Người Ewe quan niệm con gái có nghĩa vụ chịu tội thay cho cha ông đã mắc lỗi. Từ thuở lên 10, các bé đã bị hiến vào đền thờ, trở thành “nô lệ của thần linh”. Họ phải làm tất tần tật các công việc, thậm chí sinh con cho thầy tế lễ.
“Nô lệ của thần linh”
Ewe là dân tộc ở châu Phi sống trong 3 quốc gia Ghana, Togo và Bénin. Họ có khoảng 7,1 triệu người, tập trung nhiều nhất tại Ghana (3,7 triệu), kế tiếp là Togo (3 triệu) và ít nhất ở Bénin (0,4 triệu). Dựa theo bằng chứng khảo cổ, giới nghiên cứu suy đoán dân tộc này có nguồn gốc từ vùng đồng bằng sông Niger. Họ định cư trong khu vực phía Đông vào khoảng thế kỷ XIII thì di chuyển tới Ghana và Togo.
Kể từ năm 1471, thực dân phương Tây đã biết tới Ghana. Trước năm 1826, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh thay phiên nhau nô dịch người Ghana. Sau năm 1826, quốc gia này biến thành thuộc địa của Vương quốc Anh. Mãi đến năm 1957, họ mới giành được độc lập. Cùng lúc đó, Togo bị Đức chiếm đóng, còn Bénin do Pháp kiểm soát. Người Ewe trên khắp Tây Phi không tránh khỏi số phận bị trị, trở thành nạn nhân của các lái buôn nô lệ châu Âu. Có điều ngay trong nội bộ của họ, từ “nô lệ” cũng không phải quá lạ.
Ewe theo tín ngưỡng Voodoo, thờ phụng linh hồn. Họ sùng bái vị thần tối cao là nữ thần Mawu. Bà được hình dung như một phụ nữ trung niên bao dung, hiền dịu. Mawu có 7 người con: Sakpata (thần đất), Xevioso (thần sấm-thần công lý), Agbe (thần biển), Wood (thần chiến tranh), Age (thần nông nghiệp và rừng), Jo (thần không khí) và Legba (thần của những chuyện bất thình lình). Cả bà lẫn 7 người con này đều được lập đền thờ phụng. Ngoài ra, người Ewe còn thờ một số thần linh khác, ví dụ như hồn cây, hồn đá, hồn sông, hồn của tổ tiên dòng họ.
Dân tộc Ewe theo văn hóa phụ hệ, đàn ông làm chủ gia đình. Mỗi làng Ewe là một cộng đồng độc lập. Trước khi bị thực dân phương Tây xâm chiếm, họ sống khép kín, chuyện làng nào làng ấy quyết. Trong mỗi làng đều có một “hội bô lão”. Họ đề ra luật lệ, lãnh đạo con cháu và tuyệt đối không cho phép bên ngoài can dự vào.
Trên cấp độ cá nhân, người Ewe cũng chủ trương “đèn nhà ai nấy rạng”. Họ ý thức, khổ là do bản thân mà ra. Bất kể rơi vào khổ ải vì lý do gì, người Ewe cũng không trách cứ hay cầu cứu người khác. Tuy nhiên, đàn ông Ewe thì lại được phép đẩy con gái ra gánh tội thay. Nếu họ vi phạm luật lệ Ewe, con gái của họ sẽ bị hiến cho đền thờ địa phương, trở thành Trokosi.
Trong ngôn ngữ Ewe, Trokosi là từ ghép “tro (thần linh) + kosi (nô lệ, trinh nữ, vợ)”, được hiểu như “nô lệ/trinh nữ/vợ của thần linh”. Theo thông lệ, trẻ em gái nhà có tội (tức là có đàn ông vi phạm nguyên tắc đạo đức của cộng đồng) phải vào đền làm Trokosi từ năm 10 tuổi. Nếu Trokosi này bỏ trốn hoặc qua đời, gia đình phải đưa đứa con gái khác vào thế chân. Chuyện hiến con gái làm “nô lệ của thần” có thể tiếp diễn đời này qua đời khác, cho đến khi được “hội đồng bô lão” và đền thờ phán quyết “hết nợ”.
Nạn nhân lạm dụng
Theo các nhà nghiên cứu, Trokosi có khả năng bắt nguồn từ hủ tục hiến tế trinh nữ cho thần thánh của một số tôn giáo cổ xưa. Ở Tây Phi, hình thức này từng phổ biến trong Vương quốc Dahomey (Bénin ngày nay) vào thế kỷ XVIII-XIX. Con gái của các tội nhân bị đưa vào cung, trở thành “ahosi” (nô lệ của nhà vua). Trong cung điện ở Abomey luôn có từ 5000-7000 ahosi và không có bất cứ đàn ông nào, trừ vài trăm hoạn quan chịu trách nhiệm quản lý nội điện. Nam giới duy nhất được phép ra vào Abomey là nhà vua. Ông ta toàn quyền sở hữu và sinh sát các ahosi. Khi nhà vua băng hà, các ahosi bị đem theo bồi táng.
