Mỗi lần nhắc về chuyện học là ba tôi lại tiếc rẻ. Hồi đó, nếu như nhà nội khá giả hơn chút thì ba cũng theo học đến nơi đến chốn, rồi ra làm nghề chứ không phải như bây giờ.
Chữ “Nghề” mà ba tôi nói đến, với ngụ ý rằng đó phải là một nghề được đào tạo trường lớp bài bản, là một công, viên chức chứ không phải là nghề làm ruộng như mấy chục năm ba vẫn gắn bó. Ba lấy mẹ rồi gắn bó với đồng ruộng từ lúc ấy đến giờ. Cũng có những năm, ba bôn ba khắp chốn, vào Nam ra Bắc để làm ăn. Cứ tưởng cuộc đời của ba gắn bó với ruộng đồng, vất vả với cuộc sống mưu sinh ba sẽ quên đi chữ nghĩa. Ấy vậy mà không phải, dường như ba còn say đắm chữ nghĩa còn hơn cả những năm tháng thanh xuân của người. Mỗi lần tôi thấy ba lọ mọ sách vở, tôi có cảm tưởng rằng ba đang bồi đắp lại sự thiếu hụt, sự nghiệp học hành dở dang của mình. Hồi đó ba chỉ học hết lớp Bảy. Tức là mới tốt nghiệp cấp II.
Nói về sự nghiệp học hành của ba. Ba tôi là một người thích tìm tòi, mê chữ nghĩa, đọc, học và nghiên cứu không ngừng nghỉ. Vì thế có lần mẹ tôi nói nửa đùa nửa thật: “Ba tụi bây mê chữ còn hơn cả mê tao”. Chị em tôi nghe mẹ nói mà không nhịn được cười.
Ngoài đam mê với sự học ba còn có một chút tài lẻ viết chữ Hán. Còn nhớ, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, ba tôi lại lọ mọ xuống tận thị xã xa xôi những mấy chục cây số để lùng sục mua bằng được những tấm giấy gió, bút lông, mực, nghiên để viết chữ. Hệt như những ông đồ thời xưa. Mẹ tôi nói, vì yêu ba nên chấp nhận cả cái sở thích lạ lùng đó của ông. Sở dĩ, mẹ nói sở thích lạ lùng là vì mẹ tiếc số tiền chỗ giấy, bút kia. Là người vợ như mẹ, sống trong cảnh nghèo đói, chắt chiu từng đồng từng cắc, ai mà không tiếc cơ chứ?!
Hình ảnh sau phút giao thừa, khi ba đã cúng viếng xong tổ tiên, ba đến phía sau tủ thờ lấy giấy, nghiên ra ngồi giữa nhà rất quen thuộc với chị em tôi. Hồi còn nhỏ, tôi cũng chẳng biết ba làm như thế để làm gì. Hỏi ba, ba chỉ nói, đầu xuân thì nên khai bút viết lấy mấy chữ lấy may. Ba thảo nét chữ Tâm, chữ Tài, chữ Nhẫn và nhiều chữ nữa mà tôi không kịp nhớ. Kỳ lạ thay, những nét chữ Hán xưa lại khiến anh em tôi say đắm một cách lạ lùng.
Và “sự nghiệp” gắn bó với khai bút của tôi kể từ bắt đầu khi tôi biết viết chữ. Giao thừa xong, ba bày sẵn giấy mực, bút rồi mấy cha con ngồi viết. Ba nói đầu năm nhất định phải khai bút lấy may, nhất là những người đang ở độ tuổi đi học. Khai bút sẽ khiến việc học hành thuận lợi, hanh thông, giỏi giang.
Rất nhiều năm khai bút, tôi vẫn không quên được không khí ngày đầu năm mới. Khi đất trời giao hòa trong khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng, hương trầm ngan ngát quyện với không khí tĩnh mịch của đất trời, một chút lành lạnh tạo nên một cảm xúc khó tả. Tay tôi cầm bút run run, phác từng đường nét tạo nên con chữ của mình. Ba nói, chuyện khai bút đầu năm không phải là chuyện chơi chơi, làm cho có mà người cầm bút phải thành tâm, chú tâm vào con chữ của mình. Nét chữ nết người, chữ rõ ràng thì tâm mới sáng. Khai bút theo ba, người viết muốn viết cái gì cũng được. Miễn là khi mình viết ra thấy thích, thấy yêu. Ngày còn nhỏ, tôi cứ theo lời ba, trong đầu tôi nghĩ gì thì viết đó. Đôi khi chỉ là một vài câu mong ước đầu năm. Làm một bài tập Toán để mong năm học được học giỏi Toán hơn, hay viết một đoạn văn nho nhỏ.
Sau này lớn lên, hiểu biết hơn, tôi mới hay được khai bút đầu năm là một trong những nghi lễ truyền thống từ lâu đời của người Việt. Quan trọng là một cách chiêm nghiệm, một chút tư lự lại những gì thuộc về năm cũ đã qua, và cũng như biết bao người – ngày đầu năm mới thì chọn một vài chữ, một vài câu làm điềm cát tường; hay để thể hiện cái khí khái, chí hướng và nguyện vọng của mình trong một năm mới vừa sang. Việc khai bút đầu xuân tượng trưng cho sự may mắn và thành công trong học tập và sự nghiệp; nói lên truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của các thế hệ học trò.
Ngày nay, tục khai bút tuy vẫn còn được nhiều người duy trì, nhưng dường như không còn nguyên vẹn tính chất và cách làm như xưa. Họ không khai bút đầu xuân như ba tôi vẫn thường làm mà viết mọi lúc mọi nơi. Thế hệ thời công nghiệp 4.0, khai bút trên mạng xã hội, facebook, blog của mình. Không nói ra, nhưng tôi biết ba có chút chạnh lòng. Với anh em chúng tôi thì vẫn khai bút theo nghi thức cũ. Tức là vẫn dùng giấy bút để viết.
Mùa xuân năm nay, ba tôi chạm tuổi bảy mươi. Tuy không còn được minh mẫn như xưa, nhưng tôi biết giao thừa thể nào ba cũng khai bút. Trong không khí xuân đang rộn ràng cận kề, mùi nhang trầm thoang thoảng và hình ảnh ba ngồi giữa nhà viết chữ làm lòng tôi lại rưng rưng thương cha nhớ mẹ.