Trong khuôn khổ chuỗi hội nghị y khoa và công nghệ tổ chức hôm nay (10-3), Trường Đại học Văn Lang cùng Viện Vi sinh và chống dịch Đại học Stanford tiếp tục có hai phiên trao đổi với nhiều tham luận xoay quanh các vấn đề nóng trong việc ứng dụng AI, Blockchain vào y khoa và hệ thống giáo dục…
Diễn ra trong bốn ngày (7-10.3.2022), chuỗi hội nghị y khoa và công nghệ vừa là cơ hội giao lưu văn hóa, vừa là không gian học thuật cho các nhà nghiên cứu, nhà quản lý giáo dục. Và trong khuôn khổ chuỗi hội nghị, ngày hôm nay đoàn chuyên gia đến từ Viện Vi sinh và chống dịch Đại học Stanford tiếp tục đồng hành cùng Trường Đại học Văn Lang công bố các tham luận và kết quả nghiên cứu nhiều vấn đề, hướng tới giải pháp nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó các bệnh truyền nhiễm trong tương lai tại Việt Nam, đặc biệt nhấn mạnh các chủ đề về thuốc đặc trị, quản trị y khoa, ứng dụng công nghệ, phân tích và dự báo dịch tễ học.
Ngày nay, các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI) đóng vai trò quan trọng và đang tạo ra cuộc cách mạng nhiều lĩnh vực. Nằm ngay trong thung lũng sillicon, Viện Vi sinh và chống dịch Đại học Standford không chỉ có nguồn tài nguyên, thiết bị lên tới hàng tỷ đô mà còn có nguồn nhân lực về con người và công nghệ AI dồi dào, giúp tầm soát và dự báo tình hình dịch tễ trong tương lai. Việt Nam hiện nay cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào trí tuệ nhân tạo với nhiều tiềm năng, tuy nhiên không ít thách thức còn đặt ra về các vấn đề nguồn lực, cơ sở vật chất và hệ thống quản lý.
Hội nghị khoa học có sự góp mặt của các chuyên gia đến từ Viện Chống dịch (Đại học Stanford), gồm: GS-TS-BS Jeffrey Glenn, Viện trưởng Viện Chống dịch đồng thời là giáo sư y khoa, tiêu hóa và gan mật tại Đại học Standford, Giám đốc Trung tâm Viêm gan và kỹ thuật mô gan (Bệnh viện Standford); TS Edward Pham, Phó Viện trưởng Viện Chống dịch; TS Lương Minh Thắng, cố vấn công nghệ Viện Chống dịch; ThS. Wendy Uyên Nguyễn, Cố vấn chiến lược cấp cao Viện Chống dịch.
Ngoài ra, tham gia hội nghị còn có GS Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế (Đại học Công nghệ Sydney -UTS), giáo sư kiêm nhiệm dịch tễ học và thống kê thuộc Đại học Notre Dame (Australia), cũng là người gốc Việt đầu tiên được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Australia; ông Nguyễn Huy, đồng sáng lập kiêm CTO tại KardiaChain, nền tảng blockchain hàng đầu tại Đông Nam Á; PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế cộng đồng (Đại học Y Dược TP.HCM)…
Với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia lĩnh vực y khoa và công nghệ trên thế giới, hội nghị cung cấp cái nhìn đa chiều về dữ liệu tính toán big data (dữ liệu lớn) trong tương lai, định hình hướng đi rõ nét hơn cho Việt Nam trong việc sử dụng dữ liệu lớn vào y tế cũng như giáo dục. Là người đầu tiên trình bày tham luận, GS-TS-BS Jeffrey Glenn, Viện trưởng Viện Chống dịch, Đại học Standford đã chia sẻ về các nghiên cứu mới về thuốc đặc trị viêm gan và Covid. Đồng thời, ông cũng giới thiệu cai trò của Viện Chống dịch Stanford trong việc ngăn ngừa đại dịch.
