bị gắn kết với lỗi lầm của họ, nhưng họ không vì vậy mà cố quăng bỏ chúng vào dĩ vãng.
Bằng cách giữ lỗi lầm ở khoảng cách an toàn nhưng đủ gần để họ có thể tận dụng chúng, những con người này có thể thích nghi và sửa chữa để sau này đạt tới thành công.
Giữa ranh giới của việc níu kéo và hồi tưởng thông thường, bạn phải có một sự am hiểu tinh tế về bản thân. Níu kéo lỗi lầm của mình sẽ khiến bạn trở nên bất an và đầy sợ hãi. Quên hẳn chúng sẽ chỉ khiến bạn có khả năng lặp lại những lỗi lầm đó.
Bí quyết giữ sự cân bằng nằm ở khả năng biến đổi những mảnh vỡ thất bại thành một bức tranh tiến bộ. Điều này sẽ giúp bạn tạo ra khả năng đứng dậy sau mỗi lần ngã xuống.
7. Bạn không để bụng ai
Những cảm xúc tiêu cực đi kèm với việc để bụng thật ra là một phản ứng với stress. Cơ thể bạn sẽ đi vào phản ứng “chiến hay chạy” chỉ bằng việc nhớ lại chuyện đã xảy ra.
Phản ứng “chiến hay chạy” là một cơ chế sinh tồn được kích hoạt mỗi khi bạn gặp hiểm nguy hay bị đe dọa. Nó sẽ buộc bạn phải đứng dậy chiến đấu hay chạy không ngoái đầu lại.
Khi nguy hiểm đang trên đường tới, phản ứng này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc sinh tồn của bạn.
Còn khi nó đã là quá khứ, níu bám nó sẽ chỉ gây hại cho cơ thể của bạn và thậm chí sẽ gây ra những hậu quả sức khỏe nghiêm trọng trong tương lai.
Các nhà nghiên cứu ở Đại học Emory đã cho thấy không buông bỏ stress sẽ gây ra huyết áp cao và những căn bệnh về tim.
Việc để bụng một ai đó có nghĩa bạn đang bám chặt vào stress, và những người thông minh xúc cảm biết cách để không bao giờ phải lâm vào tình huống này.
Một khi đã buông bỏ các mối hận thù, bạn sẽ không chỉ cảm thấy tốt hơn trước mà sức khỏe sẽ còn được cải thiện.
8. Bạn biết cách ly khỏi những con người độc hại
Phần lớn chúng ta ai cũng thấy chán nản và mệt mỏi khi phải đối phó với những con người khó chịu. Những ai có chỉ số EQ cao biết kiểm soát độ tương tác của họ với những người như vậy bằng cách kiềm chế cảm xúc của bản thân.
Khi cần phải đối mặt với một con người độc hại, họ sẽ tiếp cận một cách cẩn thận. Họ sẽ nhận định cảm xúc mình và không để cơn giận hay sự chán nản đổ dầu vào lửa.
Đồng thời họ cũng cố hiểu được con người khó chịu đó đang nghĩ gì, và như vậy sẽ tìm ra giải pháp cũng như điểm chung.
Ngay cả khi chuyện bắt đầu xuống dốc, những người có trí tuệ xúc cảm cao vẫn không quá để tâm để những người độc hại không thể khiến họ nản lòng.
9. Bạn không đòi hỏi sự hoàn hảo
Những người có trí tuệ xúc cảm cao không đặt sự hoàn hảo là mục tiêu của mình, vì họ thừa biết trên đời này không có gì là hoàn hảo cả.
Vốn dĩ con người ai cũng có thể phạm sai lầm. Nếu đặt sự hoàn hảo là mục tiêu, bạn sẽ không bao giờ thấy thỏa mãn với bản thân, và như vậy sẽ khiến bạn muốn bỏ cuộc hoặc ngừng cố gắng.
Khi đó bạn sẽ luôn tiếc nuối những điều không thành và tự hỏi liệu mình đã có thể thay đổi những gì thay vì cố gắng tiến về phía trước. Bạn sẽ không thấy vui với những thành tựu mình đã và sẽ gặt hái trong tương lai.
10. Bạn biết cách ly bản thân
Thường xuyên rút về khoảng không riêng tư là dấu hiệu cho chỉ số EQ cao vì nó sẽ giúp bạn kiểm soát độ stress và biết cách sống trong hiện tại.
Khi liên tục làm việc 24/7, bạn sẽ liên tục bị stress. Ép buộc bản thân tắt mạng và tắt điện thoại sẽ giúp cơ thể và tâm trí của bạn được nghỉ ngơi.
Đã có những nghiên cứu cho thấy việc tắt thông báo email cũng là đủ để giảm chỉ số stress trong người bạn.
