Một dấu hiệu cho thấy chính sách kích cầu kinh tế vừa qua của Thủ tướng Shinzo Abe đã bắt đầu có những dấu hiệu tiêu cực. Đồng yen mất giá là lợi thế giúp hàng xuất khẩu Nhật Bản trở nên cạnh tranh hơn, thế nhưng khối lượng hàng xuất khẩu của nước này vẫn giảm mạnh, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình tăng trưởng kinh tế trong quý III và quý IV. Nhật Bản đến nay vẫn dựa vào sự phục hồi tăng trưởng của Mỹ và các nước châu Á để tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu, bởi tiêu dùng nội địa dự kiến sẽ giảm mạnh do chính phủ Nhật tăng thuế mua sắm kể từ tháng 4-2014. Nếu cán cân thương mại tiếp tục bị thâm hụt, Nhật Bản có thể trở thành quốc gia nhập siêu cũng như số lượng nợ nước ngoài tăng lên, trong khi Nhật đang là quốc gia có số nợ cao nhất trong nhóm nước giàu. So với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu vào Nhật Bản tháng 9 gia tăng 11,5%, thấp hơn đôi chút so với dự báo trước đó (15,6%). Đáng chú ý là mức giảm mạnh trong thị phần xuất khẩu sang các nước châu Á, chỉ tăng 8,2% sau khi tăng mạnh 13,5% trong tháng 8 với lý do nhu cầu yếu kém tại Indonesia và Thái Lan – hai thị trường lớn nhất của các hãng ôtô Nhật Bản. Theo số liệu từ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), số liệu xuất khẩu thực, vốn được điều chỉnh sau khi đã loại bỏ tác động từ giá, trong 9-2013 giảm 4,4% so với tháng 8. Cộng với việc đồng yen yếu, Nhật Bản đạt mức thâm hụt mậu dịch 932 tỉ yen, tương đương 9,5 tỉ USD trong tháng 9, trở thành tháng thứ 15 liên tiếp bị thâm hụt.
Tiêu dùng nội địa của Nhật sẽ xuống sắc khi chính phủ tăng thuế mua sắm vào năm sau
Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng khá tốt trong ba quý liên tục đến tháng 6-2013 khi chính sách kích cầu kinh tế của ông Abe đã thúc đẩy hoạt động trên hầu khắp các lĩnh vực kinh doanh và cả việc tiêu dùng của người dân, do đó góp phần giúp Tokyo tránh được một sự đổ dốc đột ngột của nền kinh tế trong quý III một khi nhu cầu tiêu dùng nội địa vẫn đủ khả năng bù trừ cho tình hình xuất khẩu yếu kém. Hồi đầu tuần qua, BOJ đưa ra bảng đánh giá tình hình tăng trưởng kinh tế chung của cả nước và nhấn mạnh rằng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vẫn sẽ tiếp tục phục hồi mạnh để giữ chỉ tiêu lạm phát trong năm nay ở mức 2%. Nhưng giới chuyên gia vẫn tỏ ra quan ngại ngành xuất khẩu lao dốc sớm muộn sẽ dẫn đến hệ quả xấu, đặc biệt khi các thị trường đang phát triển tại châu Á vẫn chưa tỏ ra ưu ái với hàng hóa Nhật Bản. Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế tại Singapore cho rằng không chỉ Nhật Bản mà Trung Quốc và Đài Loan, vốn là những nền kinh tế phụ thuộc khá nhiều vào việc trao đổi buôn bán với các nền kinh tế châu Á khác, sẽ phải cần từ 1-2 quý tiếp đến để vượt qua thời kỳ xuất khẩu ảm đạm hiện nay và tiến hành bước đi mới phục hồi nền kinh tế.
Lâm Kiên theo Reuters