Cuốn ‘Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam’ có bìa màu xanh xanh nằm ở góc sạp lề đường Nguyễn Hữu Cảnh chắc đã hơn năm năm rồi. Mỗi lần đi ngang, tôi lại có ý định mua về. Nhưng lần nào cũng bị lướt qua…
Sau làn sóng đại dịch quét qua thành phố thì cái sạp sách vỉa hè có vẻ ế ẩm đó biến mất. Chẳng hiểu vì đâu. Ông chủ già đã cuốn gói về quê, chuyển sang một công việc dễ kiếm tiền hơn hay còn một nguyên do ngậm ngùi nào khác? Vài lần đi ngang đó, tôi vẫn ngơ ngác tìm và trong đầu cứ hiện lên hình ảnh cuốn sách bìa cứng màu xanh mà mình đã mua hụt trong suốt năm năm trời.
Cuốn sách đã không còn kiên nhẫn để chờ một kẻ lãng đãng luôn đi trượt qua và lười quay đầu xe.
Người ta đã nói về sự biến mất của hàng trăm điểm đến thân quen: nhà hàng nọ, cửa hiệu kia, văn phòng nọ, thương hiệu kia… nơi thành phố này nhưng có lẽ ít ai chú ý đến sự biến mất lặng lẽ của những hiệu sách cũ sau một cơn biến động. Những hiệu sách “chợ trời” đã không thể trụ vững sau cơn bão đại dịch và tiếp theo là một trận phong ba bão giá đang khiến cuộc sống đã khó khăn càng thêm khó khăn.
Nhớ mươi năm trước, những hiệu sách cũ trên đường Trần Huy Liệu, Nguyễn Thị Minh Khai lúc nào cũng đông đúc kẻ vào người ra. Những chồng sách cũ chất hai bên tường các cửa hiệu hẹp, chỉ chừa những cái ngách rất nhỏ cho những con mọt sách thứ thiệt len vào len ra tìm cuốn sách ưng ý. Chủ tiệm (bao giờ cũng là một bà hoặc ông với mục kỉnh dày, dáng gầy guộc khổ hạnh) ngồi vắt chân thong thả, tay cầm cuốn sổ và cây bút bi ghi ghi chép chép tên sách, trò chuyện với khách hết cuốn nọ tới cuốn kia.
Những hiệu sách cũ, đa phần là bán những cuốn sách đã qua tay sử dụng, từ truyện tranh Conan, Doraemon cho đến các ấn bản thời bao cấp mà thư viện nhà nước thanh lý, và đôi khi lẫn trong các kho sách phủ bụi là những cuốn xuất bản tại Sài Gòn hồi trước 1975. Ta vẫn có thể gặp Phạm Công Thiện, Duyên Anh, Thanh Tâm Tuyền, Nghiêm Xuân Hồng trà trộn trong mớ lộn xộn Bút máu hay Thép đã tôi thế đấy.
Vài tiệm còn bán cả sách mới xuất bản với mức giảm giá rất cao nhờ chủ tiệm chịu khó đi săn từ các đợt xả kho của những nhà xuất bản hay hội sách. Các hiệu sách này thường là nhỏ hẹp, như những cái hang, nên khi nguồn sách nhiều, chủ hiệu cũng để bạt trải ra phía trước vỉa hè một khoảng.
- Xem thêm: Cái mặt… không đọc sách!
Sách bày trên vỉa hè thường là những cuốn được giảm giá sâu hoặc truyện tranh theo bộ. Trẻ con đi học về có thể tạt ngang lựa mấy cuốn mang theo, sinh viên đạp xe ngang có thể tìm thấy cuốn giáo trình của bộ môn nào đó mình đang học… Mọi thứ thật tiện lợi dễ dàng và tự nhiên như cách người ta mua món chuối chiên vỉa hè.
Cung cách bán sách bình dân “bày ra giữa trời” này có lẽ cũng có nguồn gốc lâu đời. Đọc lại chuyện ông Vương Hồng Sển đi tìm các bản sách quý ở lề đường Bùi Quang Chiêu trước đây, chuyện những nhà sách phát hành sách và tờ nhạc ở trung tâm trước 1975 ở Lê Lợi, Phạm Ngũ Lão hay sách chợ trời trên vỉa hè Đặng Thị Nhu sau 1975… sẽ thấy hóa ra số phận cuốn sách và… lề đường ở cái thành phố này lại có một sự liên đới nào đó vừa hào sảng phong trần vừa thăng trầm cay đắng mùi đời.
Sau những sang chấn, cuộc khủng hoảng được tính bằng các chỉ số kinh tế, các đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và tỉ lệ lạm phát… Nhưng những dấu chỉ về sự sa sút trong đời sống văn hóa thì chưa thể đong đếm được.
Những hiệu sách vỉa hè cũng linh động cho người bán lẫn người mua, khi tri thức sách vở chịu mang lấy bụi của đời sống, nắng gió của lề đường chứ không phải những màn phù phép ấn bản đặc biệt làm ra chỉ để chưng cất trong những chiếc tủ kính sơn son thếp vàng của phiên đấu giá, rồi đi thẳng đến những thư phòng của mấy ông trọc phú mới nổi.
Bây giờ, đứng trước một gian bán sách mới theo giá giấy vụn cân ký mà các nhà sách xả kho, quả thật, một kẻ theo đuổi việc đọc và làm sách nhiều năm sẽ cảm thấy chạnh lòng. Và chạnh lòng hơn khi nghĩ đến một thực tế nghiệt ngã: làm sao mà những tiệm sách vỉa hè truyền thống có thể tồn tại được qua cơn sóng gió này? Báo chí vẫn kể về một bà cụ bán sách trên lề đường Cách Mạng Tháng Tám đã 50 năm rồi. Bà ấy vẫn ôm một chồng truyện tranh và ngồi bên lề đường hiu hắt trong một cuộc sống đang xoay chiều đổi hướng. Hình ảnh rơi rụng ấy đẹp một cách xót xa. Sau những sang chấn, cuộc khủng hoảng được tính bằng các chỉ số kinh tế, các đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và tỉ lệ lạm phát… Nhưng những dấu chỉ về sự sa sút trong đời sống văn hóa thì chưa thể đong đếm được.
Tôi lại chạy rất chậm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh tìm người đàn ông bán cuốn sách về những cây thuốc, vị thuốc. Một cuốn sách không thuộc chuyên ngành của mình nhưng chẳng hiểu vì sao tôi cứ muốn đón về. Điều lạ là lẽ ra tôi có thể tìm mua nó ở một nhà sách, mà không hiểu sao trong đầu lại chỉ nghĩ đến chuyện đón về từ một vỉa hè.
- Xem thêm: Sách thay đổi lịch sử loài người