Khi dân tộc Ewe di cư đến Bénin, họ bị ảnh hưởng bởi hủ tục “bắt con gái chịu tội thay cha” này và phổ biến rộng khắp. Nam giới Ewe tin rằng một khi con gái vẫn thay mình chuộc lỗi trong đền thờ, thần linh sẽ thôi trừng phạt họ và để cả nhà được sống yên. Vì thế, họ không oán trách đền thờ hay quan tâm đến số phận của những đứa con gái bị hiến làm Trokosi.
Trái lại, tự do của đứa con gái bị hiến làm Trokosi đã chấm dứt. Kể từ khi bước chân vào đền thờ, họ trở thành nô lệ theo đúng nghĩa đen. Tại đây, các bé gái phải làm mọi việc do thầy tế lễ sai bảo. Nếu bất tuân, họ bị phạt đòn roi. Tùy vào sự phân công của thầy tế lễ, các Trokosi vào các nhóm lao dịch khác nhau, ví dụ như dọn dẹp nhà thờ, nấu ăn, làm việc đồng áng và không được trả xu nào.
Bên cạnh bị bóc lột sức lao động, các Trokosi còn biến thành nạn nhân của lạm dụng tình dục. Mặc dù tín ngưỡng Voodoo cấm thầy tế lễ quan hệ với “nô lệ của thần linh”, nhưng thực tế lại phơi bày sự ngược lại. Hàng trăm Trokosi khai báo họ thường xuyên bị hành hung và hãm hiếp trong đền thờ. Hầu hết con cái của họ đều là kết quả của những “cuộc tình không tự nguyện” với thầy tế lễ.
Sự giải cứu muộn màng
Tại Ghana, thực dân Anh chính thức đặt ách thống trị vào năm 1826. Tất nhiên, họ biết rõ hủ tục Trokosi. Người Anh theo tín ngưỡng Kitô giáo, cấm các hành vi đồi bại trong phạm vi nhà thờ. Mỗi lần xâm chiếm tới đâu, họ lại nỗ lực đồng hóa tôn giáo đến đó. Chỉ là riêng tại Ghana, chính quyền thực dân ngó lơ thực trạng Trokosi. Trước năm 1920, họ từng điều tra thực tế và đưa ra kết luận: “Đó chỉ là thói trụy lạc giữa các nữ tín đồ và thầy tế lễ mà họ sùng bái”, quyết định không can thiệp vì sợ “ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế”.
Vào thập niên 1980, mục sư đạo Tin lành Mark Wisdom (Anh) thấy nữ tín đồ của mình đột ngột biến mất. Ông đi tìm, phát hiện cô bị giữ làm Trokosi trong một ngôi đền của người Ewe. Tìm hiểu sự tình, Mark mới hay cô không thể rời đi trước khi thay cha chịu hết tội. Ông lập tức tố giác lên chính quyền Ghana, tự tay thành lập Phong trào Giải phóng Nô lệ Tôn giáo (Fetish Slaves Liberation Movement-FESLIM), đối đầu với hủ tục Trokosi.
Vào thập niên 1990, nhà báo Vincent Azumah (Ghana) can đảm đưa Trokosi lên các trang quốc tế, vận động điều tra và xóa bỏ tệ nạn thực hành nô lệ tôn giáo. Tháng 3-1993, Ủy ban Trẻ em Quốc gia Ghana (Ghana National Commission on Children) lên tiếng đòi quyền trẻ em cho các thiếu niên Trokosi. Kế tiếp họ, luật sư Anita Heymann Ababio (Ghana) phân tích tội trạng Trokosi dưới góc độ pháp luật. Nhiều học giả Ghana nối tiếp nhau vào cuộc, đòi chính phủ soạn thảo và thông qua dự luật cấm thực hành các nghi thức, nghi lễ tôn giáo mang tính chất tàn bạo.
Năm 1998, Ghana thông qua đạo luật về tôn giáo và thực hành tín ngưỡng. Trokosi bị xếp vào danh sách hủ tục cấm thực hành. Dù vậy, chính quyền vẫn chưa dám mạnh tay giải quyết. Bước sang thế kỷ XXI, Tổ chức Phi chính phủ kết hợp với FESLIM và nhiều tổ chức bảo vệ phụ nữ, trẻ em khác; tiến hành vận động, thúc ép, bắt buộc chấm dứt Trokosi. Từ tháng 11-2000 đến 11-2001, 526 Trokosi tại Adidome được giải phóng. Tháng 1-2003, 465 người khác ở khu vực Agave thoát nạn. Tháng 1-2004, Adidome trả tự do cho thêm 94 Trokosi. Tháng 12-2005, 120 Trokosi hạnh phúc rời khỏi Đền Sovigbenor, Aflao. Tháng 3-2010, 52 Trokosi Ghana cuối cùng trong Đền Kadza Yevesi giải thoát.
Tại Togo và Bénin, Trokosi cũng dần dần bị xóa bỏ. Tuy nhiên, việc thực hành Trokosi đã không biến mất hoàn toàn. Một số ngôi đền Voodoo kiên quyết giữ tục lệ tôn giáo này, chỉ đồng ý chuyển sang hình thái nhân đạo hơn. Vì thế, các tổ chức nhân quyền ở Tây Phi vẫn chưa thể buông lỏng cảnh giác. Họ nỗ lực kêu gọi và nhấn mạnh, Trokosi phải được xóa sổ triệt để.