Số trẻ em này chiếm 1/3 trong số 1,2 tỉ người đang sống dưới mức thu nhập 1,25 USD/ngày. Bản báo cáo của WB cũng nêu rõ trong số những người cực nghèo ở 35 nước nghèo nhất thế giới, phần lớn thuộc khu vực châu Phi hạ Sahara và Nam Á, có đến phân nửa là trẻ em từ 12 tuổi trở xuống. Trong một buổi họp báo trước cuộc họp thường niên giữa WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chủ tịch WB, ông Jim Yong Kim, tuyên bố rằng không thể để trẻ em sống trong tình trạng vô hy vọng, không được học hành tử tế và chăm sóc sức khỏe tốt. Ông cũng vừa có cuộc hội kiến với cô gái Pakistan Malala Yousafzai 16 tuổi, người được cả thế giới biết đến sau khi bị phe Taliban bắn vào đầu mà không chết và cũng là một trong những ứng viên được đề cử giải Nobel Hòa bình 2013. Cô học sinh này đang là một nhà hoạt động giáo dục, một “biểu tượng của niềm hy vọng” đối với 400 triệu trẻ em còn đang sống trong nghèo đói.
Một bữa ăn tập thể của những trẻ em nghèo
Báo cáo của WB cho thấy suốt 30 năm (1981-2010), trong lúc việc giảm số người cực nghèo tại các nước đang phát triển đạt được kết quả khả quan thì sự tiến bộ trong công tác giảm nghèo ở các nước có thu nhập trung bình còn khá hạn chế. Ở những nước nghèo nhất, việc cải thiện đời sống còn gặp nhiều khó khăn do sự gia tăng thêm 130 triệu người nghèo trong 30 năm kể trên. Ở Ấn Độ, số người cực nghèo chiếm khoảng một phần ba dân số, còn tính chung các nước có thu nhập thấp thì thành phần này chiếm đến 29% tổng số người cực nghèo của thế giới. Điều đáng nói là tỷ lệ 29% của năm 2010 tăng rất cao so với cách đó 30 năm (1981), mới chỉ ở mức 13%. Kết quả nghiên cứu của WB cũng cho biết ở thế giới đang phát triển, 58% dân số sống ở nông thôn, nhưng nông thôn lại chứa đến 78% tổng số người cực nghèo. Ngoài ra, khoảng cách về mặt giới tính trong sự hưởng thụ giáo dục của thành phần những người cực nghèo cũng là điều cần được quan tâm. Nếu tính số năm được đi học thì phụ nữ nghèo trong độ tuổi 15-30 học ít hơn một năm so với nam giới nghèo cùng độ tuổi với họ. Về mặt cơ cấu gia đình, trong thế giới đang phát triển, ở những gia đình không nghèo, cứ ba người lớn lo cho một đứa trẻ, còn ở những gia đình nghèo, mỗi đứa trẻ chỉ được 1,4 người lớn chăm sóc. Để giải quyết vấn đề, WB đề ra mục tiêu loại bỏ hoàn toàn tình trạng cực nghèo vào năm 2030, trong đó có việc tăng mức thu nhập của 40% dân số các nước đang phát triển đang sống dưới đáy xã hội. Thông qua kế hoạch tái cơ cấu, WB sẽ góp phần chủ yếu trong việc giảm số người cực nghèo vào năm 2020 xuống còn 9%. Và điều này cũng có nghĩa là sẽ phải tăng mức thu nhập bình quân của thêm 510 triệu người lên hơn 1,25 USD/ngày. Mục tiêu đó đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của WB, mà còn của IMF và nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế khác.
Lê Nguyễn tổng hợp