Về phần mình, TS Edward Pham đề cập đến chủ đề thuốc đặc trị đa virus mới, không chỉ riêng COVID-19. TS Edward Pham là nhà nghiên cứu và phát minh các thuốc đặc trị virus và ung thư. Trọng tâm nghiên cứu của tiến sĩ là những thay đổi trong cấu trúc, tín hiệu, và chức năng của các thành phần trong tế bào tương tác với các loại virus, bao gồm: virus bại liệt, COVID-19, cũng như những thay đổi tương tự khi xảy ra trong tế bào ung thư cùng nhiều loại bệnh khác.
Trong khi đó, GS Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ về chủ đề tầm nhìn về y học chính xác trong đại dịch Covid-19, còn PGS-TS Đỗ Văn Dũng đề cập vấn đề thực tiễn hơn đó là phân tích và dự báo dịch tễ học: kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19 ở TP.HCM. ThS. Wendy Uyên Nguyễn lại có bài chia sẻ về chủ đề mô hình quản trị bệnh viện chất lượng quốc tế và đào tạo đội ngũ lãnh đạo y khoa.
Là cố vấn công nghệ Viện Chống dịch, Đại học Stanford – TS Lương Minh Thắng trình bày báo cáo về sứ mệnh giáo dục AI ở Việt Nam. TS Thắng hiện là nhà nghiên cứu cấp cao tại Google và nắm giữ trong tay hơn 50 bài nghiên cứu, 18.000 trích dẫn và hơn 15 bằng sáng chế.
Trong phần trình bày tiếp nối chương trình, ông Huy Nguyễn – Co Founder và CEO của KardiaChain chia sẻ về ứng dụng blockchain (chuỗi khối) trong y khoa và hệ thống giáo dục. Ông Huy Nguyễn là một trong những quản lý cấp cao trẻ nhất tại Google tại thời điểm được bổ nhiệm khi mới 30 tuổi. Ông có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc tại Google, Silicon Valley, sở hữu nhiều bằng sáng chế và công trình nghiên cứu tại Mỹ trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng mạng…
PGS-TS Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang, cho biết thời gian tới đây Trường Đại học Văn Lang định hướng tìm nguồn data để mở rộng trong lĩnh vực y học, đặc biệt là các trung tâm ung bướu.
Bà Mỹ Diệu nhận định đại dịch Covid-19 hơn hai năm qua đã làm bộc lộ nhiều điểm yếu cũng như đặt ra nhiều thách thức cho hệ thống y tế Việt Nam, và có lẽ các nước đang phát triển khác cũng đối diện với những thách thức tương tự. Ngoài việc thiếu hụt nguồn lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị, và nhân lực y tế dẫn đến tình trạng quá tải, Việt Nam đã bộc lộ nhiều điểm yếu, như: công tác dự báo chưa theo kịp với diễn biến thực tế của dịch bệnh; kỹ thuật và năng lực xét nghiệm chưa tương xứng với tốc độ lây lan của biến chủng Delta; triển khai chiến dịch tiêm vaccine với quy mô lớn chưa từng có trong một khoảng thời gian rất ngắn nên chưa đảm bảo việc nhập liệu, giãn cách; việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa hiệu quả…
“Như người ta thường hay nói: đừng để lãng phí một cuộc khủng hoảng. Đây chính là lúc chúng ta cần nhìn lại một cách sâu sắc để rút ra những bài học và chuẩn bị sẵn sàng cho các đại dịch tương tự do những chủng loại virus mới gây ra trong tương lai… Đại dịch vừa qua cũng cho thấy khi đối diện với khủng hoảng ở quy mô lớn toàn cộng đồng trong tình trạng khẩn cấp, công nghệ phải đóng một vai trò then chốt. Mặc dù việc ứng dụng công nghệ để giải quyết nhiều vấn đề trong đại dịch vừa qua còn nhiều lúng túng, hạn chế, chúng ta thấy tiềm năng to lớn mà công nghệ sẽ giúp giải những bài toán tương tự trong tương lai.