Công nghệ giúp ta có được sự kết nối không ngừng nghỉ, và nhiều người mong chờ bạn luôn trực chờ ở đó 24/7.
Tận hưởng một giây phút nghỉ ngơi không nghĩ ngợi là một việc vô cùng khó khăn nếu điện thoại lại bất chợt nháy lên và trong đó xuất hiện một email sẽ khiến bạn phải lo lắng về công việc.
11. Bạn biết giới hạn lượng caffeine
Uống nhiều cà phê sẽ khiến cơ thể cho ra adrenaline, và adrenaline cũng chính là thứ gây ra phản ứng “bay hay chạy”.
Để chắc chắn sự sinh tồn, phản ứng này thường sẽ chọn bất cứ hành động phản ứng nhanh nào đó thay vì việc suy nghĩ một cách lý trí.
Nó sẽ rất có lợi khi bạn bị gấu rượt, nhưng không hiệu quả mấy khi bạn phải trả lời một email cụt ngủn.
Khi caffeine đã đi vào não bộ và cơ thể, nó sẽ đưa bạn vào trạng thái căng thẳng cực độ và cảm xúc sẽ lấn át toàn bộ lý trí.
Chu kỳ của caffeine sẽ giữ bạn trong tình trạng này trong khi nó từ từ lan ra khắp cơ thể bạn. Những người có EQ cao thừa biết caffeine chỉ đem lại rắc rối, và họ sẽ không bao giờ để nó chiếm ưu thế.
12. Bạn ngủ đủ giấc
Tầm quan trọng của giấc ngủ trong việc tăng cường trí thông minh xúc cảm và quản lý mức độ stress là điều không ai có thể chối cãi.
Khi bạn ngủ, não của bạn đúng nghĩa sẽ tự nạp lại năng lượng, lật lại ký ức của một ngày vừa qua và chọn sẽ giữ lại hay quên chúng đi (nguyên lý tạo ra những giấc mơ) để khi tỉnh lại, bạn sẽ cảm thấy thư giãn và thong thả đầu óc.
Những người có chỉ số EQ cao biết sự tự chủ, sự chú tâm và trí nhớ của họ sẽ bị giảm khi họ không ngủ đủ giấc. Đó là lý do vì sao họ coi giấc ngủ là ưu tiên hàng đầu.
13. Bạn không suy nghĩ tiêu cực về bản thân
Bạn càng nghĩ ngợi về những suy nghĩ tiêu cực, chúng sẽ càng có thêm sức mạnh để điều khiển bạn.
Phần lớn suy nghĩ tiêu cực của chúng ta chỉ đơn thuần là những suy nghĩ trong đầu, chứ không phải những điều xảy ra ngoài đời thật.
Khi bạn cảm thấy như chuyện gì đó luôn luôn hoặc không bao giờ xảy ra, não của bạn sẽ tạo ra một phản ứng tự nhiên.
Đó chính là việc nhìn nhận các mối đe dọa (bằng cách nghĩ chúng sẽ xảy ra ở mức độ thường xuyên và nghiêm trọng hơn).
- Xem thêm: Giữ nhân viên bằng lời khen ngợi
Những người với chỉ số EQ cao biết cách tách biệt suy nghĩ ra khỏi đời thực để không bị mắc vào những suy nghĩ tiêu cực và tiến đến một cách nhìn tươi mới, tích cực hơn.
14. Bạn không để ai kiềm hãm niềm vui của mình
Nếu hạnh phúc của bạn đều dựa vào ý kiến của người khác, hạnh phúc đó sẽ không còn là của riêng bạn nữa.
Khi những người có chỉ số EQ cao cảm thấy vui vẻ hay hài lòng về một điều họ đã làm, họ sẽ không để ý kiến của ai tước đi niềm vui đó.
Không hề phản ứng gì tới những suy nghĩ của người khác về bản thân bạn là chuyện không thể, nhưng bạn cũng không nhất thiết phải so sánh bản thân với người khác, và quả thật bạn cũng không phải quá coi trọng những ý kiến đó. Như vậy giá trị của bản thân bạn sẽ đến từ chính bạn, mặc cho người khác có nói hay nghĩ gì.
Kết luận
Không như IQ, chỉ số EQ của chúng ta vốn dĩ rất dễ thay đổi. Miễn là bạn liên tục huấn luyện não bộ bằng cách liên tục thực hiện những hành vi thể hiện sự thông minh xúc cảm, chúng sẽ dần trở thành thói quen.
Và khi não bộ đang quen dần với những hành vi này, những hành vi tiêu cực bạn từng có sẽ dần biến mất.
Sớm hay muộn bạn sẽ bắt đầu sống chung với trí thông minh xúc cảm cao mà không phải chần chừ một giây phút nào.