Bên cạnh chuyển đổi số nói chung, trong số những công nghệ hỗ trợ phòng chống Covid-19, AI và blockchain đóng vai trò quan trọng. AI giúp giảm gánh nặng công việc của đội ngũ y tế bằng cách hỗ trợ chuẩn đoán hình ảnh, chuyển hình ảnh thành chữ viết giúp số hóa toàn bộ tờ khai, phiếu điều tra dịch tễ và đưa lên hệ thống…”, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang chia sẻ.
Theo bà Mỹ Diệu, ở bài toán vĩ mô, trải qua các đợt dịch bệnh, từ dữ liệu có được, AI có thể phân tích, đưa ra các dự đoán về quy mô tiếp theo của đợt dịch, đưa ra các kịch bản theo thời gian thực giúp cơ quan chức năng chủ động ứng phó, khoanh vùng dịch bệnh. Trong khi đó, công nghệ chuỗi khối blockchain được sử dụng để quản lý bệnh viện, hồ sơ sức khỏe toàn dân, quản lý chuỗi cung ứng y tế, giám sát việc triển khai hộ chiếu vaccine…
“Hy vọng công nghệ sẽ giúp chúng ta quản lý thống nhất, kết nối tập trung dữ liệu khai báo y tế điện tử, dữ liệu khai báo di chuyển nội địa, dữ liệu phản ánh của người dân, dữ liệu điểm kiểm dịch và dữ liệu kiểm soát vào ra các điểm kiểm dịch… từ đó quá trình phân tích, nghiên cứu, dự báo, và ra quyết định sẽ có tính hiệu lực và hiệu quả cao hơn”, bà Mỹ Diệu nói.
* Cũng nằm trong chuỗi sự kiện, trước đó một ngày (9.3), hội thảo “Ung thư và định hướng nghiên cứu điều trị” đã tập trung vào những nghiên cứu chữa trị ung thư gan, viêm gan siêu vi B, ung thư phổi, làm sáng tỏ những thách thức và định hướng mới cho y tế Việt Nam.
Là người thực hiện nhiều nghiên cứu hiệu quả về liệu pháp tương lai cho điều trị HBV, TS. Edward Phạm cho biết, ung thư gan là loại ung thư phổ biến thứ 5 trên thế giới, đặc biệt là ở khu vực Đông Á. Việc tầm soát và nhận diện khả năng ung thư gan từ sớm là một trong những biện pháp chăm sóc sức khỏe cộng đồng quan trọng nhất.
TS. Edward Phạm khuyến nghị, Việt Nam cần nhân rộng hoạt động kiểm tra sức khỏe định kỳ, tiêm ngừa văc xin HBV và tiến hành chữa trị ngay từ sớm. Với tỷ lệ ngày một tăng cao, ung thư đã trở thành một trong những mối nguy hiểm hàng đầu cho sức khỏe người Việt nói riêng và thế giới nói chung. Hội thảo tập trung vào những nghiên cứu chữa trị ung thư gan, viêm gan siêu vi B, ung thư phổi, làm sáng tỏ những thách thức và định hướng mới cho y tế Việt đối với vấn đề này tại Việt Nam.
Báo cáo về tình hình nghiên cứu ung thư trên thế giới, GS-TS-BS Jeffrey Glenn chia sẻ về các phương pháp chữa bệnh ung thư truyền thống như hóa trị, xạ trị tuy có hiệu quả nhất định xong vẫn tồn tại nhiều hạn chế như độc hại, ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn và miễn dịch, gây nên nhiều tác dụng phụ,… GS Jeffrey Glenn kỳ vọng trong tương lai, nhân loại có thể tiếp cận với liệu pháp miễn dịch kết hợp để chữa trị ung thư hiệu quả hơn, ngăn chặn quá trình phát triển bệnh và tăng khả năng sống cho người bệnh.
Trong khuôn khổ tọa đàm, các nhà khoa học đã có dịp trao đổi cùng nhóm giáo sư đến từ Viện Chống dịch Đại học Stanford về tình hình điều trị ung thư trong nước và chia sẻ thêm những trải nghiệm trong quá trình nghiên cứu, tuyên truyền phòng chống, chữa trị ung thư tại Việt Nam…